Thi Mẫn là một y tá có con trai muốn chuyển giới. Cô muốn nhờ bác sĩ thay đổi suy nghĩ của con trai mình, nhưng bác sĩ mà cô vô cùng tin tưởng không những không giúp cô, ngược lại còn thúc đẩy mạnh mẽ mong muốn thay đổi giới tính của con trai cô. Sau 6 năm, gần đây Thi Mẫn đã chia sẻ hành trình của mình với The Epoch Times.

shutterstock 2138280875
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: New Africa/ Shutetrstock)

Gia đình Thi Mẫn đến từ Hồng Kông, cô và chồng có một con trai và một con gái. Con gái cô sinh năm 1997 và con trai Hạo Hiền sinh năm 2001.

Thi Mẫn nói rằng cô phát hiện Hạo Hiền bị khuyết tật học tập nghiêm trọng từ khi cậu học mẫu giáo. “Mỗi trang giấy kiểm tra giáo viên gửi đến đều đầy những dấu gạch chéo đỏ (ký hiệu làm sai). Cha mẹ đọc từng trang mà đau lòng, thất vọng vô cùng”.

Để tạo môi trường học tập thoải mái cho con trai, năm 2010, gia đình Thi Mẫn đã di cư ra nước ngoài đến một quốc gia phát triển ở phương Tây. Cô không muốn tiết lộ tên quốc gia này nên tạm gọi là quốc gia A trong bài viết.

Mặc dù môi trường học tập ở nước ngoài đã trở nên thoải mái hơn, nhưng Hạo Hiền lại phải đối mặt với một tình huống mới. Khoảng năm 2014-2015, khi đó Hạo Hiền đã bước vào tuổi dậy thì, cậu nói với mẹ rằng mình muốn cắt bỏ bộ phận sinh dục nam của mình.

Thi Mẫn nghĩ rằng Hạo Hiền không thích cơ thể phát triển của mình vào thời điểm đó. Bác sĩ gia đình cũng nói không sao cả, chỉ cần tiếp tục chú ý là được.

Đến năm 2017, khi Hạo Hiền học lớp 11, một trong những người bạn cùng lớp của cậu ấy cũng muốn thay đổi giới tính của mình và cậu ấy đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi điều này. Ngày 17/8 cùng năm, Thi Mẫn nhận được một cuộc gọi từ y tá của trường nói rằng “Con trai bà nghĩ rằng mình là con gái và muốn chuyển giới”.

Cha của Hạo Hiền kiên quyết phản đối: “Con người sao có thể làm vậy được?! Người chuyển giới đều không có kết cục tốt đẹp!” Kết quả là Hạo Hiền bị trầm cảm và ở lỳ trong nhà cả ngày. Cậu trốn dưới chăn và khóc, chơi trò chơi điện tử hoặc tự trang điểm cho mình thành con gái.

Bác sĩ khuyến khích chuyển giới

Để giúp con trai, Thi Mẫn đã đưa Hạo Hiền đi khám. Khi đó, y tá của trường đã giới thiệu cô đến trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng để tìm bác sĩ trị liệu, nhưng diễn biến sự việc không như mong đợi.

Ngày 21/9/2017, khi Thi Mẫn đưa con trai đến gặp bác sĩ trị liệu, cô phát hiện ra rằng bác sĩ trị liệu đã không tuân theo các quy trình y tế.

Thi Mẫn cho biết, ngay khi vừa gặp nhau, bác sĩ đã hỏi xem họ có muốn tham gia vào một dự án nghiên cứu không? Sau đó đưa ra một kế hoạch điều trị chuyển đổi giới tính và nói với cô rằng những thuốc ngăn chặn tuổi dậy thì, hormone và các loại thuốc khác đều an toàn và có thể đảo ngược.

Đồng thời họ có thể cung cấp cho trẻ em những ca phẫu thuật chuyển đổi giới tính cấp cao nhất. Thi Mẫn nói rằng bác sĩ trị liệu này giống một người bán hàng hơn.

Bác sĩ cũng nói với Hạo Hiền: “Mặc dù cháu đã 16 tuổi và đã qua tuổi dậy thì, nhưng bác vẫn có thể cho cháu uống thuốc chặn tuổi dậy thì. Nếu bố mẹ cháu ngăn cản, thì họ chính là kẻ thù của cháu. Mọi người đều nên tôn trọng sự lựa chọn của cháu.”

Bác sĩ cũng hỏi Hạo Hiền tên (nữ) yêu thích của cậu ấy là gì? Đại từ nhân xưng yêu thích (giới tính) là gì?

Sau đó Thi Mẫn phát hiện ra bác sĩ trị liệu đã gọi riêng Hạo Hiền bằng tên và đại từ nhân xưng nữ, đồng thời khẳng định thân phận của cậu là nữ mà không nói cho cô biết. Kể từ đó, Hạo Hiền bắt đầu nảy sinh thái độ phản kháng với cha mẹ mình. Ngoài việc gặp bác sĩ trị liệu ra, cậu ấy đã bỏ học hoàn toàn.

Thi Mẫn cũng phát hiện ra rằng trước kia Hạo Hiền vào nhà vệ sinh nam hay trên chứng minh thư của cậu ấy viết giới tính nam cũng không sao, nhưng kể từ khi đến cơ sở y tế trở về, những điều này đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng.

Cô nói: “Bạn biết không? Họ yêu cầu Hạo Hiền điền vào một bảng câu hỏi. Trong đó hỏi rằng bạn có cảm thấy lo lắng và căng thẳng vì đi vào nhà vệ sinh nam không? Bạn có cảm thấy căng thẳng khi nhìn thấy giới tính trên thẻ căn cước của mình không?”

“Tôi thực sự muốn chửi bới, những cơ sở y tế này đang tạo ra vấn đề. Thực ra thằng bé (Hạo Hiền) không hề bị áp lực, chính bác sĩ của cơ sở y tế đã nói với thằng bé nên làm như vậy. Vì vậy, kể từ đó, con trai tôi không bao giờ bước vào nhà vệ sinh nam, và cũng không đi máy bay nữa. Vì giới tính trên ID là nam (phải dùng ID mới được lên máy bay). Thằng bé không đi đâu cả.”

“Tôi luôn tin tưởng vào toàn bộ cơ sở y tế và tin rằng cơ sở y tế ở đó để giúp đỡ các gia đình. Nhưng tôi thấy rằng con trai tôi càng tiếp xúc với các nhà trị liệu, thằng bé lại càng đối đầu với cha mẹ mình. Sai lầm lớn nhất mà tôi thấy mình đã mắc phải là nghe theo giới thiệu của y tá trong trường đến gặp bác sĩ trị liệu đó. Tôi đã đưa thằng bé tới uống thuốc độc của cơ sở y tế!”

Thi Mẫn đã đưa con trai mình đến gặp nhà trị liệu này khoảng 6, 7 lần. “Tôi có mối quan hệ tốt với con trai mình, nhưng những gì họ làm khiến con trai tôi coi tôi như kẻ thù.”

Cơ sở y tế không tin tưởng cha mẹ

Thi Mẫn cho biết, sau khi gặp bác sĩ trị liệu, Hạo Hiền không chỉ ngày càng hung hăng với cha mẹ, thậm chí cậu còn dùng dao tự làm hại bản thân, khiến gia đình khốn khổ. Cha mẹ phải theo dõi cậu 24 giờ mỗi ngày. Vào ban đêm, Thi Mẫn và chồng sẽ thay phiên nhau ngủ trên sàn ngay trước cửa nhà, để ngăn Hạo Hiền ra ngoài tự tử lúc nửa đêm.

Một lần nọ, Hạo Hiền lại có định tự tử. Cha mẹ cậu đã đưa cậu đến bệnh viện cấp cứu. Y tá trong phòng cấp cứu nói với Hạo Hiền: “Cháu đã an toàn khi đến bệnh viện. Không ai có thể ép buộc cháu làm bất cứ điều gì cháu không muốn. Chúng ta ủng hộ danh tính của cháu. Cháu không an toàn khi ở nhà, thì có thể đến bệnh viện.”

Hạo Hiền đã trải qua 7 ngày trong khoa tâm thần của Bệnh viện Nhi mới được xuất viện. Trong khi đó, Thi Mẫn đã tìm đến sự giúp đỡ của một giáo sư đại học khác.

Khi Hạo Hiền xuất viện, bác sĩ đã nghiêm khắc cảnh báo Thi Mẫn: “Nếu cô hỏi ý kiến ​​​​giáo sư đó và chấp nhận kế hoạch điều trị của ông ấy, tôi sẽ có quyền điều trị cho con trai cô trong 2 ngày.”

Thi Mẫn rất tức giận: “Chẳng phải bệnh nhân có quyền tìm kiếm một phương pháp điều trị khác hay sao?! Bác sĩ nói rằng chúng tôi không đồng ý với việc thay đổi giới tính của đứa trẻ, và rằng cha mẹ đang ép đứa trẻ tự tử, và sử dụng điều này như một cái cớ để tách con cái khỏi cha mẹ mình.”

“Con trai tôi đã học được mánh khóe này từ họ. Thằng bé đe dọa chúng tôi và nói: ‘Nếu không đưa cho con thuốc chặn tuổi dậy thì, con sẽ chết, con sẽ tự sát'”.

Trong thời gian Hạo Hiền nằm viện, một chuyên gia tư vấn tâm thần và một nhân viên xã hội cấp cao đã yêu cầu vợ chồng cô đến bệnh viện để phỏng vấn họ mỗi ngày một giờ. “Thực ra, họ đang điều tra tôi về tội lạm dụng trẻ em,” Thi Mẫn nói.

Thi Mẫn cũng cho biết tại cuộc họp xuất viện vào ngày hôm đó rằng thậm chí bác sĩ sẽ không nói cho cha mẹ kết quả chẩn đoán nếu họ không hỏi về tình trạng của con trai mình.

Khi đó, bác sĩ chỉ yêu cầu vợ chồng cô điền vào một mẫu đơn bảo vệ trẻ em và nói: “Chúng tôi cần xác nhận rằng cô an toàn và đáng tin cậy, trước khi chúng tôi có thể cho con trai cô về nhà”.

Thi Mẫn tức giận nói với họ: “Tôi di cư đến nước A vì con trai tôi gặp khó khăn trong học tập. Tôi hy vọng nó có một môi trường học tập và sinh hoạt thoải mái, vui vẻ. Tôi ngược đãi con trai mình thì có ích gì?”

Trải nghiệm này khiến Thi Mẫn nhận ra rằng các bác sĩ ở đây hoàn toàn không có ý định chữa trị cho con trai cô, và có thể cướp cậu bé khỏi vòng tay cô.

“Họ không những không giúp đỡ mà còn ma quỷ hóa cha mẹ. Họ không chữa trị cho con trai tôi mà là chữa trị cho tôi, buộc tôi phải chấp nhận hành vi bất thường của con trai mình”.

Cô nói: “Tôi rất buồn và đau lòng. Tôi cũng là một nhân viên y tế. Vì sao các chuyên gia y tế lại làm tổn thương mọi người, thay vì giúp họ lấy lại sức khỏe? Cha mẹ không chỉ bị áp bức, họ còn bị ma quỷ hóa.”

Thi Mẫn bị ảnh hưởng nặng nề và cảm thấy bản thân bị tổn thương rất nhiều: “Vì sao con trai tôi lại bất hạnh như vậy? Chính các cơ sở y tế đã đổ mọi nguyên nhân cho cha mẹ cháu, chỉ trích họ không đồng ý với lựa chọn giới tính của cháu, và không chấp nhận việc chuyển đổi giới tính của cháu, khiến thằng bé đối đầu với cha mẹ.”

Kiên quyết chọn ra đi

Sau trải nghiệm này, Thi Mẫn không bao giờ dám đưa con trai đi khám bác sĩ ở các cơ sở y tế chính thống. Sau một thời gian suy nghĩ, cuối năm 2017, cô quyết định rời khỏi đất nước A, cùng gia đình trở về Hồng Kông.

Mặc dù Hạo Hiền đồng ý quay trở lại Hồng Kông, nhưng chuyến đi đó là một nỗi đau rất lớn đối với cậu, vì cậu ấy không thể chấp nhận việc hộ chiếu của mình ghi giới tính là “nam”. Hạo Hiền trốn trong nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật ở sân bay và khóc suốt 2 giờ trước khi trở về Hồng Kông.

Sau khi trở về Hồng Kông, Thi Mẫn đã nghĩ ra một cách độc đáo để giúp con trai vượt qua đau khổ.

Cô thuyết phục Hạo Hiền học nghề, vì cậu ấy có thể kiếm tiền sau khi học nghề, Hạo Hiền cũng nhanh chóng đồng ý. Thi Mẫn cũng thảo luận riêng với một người bạn sở hữu một công ty đồ chơi, để Hạo Hiền đến làm việc trong công ty của anh ấy 4 giờ mỗi ngày và cô sẽ chịu trách nhiệm trả lương cho Hạo Hiền. Để ngăn Hạo Hiền tiêu tiền mặt vào việc không tốt, Thi Mẫn còn yêu cầu trả lương dưới dạng thẻ tiêu dùng (mua hàng hóa).

Thi Mẫn nói rằng Hạo Hiền đã có 1 năm làm việc vui vẻ trong công ty đồ chơi. “Ở công ty có đồng nghiệp cùng làm với cháu. Sau giờ làm, các cháu cùng nhau đi chơi, cùng nhau ăn cơm, cùng nhau ăn tối. Công ty còn cho cháu ra ngoài tham gia cuộc thi đồ chơi với 3 bạn khác, 4 người cùng mặc đồng phục công ty và chụp ảnh chung.”

Trong năm này, Hạo Hiền cũng gửi tin nhắn cho một bạn học cũ ở nước A, nói rằng: “Bạn có thể gọi tôi bằng tên con trai của tôi là Hạo Hiền.”

Bạn học hỏi cậu ấy vì sao, Hạo Hiền nói rằng cậu ấy rất vui khi làm việc ở một công ty đồ chơi. Nhưng Hạo Hiền không biết rằng mẹ cậu đã phải chi rất nhiều tiền cho việc này.

Nhưng trạng thái của Hạo Hiền không ổn định, cậu ấy đã tiêu rất nhiều tiền tiết kiệm của gia đình. Vì vậy Hạo Hiền chỉ làm công việc này trong một năm và phải dừng lại vì cha cậu phản đối. Nhưng trong năm đó, Thi Mẫn đã nhìn thấy hy vọng.

Trong vài năm sau đó, Hạo Hiền không đi làm nữa, cậu suốt ngày nghiện game, khi mất bình tĩnh thì hung hãn, đập phá đồ đạc và đánh người. Nhưng hai vợ chồng cô cũng dần tìm ra cách giải quyết, khi con trai nổi nóng, họ bỏ mặc con ở nhà một mình.

Sau vài năm chung sống, mặc dù Thi Mẫn và chồng vẫn phản đối việc con trai chuyển giới, nhưng cách họ giải quyết đã bớt gay gắt hơn. Thi Mẫn cho biết, khi chồng cô phát hiện con trai ăn trộm đồ lót phụ nữ, anh sẽ bình tĩnh bảo con trai vứt chúng đi. “Trước đây hai cha con sẽ đánh nhau.”

Thi Mẫn cho biết, trong năm qua, Hạo Hiền đã trở nên điềm tĩnh hơn, chồng cô ngày càng cư xử ấm áp hơn, mối quan hệ giữa hai cha con ngày càng tốt đẹp. Khi chồng tôi đi làm về, anh ấy luôn hỏi con trai muốn ăn gì vào bữa tối. Tháng trước, chồng cô đã kết thúc hợp đồng làm việc, và nói sẽ dành nhiều thời gian hơn cho con trai.

Thi Mẫn nói rằng họ đã học cách chung sống hòa hợp với con trai mình một cách bình tĩnh, điềm đạm. Họ không mong đợi nhiều thay đổi ở con trai mình, miễn là nó còn sống. Nếu khiến trẻ em đi đến cực đoan, chúng sẽ làm ra những chuyện dại dột nhất.

Ngày 17/5, chồng của Thi Mẫn đưa Haọ Hiền tới Đài Loan nghỉ mát bằng du thuyền trong 3 ngày. Trở về sau chuyến du lịch ở Đài Loan, Hạo Hiền đã gõ cửa phòng cha mình và hỏi: “Chúng ta có thể cùng nhau đi du lịch nước ngoài không?” Đây là điều không thể tưởng tượng được trong 6 năm qua, khiến Thi Mẫn vô cùng hạnh phúc.

Thi Mẫn cho biết cô hy vọng sau 25 tuổi, khi trí não phát triển đầy đủ hơn, con trai cô cũng sẽ trở nên lý trí hơn, đồng thời cô cũng mong Hạo Hiền có thể đi du lịch khắp nơi để nâng cao kiến ​​thức.

Cô tin rằng chỉ cần mối quan hệ gia đình và tình cha con trở nên tốt đẹp hơn, nhiều rào cản sẽ bị phá vỡ, con trai cô sẽ cảm thấy yêu đời hơn và có thể tìm được lối thoát cho cuộc đời.

Bài học của Thi Mẫn

Trong cuộc phỏng vấn, Thi Mẫn đã nhiều lần nhìn lại bản thân và cho biết cô đã học được rất nhiều điều trong quá trình này:

Một là, Hạo Hiền là một đứa trẻ cần được chăm sóc đặc biệt, và cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho con, ban đầu họ đã không dành đủ thời gian cho con. Đặc biệt là khi Hạo Hiền không thể theo kịp việc học của mình, họ nên nói với con mình rằng “việc học không quan trọng, vui vẻ là được”.

Khi khoảng cách giữa Hạo Hiền và các bạn cùng lớp ngày càng lớn, cậu ấy muốn trốn chạy. Thậm chí còn lầm tưởng rằng nếu thay đổi giới tính của mình, cậu ấy sẽ có thể nhận được sự tôn trọng từ người khác, nhưng thực tế không phải vậy.

Hai là, Hạo Hiền thích kết bạn và giao lưu, nhưng cậu ấy không biết cách chung sống hòa thuận với mọi người. Mạng Internet ở nhà thực sự là thảm họa của cậu ấy. Nếu ở nhà không có Internet và không thể chơi game, cậu ấy sẽ sẵn sàng ra ngoài và kết thân với nhiều người hơn, và sẽ không thu mình như vậy.

Thứ ba, trong quá trình Hạo Hiền mong muốn thay đổi giới tính của mình, các cơ sở y tế phương Tây đã đóng một vai trò tai hại trong việc thúc đẩy thứ gọi là “tự do cá nhân”. Đồng thời, trong chuỗi công nghiệp của ngành chuyển đổi giới tính, một số nhà trị liệu có thể có mối quan hệ lợi ích móc ngoặc với nhau. Do đó, sai lầm lớn nhất của cô là tin tưởng một cách mù quáng vào một nhà trị liệu mà cô không hiểu rõ.

Để bảo vệ sự an toàn, sức khỏe và quyền riêng tư của trẻ em, các tên trong bài viết được sử dụng chỉ là bút danh.