“Người Trung Quốc phải chuẩn bị tâm lý cho đại họa dân tộc sẽ đến trong tương lai không xa”, đây là nhận định về xã hội Trung Quốc của nhà văn Nghiêm Thuần Câu (Hồng Kông). Bài viết này được cho phép đăng lại từ trang Facebook của ông:

p3352521a716275081
Một người đàn ông sống tại một tòa nhà cao tầng ở Tô Châu khi chuẩn bị nhảy lầu tự tử, phía dưới có người xem máu lạnh cổ vũ: Không nhảy không phải người. (Ảnh từ mạng MXH)

Một người bạn đã gửi cho tôi đoạn video quay cảnh một người đàn ông lái xe ô tô cán qua một người phụ nữ, sau đó hắn còn vài lần xuống xe nhìn người phụ nữ, mỗi lần nhìn qua xong hắn lại lên xe rồi lùi xe lại để cán tiếp vào nạn nhân, sau vài lần thì người phụ nữ mới qua đời, nhưng hắn vẫn có vẻ còn căm hận. Được biết người đàn ông đó chính là chồng của nạn nhân, không biết vì đâu mà hắn thù hận kinh khủng như vậy, không biết nhà nào mà lại nuôi lớn loài dã thú như vậy.

Một cảnh tương tự khác nhưng vai trò nhân vật đảo ngược, người lái xe là nữ còn người bị đè bẹp là nam, giống nhau là nạn nhân đều bị lái xe cán qua lại hết lần này đến lần khác nghiền nát cho đến chết.

Nếu vợ chồng không hợp nhau thì chia tay đường ai nấy đi, chia tay cũng có thể làm bạn. Còn trong trường hợp thù hận giữa người với người, dù không phải lạ, nhưng hành vi tàn bạo và vô nhân tính như vậy đúng là phải dựng tóc gáy!

Trường hợp khác, tại một nơi nào không rõ có người đang trên lầu cao tầng chuẩn bị nhảy xuống, còn phía dưới là một đám đứa nhỏ làm buôn bán vặt xúm lại xem, có đứa hô to: “Nhảy đi, có bản lĩnh thì nhảy xuống!” Nhiều đứa xung quanh cũng la ó theo. Những đứa nhỏ độc ác này cũng là những kẻ bị chà đạp dưới đáy xã hội, mỗi ngày mưu sinh vất vả không biết có đủ sống hay không, nhưng chúng vẫn lấy nỗi bất hạnh của người khác làm niềm vui. Đây là loại quốc gia nào mà sinh ra những đứa trẻ không có lương tâm như vậy?

Một chuyện khác trong kỳ thi tuyển sinh đại học mới đây, cảnh những phụ huynh nam ở một vùng nào đó đã cùng nhau mặc áo dài [của nữ giới] tập trung bên ngoài nơi thi, ai nấy đều diễn vẻ ác tính huênh hoang. Loại đàn ông thế nào lại nghĩ ra cách quái gở như vậy để cổ vũ cho kỳ thi tuyển sinh đại học? Họ muốn bày tỏ ý đồ, tình cảm gì? Chẳng lẽ đàn ông mặc áo dài là để khuyến khích con cái mạnh dạn tiến lên, hay nghĩ là “hy sinh” như vậy mới chứng minh tấm lòng vô bờ bến với con?

Gần đây, tại các vùng nông thôn phía bắc Trung Quốc, chính quyền đã đưa ra quy định thu phí nước tưới của nông dân, theo đó hàng năm mỗi hộ gia đình phải trả phí 100 nhân dân tệ để được tưới ruộng bằng nước từ sông Hoàng Hà. Hàng ngàn năm canh tác của người nông dân Trung Quốc xưa nay dựa vào đất trời, tài nguyên nước thiên nhiên là của chung mọi người trên trái đất, từ khi nào nước từ sông Hoàng Hà lại trở thành món kinh doanh độc quyền của nhà nước?

Nước tự nhiên cũng thu phí sử dụng, nhiều cảnh quan thiên nhiên cũng bị vây lại khiến ai muốn đến thưởng ngoạn phải trả tiền vào…, cứ vậy có thể sau này những người nông dân ra đường sẽ phải trả phí đi đường?… Đây là loại đạo lý gì? Chính quyền muốn biến người dân thành kẻ thù?

Tương ứng với sự điên cuồng của trào lưu “về quê lập nghiệp” trong những năm gần đây, khu mộ Tập Trọng Huân [cha ông Tập Cận Bình] đã được mở rộng rất nhiều, hiện khu mộ chiếm diện tích 40.000 mẫu (một mẫu Trung Quốc khoảng 667 m²), tương đương với 1/3 diện tích Hồng Kông. Khi ban quản lý nông nghiệp tùy tiện phá hủy vườn cây ăn trái, ruộng rau, chuồng lợn và chuồng bò của nông dân, không ai hỏi tại sao khu mộ Tập Trọng Huân có thể chiếm diện tích tới 40.000 mẫu đất chỉ để cho gia đình nhà họ Tập thể hiện oai phong?

@uwuwhai82722 #习近平 ♬ 原聲 – 前沿热线

Được biết, khu mộ của ông Tôn Trung Sơn [khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc] chỉ bằng 1/9 khu mộ của ông Tập Trọng Huân, Minh Hiếu lăng của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (người lập ra triều đại nhà Minh – Trung Quốc) cũng chỉ bằng 1/4 khu mộ của Tập Trọng Huân, ông Tập Cận Bình có đức độ gì mà dùng tới 40.000 mẫu đất để chôn cha? Rốt cuộc Trung Quốc thuộc về nhân dân Trung Quốc hay Đảng Cộng sản Trung Quốc, hay chỉ thuộc về Tập Cận Bình?

Kẻ độc tài đại tu nghĩa trang gia tộc là một loại mở rộng ý thức ​​hoàng đế thời phong kiến, nếu không thì không thể biểu lộ địa vị cá nhân, nếu không thì không thể phô trương địa vị thống trị. Đảng Cộng sản Trung Quốc lấy mục tiêu giải phóng toàn nhân loại làm sứ mệnh lịch sử, lật đổ bọn bóc lột và áp bức, lấy bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân các dân tộc làm lý tưởng, sao không ai băn khoăn vì sao nông dân tưới nước từ Hoàng Hà lại bị thu phí, còn giá đất khu mộ Tập Trọng Huân là bao? Có thu không?

Tập Cận Bình là kẻ độc tài, chính quyền các địa phương thối nát, người dân noi gương xấu xa từ nhà cầm quyền nên xã hội Trung Quốc ngày càng ngập tràn hiện tượng bẩn thỉu. Người tốt chịu oan khuất, kẻ xấu lộng hành, người làm điều tốt bị nhạo báng, kẻ gây điều xấu trở nên bình thường, xã hội lao vào xung đột lợi ích không có giới hạn đạo đức, một chút bất đồng có thể chém nhau, toàn xã hội rơi vào trạng thái người người hại nhau, chà đạp lên nhau mà sống. Chính nghĩa ngày càng hao mất còn tà ma xông lên lộng hành, người sống thanh bạch công chính phải chịu khổ thiệt, còn kẻ gian tà dễ leo cao. Quan chức theo đuổi quyền lực phạm tội ác vẫn ung dung, còn dân chúng cũng thượng tôn bạo lực, như vậy người thiện lương sống theo đạo lý phải chịu đựng tai ương sẽ lụi tàn.

Điều đó nghĩa là cả xã hội thối nát và không ngừng sa sút, có nghĩa là xã hội không có khả năng cứu vãn, có nghĩa là một ngày nào đó tất cả những phẩm chất xấu của xã hội sẽ tập hợp lại và lan rộng, đó sẽ là lúc nó sụp đổ, vấn đề không chỉ là Đảng Cộng sản Trung Quốc sụp đổ mà là sự tan rã của toàn xã hội.

Một quốc gia sắp vong ắt yêu ma lên ngôi, khi tất cả những thứ bẩn thỉu trong một dân tộc tích tụ lại đến cùng cực thì màn bi kịch sẽ đến vì không thể cứu vãn, hệ quả mọi thứ sẽ tàn lụi để hy vọng mầm sống mới có thể mọc lên trên đống đổ nát!

Người Trung Quốc phải chuẩn bị tâm lý cho đại họa dân tộc sẽ đến trong tương lai không xa, còn người dân Hồng Kông cũng phải chuẩn bị tâm lý cho bối cảnh khắc nghiệt có thể bị ảnh hưởng này!

Nghiêm Thuần Câu
(Bài viết thể hiện góc nhìn của cá nhân nhà văn Nghiêm Thuần Câu – Yan Chungou.)