Trẻ em sinh ra như một tờ giấy trắng, và sự phát triển của trẻ có mối liên hệ chặt chẽ với cách nuôi dạy của cha mẹ. Mọi hành vi và tâm lý của trẻ đều bắt nguồn từ môi trường giáo dục trong gia đình. Dù tất cả người mẹ trên đời đều yêu thương con cái, nhưng cách thể hiện tình yêu của mỗi người lại khác nhau. Một số bà mẹ vì quá yêu thương mà vô tình áp đặt, kiểm soát con cái một cách thái quá khiến tâm hồn trẻ bị tổn thương. Khi trưởng thành, những đứa trẻ này có thể không biết cách hiếu thuận với cha mẹ, để lại những hệ lụy đáng suy ngẫm.

New Project 7 2
Mọi hành vi và tâm lý của trẻ đều bắt nguồn từ môi trường giáo dục trong gia đình. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Dưới đây là những kiểu người mẹ cần lưu ý để sớm điều chỉnh hành vi, giúp gia đình trở nên hòa thuận và tràn đầy yêu thương.

1. Mẹ có trí tuệ cảm xúc thấp

Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở những bà mẹ có trí tuệ cảm xúc thấp là sự thiếu nhất quán trong cách thể hiện tình cảm với con: lúc nghiêm khắc, lúc lạnh nhạt, khi thì yêu thương hết mực, khi lại thờ ơ. Chẳng hạn, khi con đạt thành tích, mẹ vui mừng khoe khoang khắp nơi, nhưng khi con phạm lỗi mẹ lại thẳng thừng trách mắng, thậm chí trừng phạt con trước mặt người khác, buông lời cay nghiệt làm tổn thương sâu sắc tâm hồn trẻ.

Cách hành xử này không chỉ làm suy giảm lòng tự tôn của trẻ mà còn khiến chúng trở nên khép kín, dễ mặc cảm và xa cách với cha mẹ. Khi lớn lên, những đứa trẻ này thường có xu hướng giữ khoảng cách với gia đình, thậm chí tránh né cha mẹ càng xa càng tốt.

2. Mẹ lạnh lùng, thờ ơ

Những đứa trẻ lớn lên trong sự yêu thương và quan tâm sẽ có tâm lý vững vàng, lạc quan và biết trân trọng các mối quan hệ xung quanh.

Ngược lại, nếu mẹ hiếm khi dành thời gian cho con, thờ ơ với cuộc sống, việc học hay cảm xúc của con, trẻ sẽ phải đối diện với sự cô đơn và thiếu thốn tình thương. Một môi trường lạnh lẽo như vậy không chỉ khiến trẻ mất đi cảm giác an toàn mà còn dần tạo ra khoảng cách trong mối quan hệ với cha mẹ. Khi trưởng thành, những đứa trẻ này thường không còn cảm thấy gắn bó hay bận tâm đến cha mẹ nữa.

3. Mẹ trọng nam khinh nữ

“Trọng nam khinh nữ” không chỉ là một tư tưởng lạc hậu mà còn là nguyên nhân sâu xa dẫn đến rạn nứt tình cảm gia đình. Trong bộ phim All Is Well (Mọi thứ đều ổn), nhân vật người mẹ đối xử cay nghiệt với con gái đến mức khiến cô phải rời bỏ gia đình năm 18 tuổi, mang theo lòng oán hận và cắt đứt mọi liên hệ với người thân.

Tuy nhiên, những đứa con trai được nuông chiều trong gia đình này cũng không khá hơn. Khi người mẹ thiên vị, xem nhẹ con gái và hết mực cưng chiều con trai, đứa con trai sẽ nhận ra điều đó. Kết quả là, con gái ngày càng xa cách, còn con trai lại quen thói đòi hỏi vô điều kiện, trở thành người ỷ lại, không có khả năng tự lập và dễ dàng phụ thuộc vào cha mẹ suốt đời.

4. Mẹ quá độc đoán

Trong mắt con cái, một người mẹ độc đoán chẳng khác nào một nhà độc tài: “Mẹ luôn quyết định mọi thứ thay con, con không muốn sống dưới sự kiểm soát như vậy!”

Những bà mẹ này áp đặt ý muốn của mình lên con cái, không cho con quyền lựa chọn hay cơ hội bày tỏ ý kiến. Họ kiểm soát mọi khía cạnh trong cuộc sống của con, từ ăn mặc, học hành đến các mối quan hệ bạn bè. Trẻ lớn lên trong môi trường như vậy sẽ cảm thấy ngột ngạt, mất dần sự tự tin và khả năng tự chủ.

Khi trưởng thành, điều đầu tiên chúng muốn làm là thoát khỏi vòng kiềm tỏa của mẹ. Thay vì gần gũi và chia sẻ, trẻ sẽ giữ khoảng cách, thậm chí không muốn nghe giọng nói hay nhìn thấy hình ảnh của mẹ.

Làm thế nào để trở thành một người mẹ tốt?

Thực ra, điều cốt lõi rất đơn giản: hãy làm gương cho con.

Cha mẹ mong muốn con cái trở thành người như thế nào, trước hết hãy thể hiện điều đó qua chính hành động của mình. Trẻ em như tấm gương phản chiếu, chúng học theo từ lời nói, cử chỉ đến thói quen sống của cha mẹ. Vì vậy, nếu muốn con hình thành những phẩm chất tốt đẹp, cha mẹ cần bắt đầu từ chính mình.

Hãy dạy con phân biệt đúng sai, xây dựng quan niệm sống đúng đắn ngay từ nhỏ. Đặc biệt, từ 3,5 đến 6 tuổi là giai đoạn vàng để rèn luyện thói quen. Cha mẹ không chỉ là hình mẫu mà còn cần uốn nắn kịp thời khi con phạm lỗi, giúp trẻ phát triển ý thức đạo đức và nền tảng nhân cách vững chắc.

Giáo sư Lý Mai Cầm, chuyên gia về giáo dục tội phạm của Trung Quốc từng nói rằng, đọc sách tranh phù hợp ngay từ nhỏ có thể giúp trẻ phát triển nhân cách và hành vi tích cực. So với những lời răn dạy trực tiếp của cha mẹ, trẻ thường dễ tiếp nhận các bài học từ truyện tranh hơn. Ngoài ra, đọc sách còn giúp mở rộng vốn từ vựng và nâng cao khả năng đọc hiểu.

Những năm đầu đời là giai đoạn quan trọng nhất trong giáo dục. Không thể chỉ trông chờ vào trí thông minh bẩm sinh của trẻ rồi để chúng phát triển tự nhiên mà không có sự hướng dẫn.

Thay vì đưa cho con một chiếc điện thoại, hãy tặng con một cuốn sách tranh. Khi trẻ yêu thích việc đọc, chúng sẽ học theo những điều hay trong sách. Đọc sách không chỉ giúp hình thành thói quen tốt mà còn mở mang tri thức, kích thích não bộ khiến trẻ trở nên thông minh hơn. Đặc biệt, từ 3,5 đến 6 tuổi là giai đoạn vàng để nuôi dưỡng niềm yêu thích đọc sách. Nếu được bồi dưỡng đúng cách, trẻ sẽ hình thành thói quen đọc suốt đời.

Trúc Nhi biên dịch
Theo Secretchina