Vài suy nghĩ về chuyện giáo dục lễ nghi trên bàn ăn cho con trẻ
- Ngọc Lan
- •
Có một nhà giáo dục viết rằng, nếu hiện tại cha mẹ muốn biết 30 năm sau con của mình là người như thế nào, kết hôn với kiểu người nào, đạt được thành tựu gì, thì nên xem kỹ lại cách giáo dục con của mình để phát hiện ra những việc gì cha mẹ làm chưa đủ, những việc gì cha mẹ làm quá nhiều. Việc giáo dưỡng, lễ nghi trên bàn ăn thể hiện ý tưởng này rất rõ.
Thời gian trước, tôi ăn cơm cùng với một số người bạn, trong đó có một cặp vợ chồng dẫn cậu con trai 3 tuổi đi cùng. Trong bữa ăn, cậu bé không lúc nào ngồi yên, luôn chân luôn tay nghịch và quấy. Tôi hỏi người mẹ trẻ: “Có phải hai vợ chồng ít mang con trai theo khi đi ăn bên ngoài không?” Người mẹ trả lời: “Không phải đâu ạ, nhà em cũng thường xuyên cho con đi ăn cùng ở ngoài!”
Vậy có thể thấy rõ ràng rằng, cậu bé không phải thiếu cơ hội tiếp xúc với bên ngoài mà là thiếu “phép tắc”, “lễ nghi” trên bàn ăn. Lễ nghi trên bàn ăn này là đến từ giáo dục gia đình.
Lại có lần tôi tham gia một hoạt động tập thể, có một cậu bé tiểu học, mỗi lần gắp thức ăn, muốn ăn loại thức ăn nào là cậu lại bê đĩa chuyển về trước mặt mình. Ví dụ, nếu có người đang đưa đũa ra gắp rau thì đột nhiên cậu bé chuyển đĩa rau đi, làm cho đôi đũa cứ lơ lửng ở trên không, rất là xấu hổ. Thức ăn thì ít mà người lại nhiều, cho nên có người không có thức ăn để ăn với cơm, còn cậu bé thì gắp chồng chất về bát mình, cuối cùng ăn cũng không hết đành phải bỏ đi.
Khi nói chuyện với mẹ cậu bé, bà kể rất nhiều thành tích về cậu. Cậu bé học tập tốt, thành tích các môn đều cao, vóc dáng cao ráo, là lớp trưởng, tuy vậy mẹ cậu bé cũng chưa thấy hài lòng, còn muốn cho cậu bé đi học thêm ở trung tâm bên ngoài.
Chiểu theo phương pháp giáo dục ấy và tính cách của cậu bé thì liệu sau 30 năm nữa cậu bé có thể là người có địa vị, có thành tựu hay không? Chỉ e cha mẹ cậu bé không kịp thời nhận ra, bởi cậu sẽ bị trượt chân ngay ở hai từ “giáo dưỡng”.
Kỳ thực giai tầng xã hội càng cao thì càng nhiều phép tắc, dù là xã hội ngày xưa hay xã hội ngày nay cũng đều như vậy. Cho dù là người bình thường thì lễ phép cũng là yêu cầu tối thiểu nhất. Một người không có lễ phép sẽ khiến người khác cảm thấy rất khó chịu.
Giáo dục lễ nghi sở dĩ quan trọng là bởi vì con người có tính xã hội. Chúng ta hàng ngày đều tiếp xúc, quan hệ với những người xung quanh mình, mà bàn ăn là nơi giao lưu quan trọng để phát triển mối quan hệ giữa người với người. Chúng ta ăn cơm cùng đồng nghiệp, cùng bạn bè, cùng người nhà, trên bàn ăn nói chuyện công việc, chuyện tình cảm, đủ thứ chuyện… Chuyện ăn uống, lớn thì có tiệc của quốc gia, nhỏ thì có bữa cơm gia đình, dù muốn hay không thì việc ăn cơm cũng bao hàm rất nhiều ý nghĩa.
Người phương Đông thời xưa rất coi trọng việc giáo dục lễ nghi trên bàn ăn đối với con trẻ. Có người nói: “Hành vi của trẻ trên bàn ăn thể hiện tố chất của cha mẹ”, đây cũng không phải là nói quá. Bàn ăn là nơi xã giao quan trọng, do đó cha mẹ cần giáo dục con trẻ lễ tiết. Cha mẹ cũng đừng cho rằng vì trẻ còn nhỏ nên việc này là chưa cần thiết, đợi đến lúc trẻ lớn lên có thể đi ra ngoài rồi mới giáo dưỡng thì đã muộn rồi.
Thành tựu mà một người đạt được có quan hệ với rất nhiều nhân tố và giáo dưỡng là một nhân tố chắc chắn cần có. Nói cách khác, trẻ học tập gian khổ trong nhiều năm mới lấy được giấy chứng nhận hay bằng cấp này kia, nhưng chỉ vì một bữa ăn mà cháu có thể để lại ấn tượng không tốt cho người khác. Nói như vậy có lẽ cha mẹ sẽ hiểu được nhiều điều.
Lễ nghi trên bàn ăn sẽ đi theo trẻ cả đời, nhất thiết các bậc cha mẹ cần chú ý. 20, 30 năm nữa, trẻ trưởng thành ra ngoài xã hội, có hối hận thì cũng đã không kịp, rất có thể còn ảnh hưởng đến cách giáo dục con cháu thế hệ tiếp theo.
Ngọc Lan biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Đạo đức chữ Lễ Dạy con Văn hóa truyền thống