Hành lang độ ẩm – nhiệt độ: chìa khóa dự đoán virus Vũ Hán
- Trọng Đức
- •
Các nghiên cứu chỉ ra “các điểm nóng” của virus viêm phổi Vũ Hán đều tập trung ở các khu vực nằm giữa 2 vĩ tuyến 30 độ và 50 độ ở Bắc Bán Cầu. Các dữ liệu về nhiệt độ và độ ẩm có thể giúp nhà khoa học dự đoán “Vũ Hán” tiếp theo ở đâu.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng đại dịch viêm phổi Vũ Hán, hiện lây nhiễm cho hơn 145.000 người trên toàn cầu, tập trung ở một “hành lang” dọc bắc bán cầu trong khi ngày càng nhiều nghiên cứu mới dùng nhiệt độ và độ ẩm để dự đoán điểm nóng tiếp theo của virus.
Trong những ngày đầu dịch bệnh bùng phát ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nhiều người đã lo sợ rằng khu vực Đông Nam Á sẽ sớm trở thành một ổ dịch tiếp theo, bởi vì đây là khu liền kề và có số lượng du lịch, đi lại hai chiều với Trung Quốc vô cùng lớn. Tuy nhiên, tới nay, các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Ý và phía Tây Bắc Hoa Kỳ mới trở thành các ổ dịch lớn, hoặc đang có nguy cơ bùng phát ổ dịch tiếp theo.
“Lây nhiễm cộng động đã xảy ra theo một công thức nhất quán ở cả đông và tây. Các trung tâm dịch bệnh mới cơ bản đều nằm trong vĩ tuyến 30-50 Bắc”, theo một nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ và Iran.
Công trình nghiên cứu của họ đã được đăng trên Mạng lưới Nghiên cứu Khoa học Xã hội (SSRN) và đang chờ được bình duyệt. Nghiên cứu cho rằng các yếu tố tương tự như độ ẩm và nhiệt độ ở các địa điểm này có thể cho phép các nhà dịch tễ học dự đoán địa điểm mới mà virus sẽ tấn công. Phát hiện này nằm trong các nghiên cứu lớn hơn khi các nhà khoa học tìm hiểu về đặc điểm chung giữa Sars-CoV-2 và các chủng virus corona khác và virus cúm thường, vốn phát triển mạnh vào mùa đông.
Trước đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu, Trung Quốc đã phát hiện rằng sự lây nhiễm của virus Vũ Hán rất nhạy cảm với nhiệt độ, và môi trường tối ưu cho nó rơi vào khoảng 8,72 độ C. Quan sát của các nhà khoa học Mỹ-Iran trong nghiên cứu mới cũng cho nhận xét tương tự.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Y tế Công cộng thuộc Harvard nói rằng sự lây truyền của virus corona mới có thể duy trì trong một khoảng nhiệt độ và độ ẩm, do đó chúng ta không nên hy vọng rằng chỉ nhờ thời tiết thay đổi sẽ khiến virus biến mất.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ-Iran, dẫn đầu bởi ông Mohammad Sajadi tại Đại học Dược Maryland, nói rằng “có sự giống nhau rõ rệt” giữa điều kiện môi trường ở các địa điểm bên trong hành lang ổ dịch hiện tại, với nhiệt độ trung bình là từ 5 đến 11 độ C và độ ẩm tương đối từ 47 đến 79 phần trăm.
“Các địa điểm này còn có điểm tương đồng rằng thời gian diễn ra dịch bệnh trùng với điểm thấp nhất của chu kỳ nhiệt độ trong năm”, nghiên cứu viết.
Nhóm nghiên cứu nói rằng không có thành phố nào bị lây nhiễm Sars-CoV-2 mà có nhiệt độ thấp nhất dưới 0 độ C, có thể là một hạn chế đối với sự lây lan của dịch bệnh.
Lập dữ liệu nhiệt độ đối ứng từ tháng 3 đến tháng 4 năm ngoái, nghiên cứu dự đoán rằng vùng ổ dịch mới sẽ xảy đến trong vài tuần nữa có thể nằm ở khu vực phía bắc của hành lang dịch hiện tại. Tức là khu vực bao gồm vùng Trung Tây Mỹ, Columbia thuộc Anh, Quần đảo Anh và vùng Đông Bắc Trung Quốc sẽ rơi vào tầm ngắm của virus.
Nghiên cứu cũng cho rằng nếu thời tiết ấm lên nhanh, cộng với mật độ dân số thấp và công tác chuẩn bị đối phó y tế kỹ lưỡng, rủi ro dịch bệnh ở các vùng này có thể được giảm thiểu.
Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa Trung Quốc cũng chỉ ra tương quan về nhiệt độ đối với dịch bệnh. Nghiên cứu này thu thập các mẫu dữ liệu từ Trung Quốc và 14 nước khác, cho thấy trong những ngày đầu lây lan, các nơi có nhiệt độ thấp hơn và độ ẩm thấp hơn phải chịu dịch bệnh nặng hơn so với các khu vực có độ ẩm cao và nhiệt độ cao hơn.
Lấy dữ liệu từ Trung Quốc trong giai đoạn 20-23 tháng Một, khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu báo cáo về các ca lây nhiễm COVID-19 nhưng chưa áp đặt phong tỏa và cách ly mạnh mẽ, nhóm nghiên cứu tại Bắc Kinh-Thanh Hoa cho rằng nhiệt độ cao và độ ẩm tương đối cao có thể giúp giảm bớt sự lây lan của virus.
Trọng Đức (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa viêm phổi Vũ Hán COVID-19 SARS-CoV-2