Bắc Ninh là chiếc nôi văn hóa từ xa xưa với tên gọi Luy Lâu, là nơi có nhiều lễ hội nhất và cũng là nơi có nhiều người đỗ đạt nhất, được ví là “một giỏ ông Ðồ, một bồ ông Cống, một đống Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”. Một trong nhưng nơi có nhiều người đỗ đạt là thôn Đông thuộc xã Đào Viên (Quế Võ, Bắc Ninh), dù chỉ là một thôn nhỏ bé nhưng trải qua 150 năm có 6 người đỗ đại khoa.

nha tho ho mai
Nhà thờ 4 Tiến sĩ họ Mai ở thôn Đông. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Tương truyền vùng Kinh Bắc xưa kia thời nào cũng có người biết chăm sóc và huấn luyện voi. Thôn Đông cũng có nhiều người đỗ đạt xuất thân từ nghề chăn voi.

Người đỗ khai khoa cho thôn là Mai Bang, sinh năm 1482, thời trai trẻ làm nghề chăn voi để có tiền lo việc học. Đến khoa thi năm 1511, Mai Bang dự thi và đỗ cao thứ 5, và là người đỗ khai khoa cho thôn Đông.

Văn bia khoa thi này có ghi chép lại rằng:

“Lòng thánh đế lo xa, đã có sẵn quy hoạch, đối với những người thi đỗ trong bảng này đặc cách ban khen bạt dụng, đều bổ cho giữ các chức ở Hàn lâm viện và các chức khoa đài ở các bộ, ơn huệ rất dày, chế độ rất đủ. Đăng khoa thì có sách chép, đề danh thì có bia là cốt để lưu tiếng thơm trong sử sách, làm rạng rỡ sự nghiệp đến muôn đời.”

Sau Mai Bang, người đỗ thứ hai của thôn Đông là Nguyễn Thuyên, đỗ Bảng nhãn khoa thi năm 1523. Ông từng được cử đi sứ phương bắc, làm quan đến Thừa chính sứ. Sau khi mất, được triều đình truy tặng chức Thượng thư, tước Lương Ngạn bá. Ông là con rể Tiến Quận công Nguyễn Lĩnh.

Người đỗ thứ ba là Mai Khuyến (em của Mai Bang), đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1535 thời nhà Mạc, khoa thi này người đỗ cao nhất tức Trạng nguyên là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thi đỗ, ông được cử đi sứ phương bắc, sau đó làm Tả thị lang bộ Lễ.

Việc một thôn làng nhỏ bé mà có 3 người liên tiếp đỗ đại khoa tạo ra phong trào khuyến học ở thôn Đông, thêm nhiều sĩ tử đi thi và đỗ đạt.

Con trai của Mai Khuyến là Mai Công đỗ tiến sĩ khao thi năm 1553 thời nhà Mạc, từng được cử đi sứ phương bắc, làm quan đến Thương thư bộ Hình.

Sách “Lê Quý Đôn toàn tập”, mục “Nghịch thần truyện”, Lê Qúy Đôn có chép rằng trong trận chiến giữa quân nhà Mạc và nhà Lê ở Cẩm Giàng, Chí Linh, Đông Triều, Thượng thư Mai Công bị bắt nhưng ông không chịu khuất phục nên bị giết chết.

Người đỗ thứ 5 cho thôn Đông là Nguyễn Lễ, đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1571. Khoa thi này chỉ lấy 5 người đỗ và không lấy Trạng nguyên, Nguyễn Lễ đỗ cao thứ 2. Ông từng được cử đi sứ, giữ chức Thượng thư bộ Hộ, tước Quế Giang bá.

Người đỗ đạt thứ 6 là Mai Trung Hòa (cháu nội của Mai Công), sinh năm 1610, đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1659 thời vua Lê Thần Tông, Văn bia tiến sĩ khoa thi này ghi lại như sau:

“Mùa hạ tháng 4 vào Điện thí.

Ban cho bọn Nguyễn Quốc Trinh 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Mai Trọng Hòa 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Phạm Duy Chất 15 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Ban áo mũ cân đai để y phục đẹp đẽ, cho dự yến Quỳnh Lâm để tỏ ơn trọng hậu, rồi cho cưỡi ngựa vinh quy về làng, nêu cao lòng sủng ái.

Bấy giờ khanh sĩ làm quan tại triều, ấn thao tua mũ san sát đầu hồi chính điện; có người cầm ấn phù tiết việt đi trấn giữ một phương, nườm nượp răm rắp, trong ngoài gắng gỏi, đều là những người thi đỗ trong khoa này. Nhân tài như thế, há chẳng là thịnh hay sao!”

Thôn Đông có 6 người đỗ đạt thì riêng họ Mai đã chiếm 4 người. Ngoài họ Mai thì họ Nguyễn cũng có nhiều người đỗ trung khoa.

duong vap nha tho
Đường vào nhà thờ 4 tiến sĩ họ Mai. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Nhà thờ họ Mai được xây dựng vào thời nhà Lê. Đến năm 1941 do lụt lội nên họ Mai đã phải xây lại tiền đường, tôn tạo hậu đường. Đến năm 2020 thì nhà thờ họ được xây lại mới trên nền đất cũ.

Ngày nay nhà thờ 4 tiến sĩ họ Mai tọa lạc ở ngay vị trí giữa làng, nhà thờ còn lưu giữ được Ngai thờ, bài vị và 1 bia đá thời Lê; 1 hoành phi thời Nguyễn; 1 đôi câu đối thời Nguyễn; 6 bia đá thời Nguyễn cùng các đồ thờ tự có giá trị khác như: Hương án, trường kiếm, bảng chúc văn, hộp bài vị.

Nhà thờ có gồm có Tiền đường 3 gian và Hậu đường 3 gian, tạo thành mặt bằng chữ Đinh cùng với cổng, sân gạch.

Những dịp giỗ tổ 21/12, tiết thanh minh 3/3, ngày sóc vọng hàng tháng, con cháu họ Mai lại tập trung về nhà thờ dâng hoa và lễ vật, tự hào ôn lại truyền thống của dòng họ mình.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: