Cha mẹ cũng cần xem lại thời gian dùng smartphone bên cạnh con
- Thanh Sơn
- •
Trẻ em rất cần sự quan tâm từ người lớn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà công nghệ đang chiếm dần sự chú ý của chúng ta, việc chăm sóc trẻ nhỏ có thể bị gián đoạn. Cụ thể, việc cha mẹ bị phân tâm bởi điện thoại di động có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Điều này có thể được chứng minh qua một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Translational Psychiatry.
Thí nghiệm trên chuột
Tiến sĩ Tallie Baram, giáo sư nhi khoa và giải phẫu học thần kinh tại Đại học California, Irvine và các đồng nghiệp đã tiến hành 1 thí nghiệm trên chuột. Họ quan sát tình trạng phát triển của chuột con khi thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Có 2 chiếc lồng với 2 môi trường sống khác biệt: 1 chiếc lồng có đầy đủ tiện nghi, còn chiếc lồng còn lại thì thiếu thốn các vật dụng cơ bản để chúng làm ổ và nghỉ ngơi cho thoải mái. Điều này khiến chuột mẹ thường xuyên bỏ rơi các con non để chạy xung quanh, tìm kiếm môi trường sống tốt hơn.
Khi chuột con lớn lên, các nhà nghiên cứu quan sát hành vi khi chúng tiếp xúc với nhau và đo lượng đường trong cơ thể chúng. Những con chuột sống trong môi trường khó khăn sẽ có lượng đường thấp hơn và ít chơi đùa với bạn bè hơn chuột con được nuôi trong môi trường bình thường.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên, Baram nói. Chúng tôi phải quay lại và xem xét toàn bộ quá trình. Yếu tố nào đã gây nên sự khác thường này?” Trong cả 2 trường hợp, chúng đều có đầy đủ thức ăn, nhiệt độ môi trường sống và cân nặng của chuột con tương đối như nhau, và chúng sống chung với chuột mẹ trong khoảng thời gian bằng nhau.
Điều khác biệt duy nhất giữa 2 môi trường này là sự quan tâm mà chúng nhận được từ chuột mẹ. Chuột mẹ, trong môi trường thiếu thốn để nuôi dưỡng con cái, trở nên căng thẳng và có hành vi khó đoán hơn. Ví dụ, thay vì đến thời điểm cho chuột con ăn, chải chuốt và chơi với chúng, thì chuột mẹ thường bị phân tâm, hồi hộp nhìn xung quanh tìm cách cải thiện hoàn cảnh sống.
Dần dần, cơ quan cảm thụ tín hiệu của chúng có dấu hiệu bị tổn thương. Điều này gợi ý rằng chuột con cần được tiếp xúc đều đặn và được chuột mẹ quan tâm đến một mức độ nhất định thì hệ thần kinh của chúng mới có thể hoạt động và phát triển bình thường.
>> Tổ chức WHO xếp nghiện game vào loại bệnh rối loạn tâm thần
Trong trường hợp này, khi chuột mẹ liên tục bị phân tâm, thì mối quan hệ mẹ con của chúng bị gián đoạn thường xuyên trong thời gian dài. “Điều này hoàn toàn có thể lý giải được.” Baram nói: “Cũng như chúng ta cần được tiếp xúc nhiều với âm thanh thì mới có thể nhận ra những giai điệu và mẫu câu phức tạp trong lời nói và âm nhạc. Để phát triển khả năng tư duy hình ảnh cũng cần sự tiếp xúc tương tự.”
Và câu chuyện phổ biến của gia đình hiện đại …
Thí nghiệm trên để xác nhận rằng sự chú tâm và nhất quán là rất quan trọng để trẻ phát triển cảm xúc và ngôn ngữ, nhất là vào giai đoạn đầu. Điều này đòi hỏi người lớn phải trò chuyện và dạy dỗ trẻ 1 cách trực tiếp. Tuy nhiên, điện thoại cá nhân có thể làm gián đoạn quá trình này. Khi màn hình lóe sáng hay tiếng chuông vang lên, nó thu hút toàn bộ sự chú ý của bố mẹ. Mỗi khi chơi đùa hoặc giao tiếp với bé, nếu cha mẹ liên tục bị phân tâm vì tín hiệu di động, thì sự tương tác này sẽ bị cản trở, khiến bé không thể học hỏi và tiếp thu hiệu quả.
Điều khó khăn ở đây là hiện nay có quá nhiều ứng dụng trên di động. Chúng ta có thể gọi điện, nghe nhạc, chụp hình, bật radio, lên danh sách, coi bản đồ, bấm giờ, xem dự báo thời tiết… Nhưng vấn đề là dù chúng ta giết thời gian bằng việc lướt mạng xã hội hay làm điều gì đó thật sự hữu ích, thì trẻ con đều không nhận ra sự khác biệt. Chúng chỉ thấy người lớn đang dán mắt vào màn hình di động.
“Bạn có cảm thấy khó chịu khi bị ai đó làm ngơ, không hề tỏ ra mình đang nghe bạn nói?” McDaniel hỏi. Ông là trợ lý giáo sư ngành Human Development và Family Science tại Đại học bang Illinois. Đây là điều tương tự đang xảy ra với trẻ em, nhưng vì không phải là người lớn, nên chúng chỉ có thể la khóc và phá rối. “Hầu hết các bậc cha mẹ đều yêu quý con cái của họ, nhưng một đứa trẻ sẽ khó cảm thấy được điều này nếu bạn cứ nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại.”
Trong một cuộc khảo sát 170 hộ gia đình, các bậc phụ huynh được yêu cầu hoàn thành bảng câu hỏi để xác định tần suất sử dụng điện thoại, máy tính bảng, máy tính cá nhân và các thiết bị khác khi họ giao tiếp với con cái. Ngoài ra, họ cũng được hỏi về mức độ lo lắng của mình khi phải bỏ lỡ 1 cuộc gọi hoặc tin nhắn.
Gần 1/2 số người được khảo sát (48%) cho biết các thiết bị công nghệ khiến họ không để ý đến con cái ít nhất 3 lần/ngày, khoảng 24% cho biết trường hợp của mình là 2 lần/ngày, chỉ có 17% cho biết là 1 lần, trong khi chỉ có 11% cho biết họ tránh xa các thiết bị này khi dành thời gian cho các bé.
Tiến sĩ Jenny Radesky từ Đại học Michigan, chuyên gia về hành vi trẻ em và bác sĩ nhi khoa cho biết: “Đây là một dạng nghiên cứu cắt ngang. (cross-sectional study: Thực hiện qua việc quan sát và phân tích số liệu từ một nhóm dân số ngẫu nhiên nhưng đại biểu cho cộng đồng tại thời điểm cụ thể – ND). Chúng tôi chưa thể chỉ ra ảnh hưởng trực tiếp từ thói quen sử dụng công nghệ của cha mẹ đến hành vi của trẻ, nhưng những phát hiện này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mối quan hệ trên.”
Radesky cho rằng có khả năng cha mẹ sử dụng di động như một cách giảm stress khi phải trông con. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, cha mẹ dần trở nên ít đáp ứng nhu cầu của con cái. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ em ít được chăm sóc đúng mức hơn. Bà kết luận: “Thật khó để chúng ta có thể luân chuyển sự chú ý của mình giữa 2 việc cùng lúc: một bên là thiết bị với vô số thông tin quan trọng và hấp dẫn, một bên là theo dõi phản ứng và cảm xúc của trẻ.”
Thanh Sơn tổng hợp
Từ khóa Tình cảm gia đình Làm cha mẹ điện thoại di động Nuôi dạy con điện thoại smartphone