Bạch tuộc bị mắc cạn cảm ơn ân nhân trước khi bơi về biển (Video)
- Minh Ngọc
- •
Ngày nay các nhà khoa học ngày càng hiểu biết sâu hơn về các loài động vật. Chúng cũng có tư duy, tình cảm và trí thông minh nhất định.
Trong nhiều thập kỷ qua, bản lĩnh đáng gờm của loài động vật chân đầu bạch tuộc luôn khiến các nhà nghiên cứu trầm trồ, chúng biết phá bẫy để ăn được thức ăn, biết dùng đá để xây tổ ẩn náu, có thể thoát ra khỏi bể cá, cũng như biết dùng các công cụ để thu hút và bắt con mồi. Đặc biệt nhất chính là tính cách của chúng.
Các nhà nghiên cứu tương tác với bạch tuộc thời gian dài cho biết, chúng rất nghịch ngợm, ham chơi và còn biết nổi loạn nữa. Một đoạn clip quay được ở Singapore cho thấy bạch tuộc còn biết cảm ơn.
Đoạn clip này được một người đam mê lặn biển, kiêm hướng dẫn viên du lịch – cô Heng Pei Yan quay lại. Vào tháng 8/2013, khi cô Heng đang quan sát rạn san hô Cyrene có mọc đầy rong biển mà các loài động vật dưới biển ở gần cảng thường hay đến ăn.
Nước ở khu vực rạn san hô rất nông, khiến những người yêu thích lặn biển như cô Heng có thể quan sát được các loài sinh vật biển ở khoảng cách gần, nhưng điều này cũng có nghĩa là khi thủy triều xuống sẽ có những loài sinh vật có thể gặp nguy hiểm. Ngày hôm đó, cô Heng đã phát hiện có một con bạch tuộc nhỏ rất dễ thương bị kẹt trong cát.
Mặc dù bạch tuộc có thể tồn tại trong một thời gian ngắn khi rời khỏi nước, thậm chí chúng còn có thể leo từ vũng nước này sang vũng nước khác, nhưng chúng vẫn có nguy cơ bị ngạt thở vì bạch tuộc không thể hít không khí trên mặt nước.
Cô Heng vừa dùng một cái ly để thả con bạch tuộc vào trong nước vừa bắt đầu quay đoạn clip. Chắc hẳn là con bạch tuộc này đã nhịn thở khá lâu rồi, nó vội vã hít thở mạnh, một lúc sau, nó đã thở ổn định lại, cơ thể cũng đổi màu sắc khác.
Việc xảy ra sau đó đã khiến cô Heng và hơn người xem cảm thấy hết sức kinh ngạc.
Con bạch tuộc khi đã trở lại trạng thái bình thường bơi đến nơi cô Heng đang đứng, nó đặt một cái xúc tu nhỏ lên giày của cô như thể muốn “cảm ơn” cô đã cứu mạng nó vậy. Sau đó con bạch tuộc bơi đi, để lại cô Heng còn đang hết sức ngạc nhiên trước hành động của nó.
Cô chia sẻ đoạn clip này lên trang Facebook cá nhân của mình và viết: “Ngay cả động vật cũng biết cảm kích trước sự giúp đỡ của bạn.”
Đây không phải trường hợp duy nhất, vào năm 2014 tại Vịnh Soma nằm ở Biển Đỏ thuộc Ai Cập, có một đôi vợ chồng cũng cứu một con bạch tuộc. Ngày hôm sau, khi họ quay lại đó, con bạch tuộc đã bơi đến bên cạnh họ, dùng xúc tu chạm vào chân họ như muốn bắt tay cảm ơn vậy.
Hai vợ chồng này đã chia sẻ đoạn clip lên Youtube và viết: “Nó đã ở bên cạnh chúng tôi khoảng một giờ đồng hồ và cứ muốn dùng xúc tu chạm vào chúng tôi.”
Thật là những khoảnh khắc biết ơn đầy cảm động của động vật!
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa khám phá thế giới động vật lòng biết ơn Trí thông minh Bảo vệ động vật Bạch tuộc