Thành ngữ cổ có câu: “Chúng khẩu thước kim”, đông người nói thì kim loại cũng chảy, ý tứ là một sự tình không có thật khi có nhiều người nói thì liền dễ dàng bị cho là thật. Nói cách khác là khi tất cả mọi người đều cùng nói như thế, đều cho rằng là như thế thì cũng không nhất định đó là sự thật. 

Trí tuệ cổ nhân: Nhiều người nói không nhất định là thật
(Tranh minh họa: Public Domain)

Tăng Sâm hay Tăng Tử là một nhân vật quan trọng thời Xuân Thu. Ông là một trong 72 đệ tử xuất sắc nhất của Khổng Tử, là một nhân vật đại biểu của Nho gia, là một trong “Tứ phối” (bốn học trò được thờ chung với Khổng Tử) đặt trong điện Đại Thành ở Khổng Miếu. Tăng Tử tham gia biên soạn sách “Luận Ngữ”, trình bày và phân tích nội dung thiết yếu của lòng hiếu thảo và những nguyên lý của vạn vật trời đất. Lòng hiếu thảo và thành thật của ông được thể hiện trong những câu chuyện nổi tiếng trong dân gian như “Mẹ cắn ngón tay, tim con đau xót” (24 tấm gương hiếu thảo) và “Giết lợn dạy con” (chuyện dạy về giữ chữ tín).

Nói về mẹ của Tăng Tử, bà được ca ngợi là một người mẹ biết cách giáo dục con, quả thực đã nuôi dưỡng thành “biểu tượng hiếu thuận” thời cổ đại. Theo ghi chép trong “Chiến Quốc sách. Tần sách nhị” thì có một đoạn ghi lại một chuyện về mẹ của Tăng Sâm.

Chuyện kể rằng khi gia đình Tăng Sâm sống ở đất Phí thì có một người cùng họ cùng tên với Tăng Sâm đã giết người. Hôm ấy, Tăng Sâm đi ra ngoài, mẹ của ông ở nhà dệt vải thì đột nhiên có một người đã chạy đến hớt hải nói với mẹ của Tăng Sâm rằng: “Tôi vừa nghe nói Tăng Sâm giết người rồi!”. 

Mẹ của Tăng Sâm nghe thấy nói như vậy thì rất bình tĩnh nói: “Con trai của tôi sẽ không giết người!” và tiếp tục dệt vải.

Một lúc sau lại có một người hàng xóm chạy đến nhà Tăng Sâm, nói với mẹ ông: “Tăng Sâm giết người rồi!”

Mẹ của Tăng Sâm vẫn như lúc trước, không có phản ứng gì và quay sang nói với người kia: “Con trai tôi không giết người!” và tiếp tục dệt vải.

Một lát sau lại có một người hàng xóm khác chạy đến nói: “Tăng Sâm giết người rồi!” Lúc này, mẹ của Tăng Sâm đã không thể ngồi yên được nữa, bà quăng con thoi đang dệt vải lại rồi vội vã trốn chạy.

Tăng Sâm rõ ràng là một người tốt, hơn nữa tục ngữ nói: “Tri tử mạc như mẫu”, không ai hiểu con bằng mẹ, mẹ của Tăng Sâm cũng rất tin tưởng vào phẩm đức của con trai mình. Thế nhưng những người khác nhau nói những lời giống nhau đến tận ba lần liên tiếp thì ngay cả mẹ của ông cũng không thể giữ vững tín tâm.

Thi nhân thời nhà Đường, Lý Bạch đã viết trong bài thơ “Đáp vương thập nhị hàn dạ độc chước hữu hoài” câu: “Tăng Sâm khởi thị sát nhân giả, sàm ngôn tam cập từ mẫu kinh”, Tăng Sâm há lại là kẻ giết người, ba lần sàm ngôn khiến từ mẫu kinh sợ. Quả thực, sức mạnh của dư luận là rất lớn và lời nói của nhiều người có thể khiến người ta kinh sợ.

Trong xã hội hiện đại, mỗi người chúng ta đều tiếp xúc với rất nhiều thông tin có thật có giả. Tuy nhiên, tin đồn về một người, một sự việc có thể không phải là điều đáng sợ nhất mà điều đáng sợ nhất là sự lan truyền những lời dối trá. Ở quy mô lớn thì sự tác động của nó đến xã hội và suy nghĩ của con người sẽ là quá lớn. Có biết bao nhiêu người đã bị đầu độc bởi sự dối trá lâu dài mà không tỉnh ngộ, hơn nữa còn có những người dựa vào những lời dối trá bịa đặt mà làm những việc hại người và hại mình, đó mới là bi ai thực sự.

Theo Sound Of Hope
Tác giả: Trình Thư Ngữ
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: