Hiện các cơ sở y tế tỉnh Nam Định đã lập danh sách theo dõi tình hình sức khỏe đối với 70 người dân ở các hộ chăn nuôi có gia cầm nhiễm cúm ốm, chết và những người có liên quan trong khu vực có dịch.

dịch cúm gia cầm
(Ảnh minh họa: qua baodansinh.vn)

Chiều ngày 2/3, ông Đỗ Đức Lưu – Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Nam Định cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, tại Nam Định, dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra ở 8 hộ chăn nuôi, tổng số gia cầm phải tiêu hủy lên tới trên 9.100 con.

Hiện toàn tỉnh Nam Định còn 5 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại các hộ chăn nuôi ở xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh đang thuộc diện theo dõi vì chưa qua 21 ngày.

Các cơ sở y tế tại Nam Định đã lập danh sách 70 người tiếp xúc với gia cầm ốm, chết ở các ổ dịch A/H5N1 để theo dõi tình hình sức khỏe theo quy định.

Theo Sở Y tế tỉnh Nam Định, Sở đã có công văn gửi các địa phương, đơn vị, phòng y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp tại các cơ sở y tế và cộng đồng; đặc biệt, lưu ý các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết để báo cho Trung tâm y tế huyện, thành phố, lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm và tìm các biện pháp cách ly, điều trị, phòng chống dịch bệnh.

>> Dịch cúm gia cầm tiến sát biên giới: Quảng Ninh phát hiện 12.000 con gà giống nhập lậu từ TQ

Tính tới thời điểm hiện tại, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở 6 tỉnh, thành trong cả nước: Nam Định, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Sóc Trăng, An Giang và Bạc Liêu. Riêng Quảng Ngãi, cơ quan chức năng đã phát hiện 6 ổ cúm gia cầm A/H5N6 trên địa bàn, tiêu hủy trên 19.000 gà, vịt bị dịch bệnh.

Tại Trung Quốc, dịch cúm gia cầm đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Từ tháng 10/2016 đến nay, Trung Quốc đã phát hiện 425 trường hợp mắc cúm A/H7N9. Tính đến ngày 12/2, đã có ít nhất 87 người tử vong. Đáng chú ý, một số tỉnh ghi nhận có ca mắc bệnh như Quảng Tây, Vân Nam… – là các tỉnh giáp biên giới với Việt Nam. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh vào Việt Nam.

Biểu hiện nhiễm cúm A/H5N1:
  • Sốt trên 38 độ C.
  • Các triệu chứng về hô hấp như: ho khan hoặc có đờm, đau ngực, khó thở,…
  • Xuất hiện các triệu chứng tuần hoàn: nhịp tim nhanh, huyết áp hạ, sốc.
  • Một số các triệu chứng khác cũng xuất hiện như: đau đầu, đau cơ, buồn nôn, tiêu chảy, suy đa tạng.
  • Các biến chứng bao gồm: hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS), sốc nhiễm khuẩn và suy đa phủ tạng.

Để phòng chống dịch, bệnh cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân:

  • Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Đảm bảo ăn chín, uống chín. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
  • Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
  • Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y tại khu vực.
  • Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.


Thanh Vân

Xem thêm: