7 điểm tinh tế nhìn ra người có giáo dưỡng
- Phương Sát
- •
Người có giáo dưỡng thể hiện qua sự quy củ trong ngôn hành, sự chừng mực trong giao thiệp, sự thiện lương hàm chứa trong cử chỉ và nội tâm, đó không phải thứ có thể giả bộ. Cốt lõi của giáo dưỡng được ẩn tàng trong các chi tiết nhỏ của cuộc sống. Một người có giáo dưỡng hay không, có thể nhìn vào 7 điểm này để nhận biết.
1. Lực đóng cửa mạnh yếu
Người không có giáo dưỡng thường đóng cửa theo cách mà họ muốn, chỉ quan tâm đến sự thoải mái của bản thân, trong khi những người có giáo dưỡng sẽ nghĩ đến cảm nhận của người khác. Họ biết rằng nhẹ nhàng mở cửa cũng như nhẹ nhàng đóng cửa là cách tốt nhất thể hiện sự tôn trọng đối với người khác.
2. Trên bàn ăn
Quan sát cách dùng bữa của một người, có thể nhìn ra người đó có giáo dưỡng và trọng lễ tiết hay không.
Một người giáo dưỡng sẽ hành xử rất ý tứ trên bàn ăn:
Trước khi dùng bữa cần chờ người lớn ngồi xuống và động đũa trước.
Khi ăn không được dùng đũa của mình khua lật, lựa chọn đồ ăn.
Không được phun miệng; cần nhai kỹ, nuốt chậm.
Khi đang nhai không nên nói chuyện, nên chờ cho đến nuốt xong thức ăn rồi mới tiếp tục nói.
Khách còn chưa ăn xong, chủ nhà cũng khoan vội rời khỏi bàn.
3. Thói quen đúng giờ
Trong cuộc sống hàng ngày, đúng giờ là một nguyên tắc giao tiếp rất quan trọng. Nếu đến trễ hoặc lỡ hẹn không có lý do, thậm chí không xin lỗi sau đó, thể hiện rằng người này là ích kỷ và không có giáo dưỡng.
Người ta nói, “quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy”, một khi đã hứa thì phải nỗ lực hết mình để thực hiện.
4. Nói chuyện chừng mực
Một quý ông sẽ chậm rãi trong lời nói và nhanh nhẹn trong hành động. Biểu đạt là bản năng nhưng biết cách nói chuyện lại chính là bản sự.
Một người có giáo dưỡng thực sự sẽ suy nghĩ chín chắn trước khi nói. Đối với những gì bản thân chưa thực sự hiểu rõ, sẽ không giả vờ như đã hiểu và thuận miệng nói ẩu.
Nếu thật sự hiểu điều gì đó, hãy nói năng một cách lý trí và im lặng đúng lúc.
Khi tâm trạng hỗn loạn, hãy nói chậm lại, đừng nói lời tức giận, đừng nói lời hồ đồ.
Khi không có gì để nói, cố gắng không nói, luôn cần thận trọng trong lời nói và hành động, dù là ở đâu cũng cần để ý.
5. Hài hước có giới hạn
Một người thực sự hài hước sẽ không đưa sự riêng tư, khuyết điểm hay người nhà của người khác ra làm trò đùa, càng không thể đưa tín ngưỡng của người khác ra để bình phẩm, đùa cợt.
Thước đo hài hước của một người thể hiện sự giáo dưỡng của người đó. Người không câu nệ tiểu tiết đến đâu, cũng sẽ cảm thấy mất hứng thú và khó chịu khi bị ai đó “huých vào xương sườn”. Một trò đùa vô ý có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác.
6. Kịp thời hồi đáp
Nếu nhận được lời thỉnh cầu hoặc lời mời, hãy trả lời kịp thời.
Khi ai đó mở lời chào, ít nhất hãy trả lời lại “xin chào”.
Khi ai đó thông báo điều gì đó, sẽ không quá rắc rối khi trả lời rằng mình đã nhận tin.
Khi ai đó mời bạn đến một cuộc hẹn, đi hay không đó là quyết định của bạn, nhưng cần đưa ra một câu trả lời chính xác.
Nếu ai đó hỏi bạn điều gì, nếu biết thì bạn hãy nói về điều đó, nếu không biết thì bạn hãy trả lời rõ rằng “tôi chưa hiểu” hoặc “tôi không biết”.
Nếu thật sự đang rất bận rộn, bạn nên giải thích kịp thời sau khi xong việc, nói lời xin lỗi và bên kia sẽ hiểu.
7. Thái độ đối với tiền bạc
Về tiền bạc, không nên tránh né hay lấp liếm, ngược lại hãy nên phóng khoáng, rõ ràng.
Chỉ những người có đi có lại, không lợi dụng người khác, không vô ơn mới được coi là người đáng tin cậy. Khi người thân, bạn bè đang cần giúp đỡ gấp, những người sẵn sàng cho vay tiền hẳn là những người có tình có nghĩa. Người trả lại tiền đúng hạn và chủ động trả lãi hẳn là người có phẩm chất tốt đẹp.
Từ khóa tiền bạc có giáo dưỡng nuôi dưỡng lòng tốt đúng giờ trên bàn ăn