3 chặng đường dài đánh dấu sự trưởng thành
- Phương Sát
- •
Mốc son trưởng thành không phải được đánh dấu bằng tuổi tác. Một người trưởng thành phần lớn từ “ba chặng đường dài” sau đây:
1. Đi học xa
Thuở xưa, có một người tên là Nhạc Dương Tử ở Hà Nam đi xa bái sư cầu học. Một năm sau, Nhạc Dương Tử rất nhớ vợ nên đã trở về.
Người vợ bước đến khung cửi và nói rằng những sợi tơ này đều là nhờ quay tơ bóc kén mới có được, rồi đưa lên khung dệt, nhẫn nại từ từ gom các sợi lại, từ một tấc lên một thước, từ một thước lên một trượng, cuối cùng trở thành một tấm vải. Nếu giờ những sợi chỉ này bị cắt, tất cả những nỗ lực trước đó đều sẽ thành như dã tràng xe cát, tất cả đều trở thành uổng công. Tích lũy kiến thức cũng vậy.
Nhạc Dương Tử cảm động trước những lời này của vợ, từ đó ra ngoài, 7 năm đi học, đỗ đạt công thành danh toại.
Theo thời đại phát triển, việc đi xa học tập không còn là chướng ngại quá lớn nhưng đó vẫn là một đoạn khó khăn trên đường đời. Ngay từ khi bắt đầu học cấp 2, nhiều người đã bước chân vào cuộc hành trình xa quê hương.
Như ai đó đã nói: Đọc vạn quyển sách, không bằng đi ngàn dặm đường; đi ngàn dặm đường, không bằng “đọc” thấu được lòng người.
Học thực sự không chỉ là kiến thức sách vở mà còn là kinh nghiệm xã hội của mỗi người. Nói cách khác là coi xã hội như một cuốn sách khổng lồ và dành cả cuộc đời để trải nghiệm và khám phá.
Đọc sách cũng giống như quay tơ bóc kén vậy, từ trong nội dung phức tạp, bạn có thể tìm ra kiến thức thực sự cần, sau đó liên hệ với hoàn cảnh thực tế cuộc sống và công việc để thăng hoa kiến thức đã học.
Một người đạt được thành công trong học tập không chỉ là phải trải qua hằng bao nhiêu năm học tập gian khổ, mà còn có sự chăm chỉ trải nghiệm qua hàng ngàn dặm đường thực tế.
2. Đi xa lập nghiệp
Khổng Tử được suy tôn là một trong những nhà khai sáng Nho giáo, nhà giáo dục lớn và triết gia lỗi lạc của Trung Hoa cổ. Thủa xưa, ông từng đi du hành khắp thiên hạ, đã đi rất nhiều năm, nếm trải không biết bao đau thương nhưng ông chưa từng bỏ cuộc.
Khi còn ở nước Vệ, tuy được đối xử nhã nhặn nhưng không được trọng dụng. Lúc rời khỏi nước Vệ, đến đất Khuông lại bị người ở đây bao vây bắt lại vì nhầm tưởng ông là Dương Hổ, một kẻ tạo phản ở nước Lỗ thất bại nên trốn đi.
Như câu nói, đi một ngày đàng học một sàng khôn, những người có thể thành công trong sự nghiệp không ngại xa quê nhà mà coi đất khách quê người như quê hương của mình.
Người nhìn rộng chí hướng ở bốn phương. Không phải tất cả mọi người đều có thể làm giàu tại nhà. Đặc biệt là ở các bản vùng sâu, vùng xa, không gian phát triển rất hạn chế. Chỉ có đi ra ngoài mới có được một cuộc sống rộng mở “trời cao mặc chim bay, biển rộng mặc cá nhảy”.
Đi thật nhiều nơi, trải nghiệm nhiều điều, chịu không ít cái khổ, người ta sẽ thực sự trưởng thành. Trong tương lai, cho dù là lưu lạc đến thành phố xa lạ, cũng sẽ nhanh chóng bén rễ như cỏ dại, cho dù vùng đất bên dưới rất cằn cỗi, sau mấy năm chăm chỉ cũng có thể gặt hái được thành công.
3. Đi xa ngắm cảnh
Có lẽ ai cũng đều ước mơ được đi đến một nơi xa để ngắm cảnh và cảm nhận về những điều mới mẻ, những phong tục tập quán khác lạ.
Tuy nhiên, nhiều người dường như cứ mãi loay hoay ở chỗ này, phải chăng là quá nhiều điều phải suy nghĩ? Khi nào đi? Lấy tiền đâu để đi?… Sau nhiều cân nhắc, kế hoạch đã bị mắc kẹt.
Nhiều người cả đời chưa từng chạm được đến “khoảng cách” sâu thẳm trong trái tim, cũng như chưa đến được “cõi tiên” trong mộng của mình.
Một ông già năm nay ngoài 70 nói rằng: Đời này xa nhất cũng chỉ đến tỉnh thành khác. Phần đời còn lại ông cũng không muốn đi đâu, chỉ muốn ở bên cạnh bạn già của mình.
Hóa ra “cảnh đẹp” trong lòng mỗi người không phải là một nơi cụ thể, mà là một trải nghiệm sống.
Không quan trọng bạn đang ở đâu, phong cảnh có đẹp hay không, quan trọng là xem ai sẽ cùng bạn ngắm cảnh.
Ví dụ như đôi vợ chồng già cùng nhau làm nông, đến thăm đồng ruộng, tự nó đã là một loại phong cảnh.
Phong cảnh đẹp nhất không phải là đi tìm kiếm đâu xa, mà chính là tìm kiếm ngay trong chiều sâu tâm hồn mỗi người. Khi bạn hiểu được đạo lý này, tâm trí của bạn sẽ trưởng thành.
Kết luận
Quá trình trưởng thành của một người là quá trình từ lúc hoa nở cho đến lúc hoa tàn. Cũng giống như dưa chín cuống rụng, bất kể nó kết thành “trái đắng” hay “quả ngọt” trong cuộc đời này thì cuối cùng nó cũng đã trưởng thành.
Khi đã nếm đủ thứ mùi vị rồi sẽ hiểu ra rằng đắng trước ngọt sau mới là cái kết đẹp nhất cho cuộc đời. Nếu chưa trải qua một số nỗi đau, cũng sẽ chưa thực sự trưởng thành.
Sương thu làm cho những bông hoa cúc thêm đẹp tinh khiết; tuyết đông làm cho hoa mận càng thêm thơm ngọt ngào. Hãy sẵn sàng cho chuyến đi dài mang tên “cuộc đời”, bạn càng đi xa, bạn càng nhận được nhiều.
Chuyến đi “cuộc đời” ấy, không ai đoán trước được tương lai, trên chặng đường dài này có thể sẽ vấp váp phải những điều không mong đợi. Tuy nhiên, khi đau khổ kết thúc thì tất nhiên điều đón chờ chính là sự ngọt ngào, khi bóng tối kết thúc chính là bình minh ở phía trước.
Đi đến sự trưởng thành bắt đầu với ba hành trình dài này. Mỗi lần chu du, bạn sẽ thu được những trải nghiệm khác nhau.
Hãy tin tưởng vào bản thân, dù con đường có dài bao nhiêu thì bạn cũng sẽ từng bước hoàn thành. Chỉ e rằng chính bạn đang do dự, tự kìm hãm chính mình.
Phương Sát/ Vision Times
Xem thêm:
- Con gái và bố 41 tuổi cùng tốt nghiệp đại học
- Hay tin vợ cũ phải chạy thận, chồng xin được tái hôn để chăm sóc
Mời xem video: Những thứ trân quý nhất trong cuộc đời đều là…miễn phí!
Từ khóa lập nghiệp Trưởng thành cuộc đời