Giáo viên Hàn Quốc: Đừng vội bênh vực, nắm bắt thời điểm tốt nhất để dạy con
- Mạt Lỵ
- •
Có 2 câu tục ngữ ở Hàn Quốc, đó là “đứa trẻ càng quý báu, càng nên đánh nhiều hơn chút” và “lúc nhỏ trộm kim, lớn lên trộm vàng”. Tôi muốn kết hợp 2 câu này lại để gửi đến độc giả một thông điệp: “Nếu bạn không muốn con bạn lúc nhỏ trộm kim, lớn lên trộm vàng thì hãy nên đánh nhiều hơn chút!” Đánh ở đây không phải trừng phạt thể xác, mà là lưu tâm và uốn nắn nhiều hơn.
Bài viết của tác giả Jang Hee-yoon, “người chữa lành vị thành niên” của Hàn Quốc
Trong thời đại 3 thế hệ dưới một mái nhà, chòm xóm là một cộng đồng sinh hoạt, không chỉ cha mẹ, ông bà, thậm chí cả những người lớn tuổi trong làng xóm cũng sẽ có trách nhiệm giáo dục con cái. Vì vậy, trẻ càng có nhiều cơ hội hơn để rèn luyện tính cách biết “chia sẻ, quan tâm, lễ phép và tôn trọng”.
Tuy nhiên, khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh và gia đình hạt nhân trở thành xu hướng chủ đạo, hệ thống giáo dục đạo đức nguyên gốc ban đầu đã dần sụp đổ. Hơn nữa, ngày càng có nhiều trẻ em đến nhà trẻ, mẫu giáo từ rất sớm, một giáo viên phải gánh vác trách nhiệm giáo dục nhiều trẻ cùng lúc khiến cho việc giáo dục đạo đức càng khó khăn hơn. Mặc dù hầu hết trẻ em đều được nuôi dưỡng đầy đủ và phát triển tốt hơn ngày xưa nhưng tuổi trí tuệ ngày càng thấp.
Ghi chú của người dịch: Tuổi trí tuệ (mental age) phản ánh trình độ phát triển về trí lực của con người, đây là thước đo về khả năng tư duy của người đó so với mức trung bình của những người có cùng độ tuổi thời gian.
Tuổi vị thành niên là cơ hội cuối cùng để uốn nắn tính cách cho trẻ
Nếu cơ hội này bị bỏ lỡ, sẽ khó khăn để uốn nắn lại những giá trị quan sai lầm của trẻ. Nếu lâu nay bạn lơ là việc giáo dục đạo đức cho con thì hãy nắm chắc giai đoạn dậy thì này.
Giáo dục đạo đức tốt là ngăn chặn trẻ khi chúng thực hiện các hành vi có vấn đề, đồng thời cung cấp cho trẻ những cách thức để cải thiện và sửa chữa tư tưởng của mình. Đặc biệt là khi trẻ lần đầu tiên có hành vi có vấn đề, thái độ của cha mẹ rất quan trọng. Thái độ của cha mẹ sẽ quyết định liệu hành vi có vấn đề của trẻ sẽ được giảm bớt hay mở rộng và thậm chí sẽ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
Một nam sinh đã lấy trộm thẻ của mẹ mình và mua 200.000 won (khoảng gần 4 triệu VND) dụng cụ trò chơi trực tuyến. Sau khi người mẹ biết được điều này, cô đã nghiêm khắc dạy dỗ đứa trẻ. Gia cảnh vốn giàu có, người mẹ lo lắng về hành vi ăn trộm đồ của đứa trẻ hơn là đối với số tiền. Cô nghiêm khắc nói với đứa trẻ về mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, do đó đã điều chỉnh cách nhìn của đứa trẻ về tiền bạc và nó đã ngừng nói dối. Cách xử lý của cha mẹ sẽ quyết định chiều hướng phát triển của trẻ. So với tiền bạc, người mẹ nhấn mạnh đến 2 phẩm chất là tín nhiệm và trung thực.
Khi trẻ có những hành vi có vấn đề, nếu cha mẹ phớt lờ, trẻ có thể gặp phải những vấn đề lớn hơn trong tương lai. Nếu có trẻ em hút thuốc lá hoặc có hành vi bạo lực trong trường trung học cơ sở, nhiều em sẽ tự động nghỉ học khi lên cấp ba.
Có một đứa trẻ thường xuyên hút thuốc và đánh nhau khi học cấp 2, nhưng mỗi khi phụ huynh của đứa trẻ nhận được thông báo, họ lại phàn nàn về nhà trường: “Tại sao lại coi con ngoan của tôi là một học sinh có vấn đề?” Thay vì “đánh nhiều hơn”, vị phụ huynh này đã chọn cho cậu thêm một “cái bánh ngọt” như vậy, kết quả là sau khi cậu vào cấp ba, không ai có thể kiểm soát nổi nữa, và cuối cùng cậu buộc phải rời khỏi trường.
Trên thực tế, có rất ít trẻ em làm sai mà hoàn toàn không biết điều đó, trẻ em biết rất rõ cách nhìn nhận của cha mẹ về mình. Vì vậy, nếu cha mẹ thực sự quan tâm đến con cái, bên cạnh việc quan tâm, cũng nên uốn nắn trẻ kịp thời.
Có lần, một đứa trẻ bị giáo viên trong trường phát hiện trên người có thuốc lá, giáo viên nghi ngờ cháu đang hút thuốc. Nếu điều này xảy ra với chính con của bạn, bạn sẽ nghĩ về nó như thế nào?
Trong trường hợp này, hầu hết các bậc cha mẹ sẽ chọn cách bênh vực con của họ. “Nhà trường nên tin tưởng đứa trẻ!” “Chẳng lẽ bởi vì trên người nó có thuốc lá thì cũng nên trừng phạt như thể là nó hút thuốc sao?” Không ít phụ huynh có kiểu phản ứng như vậy.
Thật không may, điều khiến người ta phải hối hận đó là một khi trẻ bắt đầu hút thuốc thì rất khó bỏ. Ngay cả khi nhà trường khuyến khích việc cấm hút thuốc hoặc chuyển sang thuốc lá điện tử nhưng chỉ cần nghiện thì sau đó cực kỳ khó để bảo con bỏ thuốc.
Ngay cả những đứa trẻ có thành tích học tập tốt cũng có thể hút thuốc, vì vậy, trước tiên cha mẹ nên hiểu đúng sự việc và đề xuất ranh giới cần tuân thủ cho con cái. Có thể cậu học sinh không hút thuốc, chỉ là vì tò mò mà lấy thứ này từ một người bạn nào đó. Tuy nhiên, nếu trẻ thường xuyên tụ tập với những người bạn hay hút thuốc thì việc hút thuốc chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu tình hình ngày càng xấu đi, trẻ có thể sẽ bị cuốn vào vòng quay “hút thuốc – nhậu nhẹt – đua xe”. Trong trường hợp đứa trẻ gây ra một vấn đề lớn hơn, nó thậm chí có thể phải được chuyển đến tòa án vị thành niên.
Giáo viên bây giờ khó mà phạt nặng trẻ được. Chỉ cần giáo viên không chú ý, phụ huynh có thể khiếu nại với cơ quan quản lý giáo dục. Một số phụ huynh sẽ nói rằng con họ đã bị gia sư quấy rối. Trong không khí như vậy, rất khó để giáo viên và phụ huynh cùng hợp tác.
Tuy nhiên, một khi bỏ lỡ khoảng thời gian quý giá ở tuổi dậy thì, để sau này hối hận thì đã quá muộn. Vì vậy, mong rằng các bậc cha mẹ đừng bao giờ khoanh tay đứng nhìn và cũng đừng mong đợi rằng mọi hành vi có vấn đề của con mình có thể được giải quyết chỉ thông qua sự giáo dục của nhà trường. Cha mẹ cũng nên giáo dục con cái phù hợp ngay tại nhà. Nếu phụ huynh dung túng trước những hành vi có vấn đề của con cái, chỉ dựa vào giáo viên nhà trường để uốn nắn con, thì cuối cùng sẽ nuôi lớn một “kẻ trộm vàng”!
Lời khuyên từ cô Jang Hee-yoon
Bản thân cũng là một người mẹ, nên tôi hiểu rằng bạn muốn chăm lo cho tâm hồn con cái. Tuy nhiên, nếu cứ giữ “hình tượng của mình trong lòng bọn trẻ” lên hàng đầu và sợ “bị con cái ghét bỏ” thì khi một đứa trẻ đi sai đường, là cha mẹ mà không dám thể hiện sự nghiêm khắc, sẽ bỏ lỡ cơ hội giáo dục thích hợp nhất. Khi đó đứa trẻ sẽ nghĩ rằng “không có gì sai khi làm điều này” và phát triển những quan niệm sai lầm.
Thỉnh thoảng hãy cố gắng đối xử với con bạn như một cá thể độc lập! Hãy nhìn con bạn một cách khách quan nhất có thể, và bạn sẽ nhận thức rõ hơn khi nào bạn nên kiên quyết sửa sai cho con mình.
Mạt Lỵ/ theo Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Dạy con Làm cha mẹ Giáo dục con trẻ vị thành niên