Nữ tướng Boudica của Anh: 1 trong 10 nữ tướng kiệt xuất thế giới
- Trần Hưng
- •
Là 1 trong 10 nữ tướng được vinh danh của lịch sử thế giới, Boudica đã lãnh đạo người Anh chống lại sự cai trị của Đế quốc La Mã. Danh tiếng của bà vang dội khắp nước Anh vào thời Nữ Hoàng Victoria, và đến nay bà vẫn được xem là biểu tượng anh hùng của người Anh.
Cầm quân chống lại sự cai trị hà khắc của La Mã
Năm 43 SCN, La Mã tấn công vùng phía đông nam của nước Anh ngày nay, đánh chiếm các hòn đảo và xóa sổ một số bộ tộc. Bộ tộc nào thần phục thì được phép tự trị và trở thành phiên bang của La Mã.
Bấy giờ bộ tộc Iceni ở Norfolk thuộc nước Anh ngày nay phải thần phục La Mã và sống dưới sự cai trị hà khắc. Vua của người Iceni trước khi mất đã di chúc truyền ngôi cho con gái mình và để Hoàng đế La Mã Nero kế thừa lãnh địa của mình. Bằng cách này, ông muốn giữ thiện chí với La Mã để Iceni được tự trị.
Sau khi Vua mất, theo quy định của La Mã, phần lớn tài sản của nhà Vua phải đưa cho Hoàng đế La Mã. Nhưng những quan viên La Mã ở Iceni đã đẩy sự việc đi quá mức. Họ không chỉ lấy hết toàn bộ tài sản còn lại của nhà Vua, mà còn đưa cả vợ của Vua là Boudica ra đánh đập trước công chúng.
Sự hà khắc của quân La Mã khiến nhiều bộ tộc ở Anh lúc đó liên kết chống lại. Họ cùng bầu Boudica làm Nữ hoàng, chỉ huy quân nổi dậy tấn công quân La Mã cai trị ở các bộ tộc, người dân hưởng ứng rất đông, quân số cuộc khởi nghĩa lên đến 12 vạn.
Nhà sử học La Mã Cassius Dio đã mô tả hình ảnh của Boudica như sau: “Bà có thân hình cao to, ánh mắt sắc như dao, còn giọng nói rất lớn. Mái tóc dày màu nâu đỏ của bà tung bay xuống tận eo. Bà luôn đeo một chiếc vòng vàng lớn quanh cổ cùng với một chiếc áo choàng màu xanh được cài chặt bằng một chiếc ghim”.
Liên tục chiến thắng
Nữ tướng Boudica cho quân tiến đánh Camulodunum, đây là nơi dưỡng cư của người La Mã. Quân La Mã sau khi chiếm đóng ở đây đã đuổi người bản xứ, thay vào đó là dân La Mã. Thành phố này được xem là biểu tượng cho sự cai trị của người La Mã, có cả ngôi đền thờ hoàng đế La Mã Claudius được xây dựng ở đây.
Trận đánh ở Camulodunum diễn ra rất ác liệt, cuối cùng quân khởi nghĩa cũng chiếm được thành phố. Quân La Mã đến ứng cứu cũng bị tiêu diệt.
Tướng La Mã là Gaius Suetonius Paulinus đưa binh đoàn Hispana tới cứu. Nhận được tin, Boudica đưa quân đến đón đánh. Trận đánh diễn ra trên cánh đồng, quân La Mã vốn xem thường người Anh đã phải trả giá đắt, 2.000 quân bị tiêu diệt. Gaius Suetonius Paulinus vội cùng kỵ binh chạy trốn.
Liên tục giành thắng lợi, Boudica đưa quân tiến đánh Londinium (London ngày nay). Nhận được tin quân khởi nghĩa đã đánh bại cả đội quân chính quy của tướng Gaius Suetonius Paulinus, quân La Mã tại Londinium quyết định rút quân.
Boudica cho quân chiếm Londinium, rồi thừa thắng đưa quân đến đánh chiếm thành phố Verulamium (tức St. Albans ngày nay). Toàn quân La Mã trong thành phố bị tiêu diệt.
Chiến thắng liên tiếp của Nữ hoàng Boudica khiến La Mã rúng động, Hoàng đế Nero cũng cân nhắc đến việc rút lui hoàn toàn khỏi nước Anh. Tuy nhiên tướng Suetonius đã tập hợp quân La Mã còn lại để chuẩn bị tiến đánh quân khởi nghĩa.
Cao ngạo dẫn đến thất bại
Tướng Suetonius tập hợp được 1 vạn quân, trong khi đó Boudica đưa 10 vạn quân tiến đến. Trận đánh diễn ra ở phía tây miền trung nước Anh.
Do lực lượng chỉ bằng 1/10 đối thủ, tướng Suetonius đã chọn tham chiến ở một hẻm núi chật hẹp, phía sau có rừng rậm và núi đồi 2 bên bảo vệ, phía trước là đồng trống. Quân khởi nghĩa dù đông nhưng không thể bao vây được, chỉ có thể từ phía trước mà đánh vào.
Quân Anh với lực lượng đông đảo, lại giành được một loạt chiến thắng thì rất tự tin, thậm chí các binh sĩ có dấu hiệu cao ngạo. Theo sử gia Tacitus những binh sĩ khởi nghĩa đã lấy xe đưa cả vợ con đến ở cuối trận tuyến để tận mắt chứng kiến quân khởi nghĩa đánh bại quân La Mã thế nào.
Đội quân La Mã đa số là quân chính quy, tướng Suetonius cho quân xếp thành trận rất có kỷ luật. Khi quân khởi nghĩa đến gần thì quân La Mã dàn thành thế trận. Kỵ binh khởi nghĩa tiến đến rồi phóng lao vào quân La Mã, tuy nhiên quân La Mã vận dụng thế trận khiên che đỡ nên hầu như không gặp thiệt hại.
Sau đó bộ binh quân khởi nghĩa tiến đến, quân La Mã phóng những mũi lao tiêu diệt quân tiên phong. Khi phóng hết lao, quân La Mã với đội hình tam giác (Xem bài: Những đội hình dàn trận nổi tiếng của quân đội La Mã) tiến lên giao tranh với quân Anh.
Quân La Mã dù ít hơn nhưng xiết chặp đội ngũ, lại trang bị giáp và vũ khí tốt hơn, đã dựa vào kỷ luật và trang bị mà đánh bại quân khởi nghĩa. Quân Anh thua trận phải bỏ chạy về phía sau, nhưng dãy xe chở vợ con của họ ở cuối chiến tuyến đã ngăn họ lại.
Theo sử gia Tacitus thì quân khởi nghĩa bị mất 8 vạn quân, trong khi đó quân La Mã chỉ mất 400 người. Cũng theo Tacitus thì sau khi thua trận Nữ Hoàng Boudica uống thuốc độc tự sát, nhưng theo nhà sử học Cassius Dio thì bà bị mất vì vết thương nặng và được an táng cẩn thận.
Câu chuyện về Boudica bắt đầu trở thành điểm nhấn dưới thời trị vì của Nữ hoàng Elizabeth I vào thế kỷ 16-17. Sau đó, vào thế kỷ 19, Nữ hoàng Victoria cũng được ví là một Boudica của Anh quốc. Năm 1883, Vương tế Albert, phu quân của Nữ hoàng Victoria, đã cho xây dựng bức tượng Nữ hoàng Boudica cùng 2 cô con gái trên chiếc xe ngựa, tượng được đặt bên ngoài tòa nhà nghị viện London.
Nữ Hoàng Boudica cũng được bình chọn là một trong 10 nữ tướng kiệt xuất trong lịch sử thế giới.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử thế giới nữ tướng quân La Mã