Dự toán NSNN năm 2018: Bội chi 204.000 tỉ đồng (3,7% GDP)
- Nhật Minh
- •
Với 425 đại biểu tán thành (86,56%), Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 vừa được Quốc hội thông qua sáng nay (13/11).
Theo Nghị quyết, về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Quốc hội đồng ý tổng số thu ngân sách Nhà nước là 1.319.200 tỉ đồng, tổng số chi là 1.523.200 tỉ đồng, mức bội chi là 204.000 tỉ đồng – tương đương 3,7% GDP.
Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách Nhà nước là 363.284 tỉ đồng.
Quốc hội cũng thống nhất điều chỉnh dự toán năm 2017: giảm dự toán vốn trái phiếu Chính phủ 14.033,79 tỉ đồng, đồng thời điều chỉnh tăng dự toán vốn ngoài nước 14.033,9 tỉ đồng để bố trí dự toán cho các dự án đã giải ngân nhưng chưa được bố trí dự toán theo quy định từ năm 2016 trở về trước; bổ sung các dự án này vào danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và được sử dụng từ nguồn dự phòng chung vốn ngoài nước trung hạn.
Quốc hội cũng điều chỉnh bổ sung 245,814 tỉ đồng dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại năm 2017 cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và 8 địa phương theo tờ trình của Chính phủ; Bổ sung 77,66 tỉ đồng dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Theo Nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện một số biện pháp điều hành tài chính – ngân sách, trong đó, trong giai đoạn 2018 – 2020 tiếp tục thực hiện điều tiết 100% số thu thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm xăng, dầu của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn về ngân sách Trung ương; giữ ổn định tỉ lệ phần trăm phân chia số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu trong nước và nhập khẩu như đối với năm 2017.
Quốc hội yêu cầu thu vào ngân sách Nhà nước 72% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà, lợi nhuận được chia từ Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro) và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2018; số tiền còn lại (28%) đầu tư trở lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Việt Nam) theo quy định của pháp luật.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2018.
Đáng chú ý, theo nghị quyết, trong giai đoạn 2018 – 2020, các địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình, không đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ sẽ được phép sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư phát triển các công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.
Quốc hội cũng quyết định tổng mức phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2018 không quá 50.000 tỉ đồng, bao gồm cả số chuyển nguồn trái phiếu Chính phủ sang năm 2018 (nếu có) để đầu tư cho các công trình, dự án đủ thủ tục đầu tư theo quy định.
Nhật Minh
Xem thêm:
Từ khóa bội chi ngân sách ngân sách nhà nước