Blogger: 6 giai đoạn nước Ý đã lâm vào khủng hoảng dịch bệnh
- Jason Yanowitz
- •
Ngày 14/3 vừa qua, anh Jason Yanowitz, một người dân Ý đã đăng lên Twitter 6 giai đoạn dịch bệnh mà đất nước này đã trải qua. Anh cũng nhắn nhủ với những người đang đọc tweet của mình rằng tình huống nghiêm trọng hơn nhiều so với tưởng tượng của một số người, và những gì đang xảy ra ở Ý có thể sẽ sớm trở thành hiện thực với các nước khác trên thế giới.
Nhiều người dùng Twitter sau khi đọc các tweet của Jason đã thốt lên rằng, họ đã “sáng mắt” ra rồi. Hãy cùng xem nước Ý đã trải qua những gì qua các tweet của Jason:
Nếu các bạn vẫn còn đang vui đùa với bạn bè, vẫn đi nhà hàng, vẫn cư xử như chuyện này chẳng có gì to tát, thì hãy tập trung mà nghe đây.
Bài viết này là của một công dân Ý.
Và như người ta vẫn nói:
“Thế giới ơi, các người không biết điều gì đang đến đâu:”
Tôi nghĩ mọi người đã biết rồi, nước Ý giờ đang bị phong tỏa vì dịch virus corona.
Tình huống rất tồi tệ, nhưng điều còn tồi tệ hơn là phải chứng kiến phần còn lại của thế giới hành xử như thể điều đó sẽ không xảy ra với họ.
Chúng tôi biết các bạn đang nghĩ gì, vì chúng tôi cũng từng nghĩ như các bạn.
Hãy xem mọi chuyện diễn tiến ra sao:
Giai đoạn 1:
Các bạn biết rằng virus corona đã đến, và ca đầu tiên xuất hiện ở nước bạn.
Vâng, chẳng có gì phải lo, chỉ là một kiểu cúm nặng mà thôi!
Tôi không phải ông già 75 tuổi, làm sao có chuyện gì được chứ?
Tôi bình an vô sự, mọi người phản ứng thái quá rồi, tại sao phải đi mua khẩu trang với trữ giấy vệ sinh làm gì?
Tôi vẫn sẽ sống như bình thường, chẳng có gì phải hoảng lên cả.
Giai đoạn 2:
Số ca nhiễm bắt đầu tăng đáng kể.
Người ta cách ly một hoặc hai thành phố nhỏ nơi phát hiện ra những ca đầu tiên và có rất nhiều người bị nhiễm (ngày 22/2) và gọi đây là “các vùng dịch”.
Chà, buồn và lo lắng một chút, nhưng người ta đang xử lý chuyện đó rồi, không việc gì phải bấn loạn hết.
Có một vài người chết, nhưng họ đều già cả rồi, truyền thông cứ làm quá lên mà câu khách, thật đáng xấu hổ.
Mọi người vẫn sống như bình thường… Tôi sẽ không ngừng ra ngoài chơi và gặp gỡ bạn bè, phải không nào?
Nó sẽ không lây cho tôi được đâu. Mọi người ở đây đều ổn.
Giai đoạn 3:
Số ca nhiễm tăng mạnh.
Một ngày thôi mà tăng lên gấp đôi.
Nhiều người chết hơn.
Họ tuyên bố phong tỏa và cách ly 4 khu vực nơi phần lớn các ca nhiễm được ghi nhận (7/3).
Ở Ý, 1/4 số địa khu đã bị cách ly để kiểm dịch.
Các trường phổ thông và đại học ở những vùng này bị đóng cửa, nhưng các quán bar, công sở, nhà hàng… vẫn mở cửa hoạt động.
Quyết định cách ly bị một số tờ báo tiết lộ sớm trước thời điểm nó được công bố…
… vậy là khoảng 10 ngàn người từ các khu vực cách ly đã đào thoát khỏi vùng ngay trong đêm để trở về quê nhà của họ ở các vùng khác ở Ý (việc này về sau sẽ to chuyện).
Phần lớn người dân ở 75% còn lại của nước Ý vẫn làm những gì họ vẫn làm bao lâu nay.
Họ không nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề. Bạn đến mọi nơi để khuyên mọi người rửa tay và hạn chế ra ngoài, không tụ tập đông người, trên TV cứ 5 phút là người ta lại nhắc lại những quy tắc này.
Nhưng vẫn chỉ như nước đổ lá khoai.
Giai đoạn 4:
Số ca nhiễm tăng cực nhanh.
Trường phổ thông và đại học đóng cửa trên cả nước ít nhất 1 tháng.
Tình trạng Y tế Khẩn cấp Quốc gia được ban bố.
Các bệnh viện quá tải, tất cả các khoa phải dọn sạch để dành chỗ cho bệnh nhân mắc virus corona.
Không còn đủ bác sĩ và y tá nữa rồi.
Họ kêu gọi những người đã nghỉ hưu và sinh viên 2 năm cuối trường y ra trận.
Không còn ca kíp gì nữa, làm hết sức có thể đi.
Tất nhiên các bác sĩ và y tá cũng nhiễm bệnh, rồi lây lại cho gia đình họ.
Quá nhiều ca viêm phổi, quá nhiều người cần chăm sóc đặc biệt, không còn đủ chỗ cho mọi người nữa rồi.
Tới lúc này thì như thời chiến vậy: bác sĩ phải lựa chọn ai được điều trị dựa trên khả năng sống sót của họ.
Thế có nghĩa là người già và những người bị đột quỵ không thể được chữa trị vì những ca nhiễm corona được ưu tiên.
Không còn đủ nguồn lực cho tất cả mọi người người nên họ phải phân phối sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Tôi ước gì mình đang đùa… nhưng đây đúng là những gì đang xảy ra.
Người người qua đời vì không còn đủ chỗ nữa.
Tôi có một người bạn là bác sĩ, anh ấy gọi cho tôi trong tình trạng suy sụp vì đã phải để 3 người nhắm mắt xuôi tay trong hôm đó.
Các y tá khóc nức nở vì phải chứng kiến bệnh nhân qua đời và không thể làm được gì ngoài việc cấp cho họ thêm chút oxy.
Họ hàng của một người bạn tôi vừa chết ngày hôm qua vì corona và vì người ta không thể chữa cho ông ta.
Hỗn loạn rồi, hệ thống đang sụp đổ!
Virus corona và cơn khủng hoảng mà nó gây ra, nơi nơi đều có thể nghe thấy chủ đề này.
>> Tổng hợp: Tình cảnh thê thảm của những người nhiễm bệnh tại Vũ Hán
Giai đoạn 5:
Còn nhớ 10 ngàn kẻ ngốc chạy từ vùng dịch tỏa ra khắp Italia không?
Vâng, cả nước phải tuyên bố phong tỏa (9/3).
Mục tiêu là trì hoãn sự lây lan của virus nhiều nhất có thể.
Mọi người có thể đi làm, đi mua đồ nhu yếu phẩm, đi mua thuốc và các cơ sở kinh doanh vẫn mở cửa vì nếu không nền kinh tế sẽ sụp đổ (giờ thì sụp rồi), nhưng bạn không thể di chuyển khỏi khu vực sống nếu không có lý do thích đáng.
Giờ là nỗi sợ hãi, bạn thấy rất nhiều người đeo khẩu trang và găng tay nhưng vẫn có những người nghĩ họ miễn nhiễm với virus, họ vẫn tụ tập thành nhóm lớn đến nhà hàng, vẫn đi bù khú với bạn bè và làm những trò tương tự như vậy.
Giai đoạn 6:
2 ngày sau, người ta thông báo tất cả (phần lớn) các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa: quán bar, nhà hàng, trung tâm mua sắm, tất cả các thể loại cửa hàng, v.v.
Tất cả ngoại trừ siêu thị và cửa hàng bán thuốc.
Bạn chỉ có thể đi lại xung quanh nếu có giấy chứng nhận.
Giấy chứng nhận là một tờ giấy có giá trị chính thức ghi tên bạn, bạn đến từ đâu, bạn chuẩn bị đi đâu và làm gì.
Có rất nhiều điểm kiểm soát của cảnh sát.
Nếu bạn đi ra ngoài mà không có lý do chính đáng thì sẽ có nguy cơ bị phạt đến 206 euro (gần 5,5 triệu đồng Việt Nam)
Nếu bạn đã biết mình dương tính với virus (mà vẫn đi ra ngoài) thì bạn sẽ có nguy cơ bị phạt từ 1 đến 12 năm tù giam vì tội giết người.
>> Vì sao dịch COVID-19 tại Đài Loan và Ý khác nhau một trời một vực?
Lời cuối:
Đó là tình hình nước Ý cho đến ngày 12/3.
Hãy nhớ rằng tất cả chỉ diễn ra trong vòng 2 tuần…
Và từ giai đoạn 3 cho tới hôm nay (14/2) chỉ mới 5 ngày.
Ngoại trừ trừ Ý, Trung Quốc và Hàn Quốc, những nơi khác trên thế giới chỉ mới bắt đầu những giai đoạn đầu tiên, vậy nên để tôi nói cho mọi người:
Các vị không biết điều gì đang đến đâu!
Tôi biết vì 2 tuần trước tôi là một người không biết như thế, và nghĩ rằng mọi chuyện không quá tệ.
Nhưng nó rất tệ.
Và không chỉ vì bản thân con virus là rất nguy hiểm và chết người, mà còn vì tất cả những hậu quả mà nó mang đến.
Thật khó chịu khi phải chứng kiến tất cả những nước khác hành xử như thể nó chưa đến hay không tiến hành các biện pháp đề phòng cần thiết cho sự an toàn của công dân khi vẫn còn có thể.
Nếu bạn đọc được những dòng này, thì xin hãy cố gắng làm những gì tốt nhất cho bạn.
Vấn đề không tự đi giải quyết khi chúng ta phớt lờ nó.
Chỉ việc tự hỏi có bao nhiêu ca nhiễm chưa được phát hiện ở riêng nước Mỹ cũng là quá đáng sợ, và họ sẽ gặp rắc rối rất, rất lớn với cách vận hành của nước họ.
Tôi phải nói rằng chính quyền nước tôi đã từng làm tốt.
Các biện pháp là rất khắc nghiệt nhưng cần thiết, và đó có lẽ là cách duy nhất để giới hạn sự lây lan.
Người ta đang tiến hành các biện pháp để bảo vệ người dân như hoãn việc thanh toán các khoản vay cho các tháng tiếp theo, giúp đỡ các chủ cửa hàng ở những nơi buộc phải đóng cửa, v.v.
Tôi nhận ra rằng những biện pháp này thực sự khó, nếu không muốn nói là không thể áp dụng ở một số quốc gia, và thật sự đáng lo ngại với hậu quả của nó trên quy mô thế giới.
Phải chăng trận đại dịch này là bước ngoặt lớn thay đổi xã hội chúng ta?
Theo BoredPanda, Jason cho biết các bạn của anh ở Ý cảm thấy rất “sợ hãi”. Anh cảm thấy bi quan về khả năng chống virus corona của nước Mỹ. Theo Jason, “Cách duy nhất để ngăn virus là phải kiểm tra tất cả mọi người. Điều này nghĩa là phải tiến hành hơn 300 triệu lần kiểm tra mỗi ngày, cũng sẽ đòi hỏi phải thay đổi tư duy sâu sắc trong cách thức chúng ta đang tiến hành.”
Mỗi một quốc gia có một cách phòng chống dịch khác nhau phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên với hiện thực nước Ý là ổ dịch lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, thì thật khó để nói rằng chính quyền sở tại đã làm tốt, nếu so sánh với những nước có số ca nhiễm rất thấp như Đài Loan.
Từ khóa virus corona Ý nước Ý Italia Dòng sự kiện virus corona COVID-19