Ăn quá nhiều tinh bột dẫn đến 5 điểm bất lợi này cho sức khỏe
- Thanh Phong
- •
Nếu trong khẩu phần ăn một ngày có quá nhiều tinh bột, về lâu dài không những dễ khiến trí nhớ kém đi mà còn có thể mắc các bệnh khác như sa sút trí tuệ, tiểu đường, tăng mỡ máu, rối loạn kinh nguyệt và tinh thần…
Ăn quá nhiều tinh bột có thể khiến trí nhớ sa sút, lipid máu tăng cao, rối loạn kinh nguyệt
“Chế độ ăn uống cân bằng” thường được rút gọn thành khẩu hiệu, nhiều người ăn quá nhiều thực phẩm giàu tinh bột mỗi ngày từ bữa sáng, bữa trưa, bữa trà chiều, bữa tối đến bữa khuya.
Ông Trương Duy Quân, Giám đốc Phòng khám Y học Cổ truyền Trung Quốc Tế Sinh, đã chỉ ra rằng nếu ăn quá nhiều thực phẩm giàu tinh bột trong một lần, lượng đường trong máu sẽ tăng quá nhanh và sau một thời gian dài sẽ dễ dẫn đến một số bệnh.
Một số người có thể nghĩ bản thân không ăn nhiều cơm thì không sao. Tuy nhiên, các loại thực phẩm như khoai tây, khoai từ, bí ngô hoặc ngô trong các món ăn phụ, cũng như các loại bánh quy, bánh ngọt hoặc bánh kếp hành lá trong bữa ăn nhẹ, đều là tinh bột. Đặc biệt là bánh ngọt và bánh quy chứa nhiều đường tinh luyện. Nếu bạn uống đồ uống có đường thì lượng đường trong máu của bạn sẽ tăng nhanh hơn. Ngoài ra, trong các món phở, mì xào bán sẵn và các món ăn khác, mì chiếm phần lớn trong một bữa ăn, lượng thịt và rau lại ít.
Ông Trương Duy Quân cho biết, ông thường xem xét một số bệnh khó chữa và thấy rằng nguyên nhân gây bệnh có liên quan mật thiết đến việc bệnh nhân ăn quá nhiều tinh bột:
1. Suy giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ
Giảm trí nhớ là triệu chứng phổ biến nhất. Lượng đường trong máu cao có thể gây ra tình trạng viêm não, ví như tế bào não ngâm trong “nước đường” vậy, nếu não tiếp tục bị viêm sẽ từ từ gây mất trí nhớ.
Tại phòng khám của ông Trương Duy Quân, nhiều trường hợp bị mất trí nhớ liên quan đến thức ăn nhiều tinh bột. Một số người có trí nhớ kém và thường lo lắng rằng họ có thể bị sa sút trí tuệ. Mặc dù bệnh sa sút trí tuệ không phát triển nhanh chóng, nhưng có nhiều dấu hiệu báo trước, triệu chứng đầu tiên là suy giảm trí nhớ. Do đó, hãy chú ý đến việc nạp tinh bột vào cơ thể.
2. Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
Nạp quá nhiều đường có thể khiến nội tiết tố nam tăng cao, nội tiết tố nữ suy giảm, gây rối loạn kinh nguyệt. Kinh nguyệt một tháng một lần sẽ trở thành 2 tháng một lần, hoặc chỉ 4 lần một năm.
3. Bệnh tiểu đường
Khi lượng đường trong máu tăng sau bữa ăn, cơ thể sẽ tiết ra insulin để cho phép các tế bào sử dụng đường trong máu. Khi ăn quá nhiều thực phẩm giàu tinh bột, lượng đường trong máu vượt quá mức nhu cầu của tế bào và được chuyển hóa thành chất béo dự trữ. Việc tích tụ mỡ nội tạng sẽ dẫn đến tăng đề kháng insulin. Khi đó, insulin cần tiết ra nhiều hơn để kiểm soát lượng đường trong máu, khi insulin không đủ sẽ gây ra bệnh tiểu đường.
4. Tăng lipid máu
Một số bệnh nhân chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe có chế độ ăn uống thanh đạm và chọn bánh mì và mì hấp làm từ ngũ cốc nguyên hạt trông lành mạnh hơn làm thực phẩm chính. Nhưng xét nghiệm máu lại phát hiện thấy lipid trong máu quá cao. Nguyên nhân là do đường huyết tăng quá nhanh, đường huyết không sử dụng hết sẽ được chuyển hóa thành mỡ tích trữ.
Theo gợi ý của ông Trương Duy Quân, bệnh nhân đã giảm ăn thức ăn nhiều tinh bột và tăng tỷ lệ thức ăn có protein. Kết quả là lipid máu của bệnh nhân đã trở lại bình thường mà không cần dùng thuốc.
5. Tính khí thất thường, bệnh tinh thần
Khi tâm trạng không tốt, mọi người thường muốn ăn bánh ngọt và đồ ngọt để tâm trạng vui vẻ. Nhưng những thực phẩm này sẽ khiến đường huyết lên xuống nhanh chóng. Khi đường huyết lên xuống thất thường, ngược lại càng khiến tâm trạng dao động. Ông Trương Duy Quân nói rằng tình trạng này cuối cùng có thể dẫn đến bệnh tinh thần, chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực hoặc rối loạn hoảng sợ.
Chú ý đến loại tinh bột, và điều chỉnh tỷ lệ ăn uống theo lượng hoạt động
Điều này không có nghĩa là không thể ăn tinh bột. Vì cơ thể người cần glucose làm nguồn năng lượng để hoạt động, tinh bột có thể được tiêu hóa và phân giải thành glucose để cơ thể sử dụng. Khi ăn tinh bột, bạn nên chú ý đến loại linh bột và kiểm soát lượng dùng.
Thực phẩm giàu tinh bột phổ biến là: gạo, mì, bánh bao, bánh mì sandwich, bánh mì, đậu đỏ, đậu xanh, khoai tây, khoai từ, khoai lang, bí ngô, ngô, bánh quy, bánh ngọt, bánh kếp hành lá, v.v. Thực phẩm nguyên hạt như gạo nên được ưu tiên hơn các sản phẩm chế biến từ bột (ví dụ như mì, bánh hấp, bánh mì).
Trong một bữa ăn, tỷ lệ tinh bột không được vượt quá một nửa, tốt nhất nên kiểm soát ở mức 1/4 hoặc nhiều hơn một chút. Ví dụ như cơm không được quá 1 bát lớn. Ông Trương Duy Quân nhắc nhở rằng lượng tinh bột ăn vào được quyết định bởi lượng hoạt động của mỗi người. Những người ít vận động không thể ăn quá nhiều cơm, nhưng cần có chất đạm tốt, dầu tốt, ăn nhiều rau.
Từ khóa sa sút trí nhớ rối loạn kinh nguyệt bệnh tinh thần bệnh tiểu đường tinh bột