Từ một bức tranh Baroque ngẫm về thói quen phán xét
- Quang Minh
- •
Con người sinh ra đã mang trong mình khả năng phán xét. Chúng ta liên tục đánh giá mọi thứ xung quanh: cái đẹp, cái xấu, cái đúng, cái sai. Những phán xét này định hình hành vi, niềm tin và hướng đi của cuộc sống mỗi người.
Nhưng phán xét là bản năng tự nhiên, là do cách não bộ hoạt động, hay là do ảnh hưởng của văn hóa?
Trong cuộc sống, chúng ta thường phán xét để “áp đặt” một điều gì đó lên người khác. Ở phạm vi rộng lớn hơn, phán xét cũng là công cụ để một nhóm người “áp đặt” quan niệm đúng sai lên xã hội. Sự phán xét càng đặc biệt rõ ràng khi người ta bài xích những người hoặc những điều khác biệt với quan niệm của bản thân, thay vì nhìn nhận một cách cởi mở.
Trong lịch sử, nhiều tôn giáo lớn còn cảnh báo về Ngày Phán Xét Cuối Cùng (“Last Judgment Day” hay “Đại Thẩm Phán”), là ngày Đấng Tối Cao phán xử những việc làm của từng linh hồn và quyết định sự diệt vong hay vị trí cho họ. Vậy là phán xét còn gắn liền với mối lo về số phận con người.
Tuy nhiên, đã bao giờ bạn nghĩ rằng phán xét là một “hành vi đạo đức”?
Trong tác phẩm “Woman Holding a Balance” (Người phụ nữ cầm cán cân) (1664), Johannes Vermeer, một họa sĩ nổi tiếng trong Thời kỳ Hoàng kim của hội họa Hà Lan vào thế kỷ 17, đã chỉ ra một thông điệp đạo đức và triết học sâu sắc về năng lực phán xét của con người.
Tranh vẽ một người phụ nữ đứng một mình trong căn phòng yên tĩnh, ánh sáng dịu nhẹ rọi từ cửa sổ phía trái, làm nổi bật chiếc váy vàng, áo nhung xanh viền lông trắng và chiếc mũ vải trắng của cô. Màu vàng của váy gợi đến đức tin, màu xanh lam – thường gắn với Đức Mẹ Đồng Trinh – biểu hiện cho chân lý và tình yêu thiêng liêng, còn màu trắng trên mũ đại diện cho tâm trí thanh tịnh.
Phía sau người phụ nữ là một bức tranh về Ngày Phán Xét Cuối Cùng, mô tả Thiên Chúa dang tay giữa vầng hào quang vàng rực, bao quanh bởi các linh hồn đang khao khát được cứu rỗi.
Trên bàn đối diện người phụ nữ là những hộp trang sức với chuỗi ngọc trai, dây chuyền vàng, tiền xu – những biểu tượng của sự giàu có.
Người phụ nữ đang chăm chú nhìn vào một chiếc cân nhỏ. Đây là thứ thu hút toàn bộ ánh nhìn của người xem. Chiếc cân nhỏ lơ lửng, không chứa vật gì, vì sao người phụ nữ lại nhìn cân chăm chú đến vậy?
Vermeer không đơn thuần vẽ một khoảnh khắc đời thường. Ông đang dựng nên một phép ẩn dụ thị giác về hành vi phán xét. Người phụ nữ không phải đang cân đo giá trị của vàng bạc, mà đang suy ngẫm về thái độ của chính mình với vật chất. Cán cân trống kia không đo đếm bằng gram mà bằng ý thức đạo đức. Ánh nhìn tập trung, tư thế tĩnh lặng cho thấy một cuộc đối thoại nội tâm.
Tài sản của người phụ nữ không hề bị loại bỏ. Cô không khoác áo rách thay cho áo nhung, không vứt bỏ hộp trang sức. Bởi vì giàu có không phải là tội lỗi, điều quan trọng là thái độ của con người đối với vật chất. Phán xét trở thành một hành vi đạo đức khi con người hướng vào bên trong và phán xét chính mình.
Chi tiết bức tranh Ngày Phán Xét Cuối Cùng càng củng cố chiều sâu của tác phẩm. Những linh hồn phía dưới bức tranh vốn chưa được tịnh hóa, như vây quanh đầu người phụ nữ, nhưng cô vẫn đứng vững, tập trung, như đang bền bỉ vượt qua thử thách thiêng liêng. Vầng hào quang của Chúa nằm ngay trên đỉnh đầu bà, như thể đức tin đang chứng giám cho quá trình tự soi xét ấy.
Trong xã hội hiện đại, con người thường phán xét nhau qua vẻ ngoài thay vì phẩm chất bên trong. Phán xét còn trở thành công cụ để áp đặt, để loại trừ, thậm chí để thao túng. Nhưng bức tranh của Vermeer lại nhắc nhở chúng ta rằng: Quyền năng phán xét nên được dùng để soi xét chính mình. Và ông cũng nhắc nhở thêm chúng ta bằng một câu hỏi: Bạn đang dùng cán cân của mình để cân đo điều gì?
Quang Minh biên tập
Xem thêm:
- Leonardo da Vinci: Người họa sĩ “nghiệp dư” tuyệt vời nhất trong lịch sử
- Ngụ ngôn đạo đức trong bức “Thần chết và kẻ bủn xỉn”
- Nan đề vĩnh hằng: Lựa chọn giữa đức hạnh và cám dỗ
Mời xem video:
Từ khóa Nghệ thuật Baroque
