Có câu rằng: “Tham lam giống như lửa, nếu không ngăn cản nó sẽ cháy lan ra đồng cỏ. Dục vọng giống như nước, nếu không ngăn cản nó sẽ dâng lên đến trời.” Ham muốn vô tình như nước và lửa cho nên tâm người ta cần phải có “bờ kè kiên cố” để tránh mối họa. Tuy nhiên dù bờ kè có kiên cố đến đâu cũng sợ “hang kiến nhỏ”, dù lòng kiên trì đến đâu cũng có thể bị hủy hoại chỉ bởi “một cái nhìn” khiến dục vọng bị khơi dậy. Cho nên cổ nhân rất chú trọng đến việc khắc chế dục vọng của bản thân.

Trí tuệ cổ nhân: Người xảo trá không bằng người thành thật
(Tranh minh họa: Họa sĩ Trần Hồng Thụ thời Minh, Wikipedia, Public Domain)

Lão Tử giảng: “Bất kiến khả dục, sử tâm bất loạn”, đại ý là không nhìn hay tiếp xúc với những vật hoặc việc có thể khơi dậy dục vọng của con người, như thế tâm thần con người sẽ không bị loạn theo. Sách “Hoài Nam Tử” có ghi lại một câu chuyện minh họa cho điều này.

Thời Xuân Thu, lệnh doãn của nước Sở là Tử Bội thỉnh mời Sở Trang Vương đến dự tiệc uống rượu, Sở Trang Vương đồng ý. Thế là Tử Bội ở Cường đài chuẩn bị sẵn tiệc rượu xa hoa. Nhưng Tử Bội đợi mãi mà Sở Trang Vương lại không chịu đến.

Ngày hôm sau, Tử Bội đi chân trần và chắp tay đứng dưới điện hướng về phía Sở Trang Vương ngồi và nói: “Hôm trước quân vương đã đồng ý tham dự tiệc rượu, nhưng lại không đi, thần nghĩ có lẽ bản thân mình đã có chỗ nào không đúng?”

Sở Trang Vương trả lời:

“Ta nghe nói ngươi thiết lập tiệc rượu ở Cường đài. Cường đài này phía nam nhìn về Liêu Sơn, nằm cạnh Hoàng Hồ, bên trái là Trường Giang bên phải là Hoài Thủy. Hoàn cảnh như vậy có thể khiến con người quên đi cả nỗi buồn. Ta sợ đi tới đó rồi sau sẽ lưu luyến quên mất đường về, bê trễ đại sự, cho nên quyết định không đến dự tiệc nữa.”

Sở Trang Vương còn gọi là Kinh Trang Vương, là vị quân vương có thành tựu nhất của nước Sở thời Xuân Thu, được sử sách liệt vào ngũ bá. Sở Trang Vương xưng bá Trung Nguyên, không chỉ khiến cho nước Sở trở nên cường đại, uy danh truyền xa mà còn đóng một vai trò nhất định trong văn hóa. Người đời sau lưu truyền nhiều câu chuyện thành ngữ về ông như “Nhất minh kinh nhân”, “Vấn đỉnh Trung Nguyên”, “Chỉ qua vi vũ”. Khổng Tử cũng từng tán dương Sở Trang Vương là một ông vua hiền đức. Mà sự hiền đức này không thể tách rời với khả năng khắc chế dục vọng bản thân mạnh mẽ của ông.

Trong dân gian còn lưu truyền một câu chuyện về đạo lý ước chế dục vọng như vậy. Vương Dương Minh là một nhà triết học nổi tiếng thời Minh. Lúc Vương Dương Minh 12 tuổi, trên đường đi đến trường ngày nào cũng thấy một sòng bạc nhỏ đông chật kín người. Ông đã đề nghị những người bạn đồng hành đi một con đường khác. Nhưng những người bạn của ông cho rằng sòng bạc không có liên quan gì đến bản thân nên không đồng ý đổi đường.

Về sau, Vương Dương Minh phát hiện ra có một số người bạn từng dừng lại trước cửa sòng bạc và nhìn vào bên trong, ông liền nhắc nhở họ đừng nhìn. Nhưng các bạn ông đều nói rằng nhìn một chút, không sao cả. Vương Dương Minh bất đắc dĩ đành chọn đi một con đường khác. Một tháng sau, một người bạn đồng hành của ông đã không thể cưỡng lại sự cám dỗ và bắt đầu nghiện cờ bạc.

Vương Dương Minh nổi tiếng với tư tưởng “tri hành hợp nhất”, hiểu biết và thực hành đi liền với nhau. Ông cho rằng chỉ nhìn thôi cũng có thể khiến bản thân khó tự kiềm chế. Vì vậy theo ông, muốn tránh không bị trầm mê vào dục vọng thì biện pháp tốt nhất là tránh xa, không nhìn vào những điều khơi dậy dục vọng. Người đời thường biện giải rằng: Nhìn thôi mà, có sao đâu? Kỳ thực vì sao biết nó là thứ không tốt rồi mà còn muốn nhìn? Do đó “không nhìn” không phải là nhát gan mà là đoạn tuyệt dục vọng. Tất nhiên, cảnh giới cao hơn là “nhìn mà không thấy”, nhưng chưa làm được việc “không nhìn” mà đã bàn đến điều cao hơn thì chỉ là bao biện mà thôi.

Người xưa coi trọng năng lực khắc chế bản thân, không để dục vọng làm lu mờ bản thân. Nếu một người không thể chi phối được dục vọng của bản thân mình thì sẽ trở thành nô lệ của dục vọng. Người như vậy không chỉ không thể thành tựu được việc lớn mà còn gây ra nhiều nguy hại cho bản thân, gia đình, và lớn hơn nữa là xã hội.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Thái Sơn
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: