7 dấu hiệu ở bàn tay cảnh báo bạn đang mắc bệnh
- Minh Minh
- •
Bàn tay là một trong những bộ phận cơ thể xuất hiện dấu hiệu lão hóa đầu tiên. Quan sát tình trạng bàn tay là cách đơn giản giúp bạn đánh giá sức khỏe của mình.
Nếu bàn tay xuất hiện những triệu chứng bất thường dưới đây, bạn nên đến gặp bác sĩ để được nhận lời khuyên đúng đắn.
1. Lòng bàn tay màu đỏ
Các bác sĩ cho rằng lòng bàn tay màu đỏ có thể là dấu hiệu của các vấn đề về gan, đặc biệt là khi bạn trên 50 tuổi. Thường thì phần mẩn đỏ sẽ nằm ở rìa ngoài của lòng bàn tay. Nguyên nhân xuất hiện màu đỏ là do sự thay đổi trong cân bằng nội tiết tố gây giãn nở mạch máu. Viêm khớp dạng thấp cũng có thể là một lý do khiến lòng bàn tay bị mẩn đỏ. Nếu phát hiện những vùng da đỏ trên tay, bạn nên đi khám để tìm ra nguyên nhân thực sự. Hãy nhớ ăn uống lành mạnh và hạn chế uống rượu.
2. Lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi
Một số lý do có thể khiến lòng bàn tay đổ mồ hôi gồm tăng tiết mồ hôi, căng thẳng, cường giáp (tình trạng xảy ra do tuyến giáp sản xuất quá mức hormone tuyến giáp). Trong trường hợp mắc chứng tăng tiết mồ hôi, bạn hãy thử dùng các chất chống mồ hôi mạnh. Bạn cũng có thể thực hiện một thủ thuật y tế để chống lại chứng cường giáp.
Bạn nên hạn chế uống rượu và học cách kiểm soát mức độ căng thẳng (học thiền, kỹ thuật hít vào thở ra). Nếu không có biện pháp nào hiệu quả thì bạn hãy đến gặp bác sĩ.
3. Mất độ nhạy và bị ngứa
Bạn đã bao giờ thức dậy và thấy cơ thể mất cảm giác ở một số chỗ? Rồi khi bạn di chuyển thì cảm giác ngứa ran ập đến? Thực ra hiện tượng này là rất bình thường. Nguyên nhân là bởi khi bạn ngồi, ngủ lâu ở một tư thế thì dây thần kinh cảm giác sẽ bị đè lên. Cảm giác ngứa ran chính là dấu hiệu cho thấy dây thần kinh đang bắt đầu hoạt động trở lại. Trong một số trường hợp, triệu chứng này xuất hiện ở tay có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn, như hoại tử xương cổ tay, hội chứng ống cổ tay, huyết khối tĩnh mạch chi, chấn thương đám rối thần kinh cánh tay, thiếu máu hoặc tiểu đường. Nếu bạn thường xuyên bị mất cảm giác ở tay mà không rõ lý do thì cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
4. Bàn tay khô
Một số nguyên nhân phổ biến khiến da tay bị khô gồm mất nước, thiếu hụt estrogen, bắt đầu thời kỳ mãn kinh. Để tránh mất nước, bạn nên hãy uống đủ nước mỗi ngày và sử dụng kem dưỡng ẩm cho da tay. Bạn hãy thêm cá béo, các loại hạt và quả hạch vào chế độ ăn uống của mình. Hãy đến gặp bác sĩ để được điều trị bằng liệu pháp thay thế nội tiết tố nếu bạn cần kiểm soát sự sụt giảm estrogen.
5. Tay run
Run tay có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh Parkinson. Bạn cần hạn chế uống cà phê và rượu mạnh vì chúng cũng có thể gây run tay. Ngoài ra, trạng thái lo lắng và căng thẳng cũng có thể khiến tay bạn mất kiểm soát mà run lên.
6. Móng tay yếu
Móng tay yếu hoặc nứt nẻ có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang bị thiếu kẽm. Kẽm rất quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta. Kẽm có khả năng thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương, giúp các tế bào phân chia và tăng cường hệ thống miễn dịch.
Bạn nên thêm một số thực phẩm giàu kẽm như yến mạch, các loại hạt và thịt vào chế độ ăn uống. Bạn cũng có thể uống viên bổ sung kẽm để nhanh chóng tăng hàm lượng kẽm trong cơ thể.
7. Ngón tay dùi trống
Nếu ngón tay của bạn trông giống như một chiếc gậy hoặc một chiếc dùi trống (móng tay và ngón tay phình lên như một đầu củ) thì có thể cơ thể bạn đang bị thiếu oxy. Đó cũng có thể là triệu chứng của các bệnh nghiêm trọng hơn, như ung thư phổi hoặc bệnh tim. Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu ngón tay bạn trông bất thường như vậy.
Minh Minh (Theo Bright Side)
Xem thêm:
Từ khóa bàn tay Dấu hiệu bệnh Dấu hiệu cơ thể