Văn phòng Liên bang về Bảo mật Thông tin của Đức cho biết mới đây rằng họ đang mở một cuộc điều tra về vấn đề bảo mật của một số smartphone (điện thoại thông minh) do Trung Quốc sản xuất, sau khi xuất hiện báo cáo của Lithuania cho thấy tính năng giám sát và kiểm duyệt đã được cài đặt sẵn trong những thiết bị này.

smartphone
(Ảnh minh họa: testing/Shutterstock)

Văn phòng Liên bang về Bảo mật Thông tin (trực thuộc Bộ Nội vụ, Công trình và Cộng đồng Liên bang) cho hay rằng một cuộc điều tra liên quan đến những smartphone của Trung Quốc đang được tiến hành, trong đó nhắm đến điện thoại P40 5G của Huawei, Mi 10T 5G của Xiaomi và 8T 5G của OnePlus.

Động thái này của Đức diễn ra sau khi Lithuania (quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu) cảnh báo công dân của mình không nên sử dụng smartphone Trung Quốc và khuyên họ vứt chiếc điện thoại mình đang có.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lithuania Margiris Abukevicius cho biết: “Khuyến nghị của chúng tôi là không mua điện thoại mới của Trung Quốc và loại bỏ những điện thoại đã mua càng nhanh càng tốt”.

Báo cáo dài 32 trang của Lithuania nêu chi tiết các rủi ro bảo mật, trong đó có rò rỉ dữ liệu cá nhân, các ứng dụng được cài đặt sẵn và những hạn chế về quyền tự do ngôn luận. Những thiếu sót về bảo mật đã được phát hiện trong các smartphone 5G của 2 gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc là Huawei và Xiaomi.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Epoch Times vào ngày 27/9, Giáo sư Tsung-Nan Lin đến từ Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU) nói rằng Huawei là “tay sai có tầm ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

Theo ông, Huawei không phải là một công ty tư nhân thuần túy mà là một công ty có quan hệ chặt chẽ với quân đội ĐCSTQ và chính phủ Trung Quốc.

Lin làm việc cho Khoa Kỹ thuật Điện và Viện Sau đại học về Kỹ thuật Truyền thông của NTU, tập trung vào lĩnh vực an ninh mạng.

Lin khẳng định rằng tất cả những chiếc smartphone Trung Quốc nên được đặt trong tình trạng nghi ngờ chung. Ông nói rằng nó sẽ gây ra rủi ro an ninh quốc gia rất lớn khi một số lượng lớn thông tin riêng tư của người dùng bị rò rỉ.

Lin nói: “Theo quy định pháp luật trong nước, tất cả các doanh nghiệp Trung Quốc phải báo cáo với chính quyền Trung Quốc”. Ông cảnh báo rằng tình trạng rò rỉ thông tin cá nhân có thể dẫn đến việc dẫn độ về Trung Quốc trong một số trường hợp nhất định. Nếu người dùng làm Bắc Kinh “không vui” và sống ở một quốc gia hoặc khu vực có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc, họ có thể bị trục xuất và đối mặt với việc xét xử.

“Có khả năng các thiết bị liên lạc do Trung Quốc sản xuất có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh của những quốc gia có người dùng cuối (end-user)”, ông Lin cho hay.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: