Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho rằng nguồn thu từ các loại thuế quan mang tên “Ngày Giải Phóng” mà ông đề xuất có thể đủ để thay thế thuế thu nhập liên bang.

Trump loan bao thue doi ung 2 4
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump giơ biểu đồ thuế đối ứng khi phát biểu trong sự kiện công bố thương mại “Làm cho nước Mỹ giàu có trở lại” tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng vào ngày 2 tháng 4 năm 2025 tại Washington, DC. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Vào đầu tháng Tư, ông Trump đã công bố việc áp các loại thuế quan “đối ứng” đối với gần 90 quốc gia, viện dẫn lý do các hành vi thương mại không công bằng của những quốc gia này. Sau khi các mức thị này chỉ vừa có hiệu lực vào ngày 9/4, ông Trump đã tuyên bố tạm ngừng 90 ngày và chỉ áp mức thuế quan cơ sở 10%. Tuy nhiên, riêng Trung Quốc là một trong số ít trường hợp ngoại lệ, với mức thuế quan đối với hàng hóa của nước này thậm chí còn bị tăng cao hơn nữa, hiện đã ở mức 145%. 

Ký giả Rachel Campos-Duffy của đài Fox News hôm thứ Ba (15/4) đã hỏi ông Trump rằng liệu mức thuế quan của ông có thể thay thế thuế thu nhập hay không. 

Ông Trump đã khen ngợi câu hỏi này, lưu ý rằng ký giả Rachel Campos-Duffy là người đầu tiên đặt câu hỏi này với ông – mặc dù ông thường xuyên trao đổi với “những bộ óc tài chính hàng đầu [của Hoa Kỳ]” nhưng chưa ai từng đề cập đến khả năng ấy.

Có khả năng là số tiền thu được từ thuế quan có thể lớn đến mức nó có thể thay thế – quý vị biết đấy, ngày xưa, khoảng từ năm 1870 đến 1913, thuế quan là nguồn thu duy nhất của quốc gia”, ông Trump phát biểu, ám chỉ Thời đại Hoàng kim – một giai đoạn phát triển kỹ nghệ nhanh chóng và sự gia tăng của cải quốc gia. 

Đó là thời kỳ mà quốc gia của chúng ta [nói một cách] tương đối là giàu có nhất. Chúng ta là quốc gia giàu có nhất [trên thế giới]” ông Trump nói thêm.

Ông Trump cho rằng các chính sách thương mại của ông có thể mang lại hơn một nghìn tỷ USD trong năm tới – góp phần giảm nợ công và có thể thay thế hoặc bù đắp thuế thu nhập. Ông khẳng định rằng thuế quan đang củng cố nền kinh tế Hoa Kỳ, mang lại “hàng tỷ USD mỗi ngày” cho ngân khố quốc gia.

Tuy nhiên, giới kinh tế gia tỏ ra hoài nghi trước nhận định rằng thuế quan có thể tạo ra nguồn thu ở quy mô lớn mà ông Trump tuyên bố. Họ cảnh báo rằng giá nhập cảng tăng có thể khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu và kéo theo sự suy giảm nhu cầu chung. 

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ (Congressional Research Service), trong suốt 70 năm qua, thuế quan chỉ chiếm không quá 2% tổng thu ngân sách liên bang hàng năm của Hoa Kỳ. Riêng trong năm 2024, nguồn thu từ thuế nhập cảng của Hoa Kỳ chỉ chiếm 1,7% trong tổng số hơn 4,9 nghìn tỷ USD doanh thu ngân sách liên bang.

Các chuyên gia tài chính tại ING hôm thứ Ba (15/4) cho biết, các loại thuế quan toàn diện đối với các đối tác thương mại – đặc biệt là Trung Quốc – có thể mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế Hoa Kỳ và giới lao động Mỹ. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng quá trình chuyển đổi sẽ “rất khó khăn và có khả năng gây thiệt hại kinh tế đáng kể” trong ngắn hạn.

ING nhận định rằng, nếu các thỏa thuận thương mại được ký kết và thuế quan được cắt giảm, chính quyền Trump có thể sẽ mất dư địa tài chính để thực hiện các đợt giảm thuế sâu rộng hơn.

  • Dư địa tài chính (fiscal room): là khả năng hoặc khoảng trống trong ngân sách quốc gia để chính phủ chi tiêu thêm hoặc giảm thuế, mà không gây tổn hại đến ổn định tài chính, không làm tăng nợ công quá mức, và vẫn duy trì được các cam kết chi tiêu lâu dài.

Thiên Vân