Theo một báo cáo điều tra được công bố vào thứ Ba (ngày 8/6), dữ liệu từ Sở Thuế vụ Hoa Kỳ cho thấy nhiều người giàu nhất nước Mỹ, trong 15 năm qua, có những giai đoạn gần như không phải trả tiền thuế thu nhập liên bang.

Embed from Getty Images

Nhà đầu tư nổi tiếng người Mỹ – Ông Warren Buffett (Ảnh: Getty Images)

Báo cáo được thực hiện bởi tổ chức điều tra báo chí ProPublica, dựa trên dữ liệu khai thuế của hàng nghìn người giàu nhất Hoa Kỳ, trong đó có ông Bill Gates – Nhà sáng lập Microsoft, ông Jeff Bezos – CEO của Amazon, ông Elon Musk – CEO của Tesla, ông Mark Zuckerberg – CEO của Facebook, và các “thiên tài” đầu tư thế giới như ông Warren Buffett và ông George Soros…

Nhiều trong số họ là những người đã ủng hộ các chính sách về chính phủ lớn và đánh thuế cao của Đảng Dân chủ, tuy nhiên trên thực tế lại trả phần tiền thuế ít hơn so với nhiều người Mỹ thuộc tầng lớp lao động.

Phân tích của tổ chức ProPublica cho thấy, họ đã tận dụng và khai thác một cách hợp pháp các kẽ hở của luật thuế liên bang Hoa Kỳ. Theo Trung tâm Nghiên cứu Ngân sách và Chính sách Ưu tiên, nhiều khoản thu nhập của những người giàu có đã không được kê khai vì luật thuế không coi phần lãi vốn chưa thực hiện – từ các tài sản như cổ phiếu, bất động sản và các khoản đầu tư khác (các tài sản mà nhà đầu tư đang nắm giữ nhưng chưa bán lấy tiền mặt) – thuộc về “thu nhập chịu thuế”.

Vào năm 2007 và 2011, ông Bezos đã không phải trả bất kỳ khoản thuế thu nhập liên bang nào. Tương tự vào năm 2018, người sáng lập Tesla, ông Elon Musk cũng không phải trả thuế thu nhập. Tỷ phú George Soros cũng không phải nộp thuế trong 3 năm liên tiếp.

Theo ProPublica, từ năm 2014 đến năm 2018, khối tài sản của ông Bezos đã tăng thêm 99 tỷ USD. Tuy nhiên trong giai đoạn này, ông chỉ báo cáo tổng thu nhập là 4,2 tỷ USD cho Sở Thuế vụ và trả 973 triệu USD tiền thuế, tương đương mức thuế thực trả là 0,98%.

Cũng trong thời gian đó, ông Warren Buffet, tỷ phú từng ủng hộ việc tăng thuế đối với người giàu, trên thực tế chỉ trả mức thuế 0,10%. Ông Buffet báo cáo tổng thu nhập là 125 triệu USD, do đó chỉ trả 23,7 triệu USD tiền thuế, mặc dù tài sản của ông đã tăng 24,3 tỷ USD. Điều này tương đương với việc từ năm 2014 đến năm 2018, ông Buffet chỉ trả khoảng 10 xu cho mỗi 100 USD mà ông thêm vào khối tài sản của mình. 

Ông Michael Bloomberg, chủ sở hữu chính và là nhà đồng sáng lập của tập đoàn Bloomberg L.P., chỉ thực trả 1,30% tiền thuế.

ScreenHunter 164
Tổng tài sản tăng thêm, thu nhập trên báo cáo và tiền thuế thực trả của 4 trong trong số những người giàu nhất nước Mỹ từ năm 2014 đến năm 2018  (Nguồn: propublica.org)

Tổ chức ProPublica khẳng định, báo cáo của họ dựa trên “kho dữ liệu khổng lồ của Sở Thuế vụ”. Từ phân tích dữ liệu có thể thấy các tỷ phú, những người thường tài trợ cho các chiến dịch tăng thuế đối với người lao động Mỹ của Đảng Dân chủ, “đã trả tổng cộng 13,6 tỷ USD tiền thuế thu nhập liên bang trong 5 năm đó” với “mức thuế thực [trung bình] chỉ 3,4%.”

Một hộ gia đình có thu nhập trung bình ở Hoa Kỳ thường sẽ phải đối mặt với mức thuế khoảng 14%.

Khái niệm “thuế suất thực” mà ProPublica sử dụng được định nghĩa dựa trên sự gia tăng tài sản của một cá nhân thay vì chỉ tính thu nhập. Khái niệm này bao gồm phần lãi vốn chưa thực hiện, được tính khi lượng bất động sản hoặc cổ phiếu nắm giữ tăng lên. Tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới, những khoản thu nhập như vậy chỉ bị đánh thuế khi tài sản được bán, cho phép lợi nhuận tăng lên trong nhiều năm trước khi chúng bị tính thuế. Điều này đồng nghĩa với việc, cho dù trong giai đoạn chính phủ đánh thuế cao thì những người sở hữu thêm nhiều bất động sản, cổ phiếu hoặc các khoản đầu tư khác tại thời điểm đó cũng không bị ảnh hưởng.

Theo nghiên cứu từ Đại học California, Berkeley, các tài liệu rò rỉ đã xác nhận những gì tờ Breitbart News báo cáo vào năm 2019 rằng: “400 người Mỹ giàu nhất trong năm 2018 đã trả mức thuế thấp hơn tất cả các nhóm thu nhập ở Hoa Kỳ.”

Phân tích cũng kết luận rằng tầng lớp tinh hoa kinh tế hàng đầu của Mỹ đang trả mức thuế liên bang, thuế tiểu bang và thuế tại địa phương thấp hơn so với tầng lớp lao động và tầng lớp trung lưu của quốc gia này.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng phát hiện của ProPublica không đến từ những nguồn công khai như các bài phân tích học thuật. Tổ chức này cũng đã nêu rõ:

ProPublica không tiết lộ cách thu thập dữ liệu, dữ liệu được cung cấp cho chúng tôi ở dạng thô, không kèm theo các điều kiện hoặc các kết luận. Các báo cáo viên của ProPublica đã dành hàng tháng trời để xử lý, phân tích nguồn tài nguyên này và biến nó thành một cơ sở dữ liệu có thể sử dụng được.”

Sở Thuế vụ cũng đã quy định: “Người nộp thuế có quyền yêu cầu bất kỳ thông tin nào mà họ cung cấp cho IRS (Sở Thuế vụ) sẽ không bị tiết lộ trừ khi được người đóng thuế hoặc luật pháp cho phép.”

Vy An (T/h)

Xem thêm: