Nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị & Triển lãm quốc gia năm 2024 của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), nhấn mạnh vai trò quan trọng của vitamin D trong quá trình phục hồi gãy xương ở trẻ em. Kết quả cho thấy nồng độ vitamin D thấp có thể làm chậm đáng kể quá trình lành xương ở trẻ em.

vitamin D 1
Hầu hết người hiện đại thường ít bổ sung vitamin D. (Ảnh: New Africa/ Shutterstock)

Còn hơn cả phòng ngừa

Nghiên cứu do Michael Guyot, một sinh viên y khoa tại Đại học Florida tham gia nghiên cứu, trình bày vào ngày 28/9, đã phân tích 186 trường hợp gãy xương chi ở trẻ em được điều trị từ năm 2015 đến năm 2022 và phát hiện ra mối quan hệ nhất quán giữa nồng độ vitamin D thấp và chậm lành xương.

Các phát hiện cho thấy, trẻ em bị gãy xương chân không cần phẫu thuật có nồng độ vitamin D thấp sẽ phải mất thêm 20 ngày để lành xương trên lâm sàng. Ngoài ra, nhóm trẻ này cũng bị chậm liền xương trên X-quang gần 2 tháng.

Đối với các trường hợp gãy xương cần phẫu thuật, quá trình phục hồi phải mất thêm 1 tháng nữa trên lâm sàng, với các chỉ số lành xương mất thêm gần 4 tháng nữa.

Nghiên cứu này có thể nổi bật chức năng thiết yếu của vitamin D trong quá trình lành xương thay cho vai trò phòng ngừa gãy xương.

Các khuyến nghị trước đây tập trung vào cách bổ sung vitamin D đầy đủ để xương chắc khỏe hơn, giảm nguy cơ gãy xương. Tuy nhiên, cuộc điều tra mới này đã phát hiện ra các biến chứng tiềm ẩn khi mức vitamin D không đủ trong quá trình phục hồi của trẻ.

Tiến sĩ Jessica McQuerry, tác giả chính của nghiên cứu, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khẩu phần ăn uống cân bằng, giàu vitamin D đối với trẻ em.

Các nhà nghiên cứu khuyên rằng, nếu tình trạng gãy xương của trẻ không lành trong khoảng thời gian thông thường thì các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên xem xét và đánh giá về mức vitamin D của trẻ.

Ý nghĩa của những phát hiện này vượt ra ngoài bối cảnh lâm sàng, nhấn mạnh tầm quan trọng của các yếu tố về khẩu phần ăn uống và lối sống trong quá trình phục hồi sau chấn thương xương. Tiến sĩ McQuerry khuyến khích trẻ em nên tham gia các hoạt động ngoài trời để nâng cao sức khỏe thông qua tập thể dục và gia tăng sản xuất vitamin D từ ánh sáng mặt trời.

Tiến sĩ McQuerry cho biết trong một thông cáo báo chí rằng: “Ra ngoài và tận hưởng không khí trong lành có thể mang lại điều kỳ diệu cho sức khỏe đồng thời tăng hấp thụ vitamin D. Thật là lý do tuyệt vời để ra ngoài và khám phá thiên nhiên!”

Chuyện trẻ em Việt Nam đi học ở Nhật Bản
(Ảnh minh họa: Milatas, Shutterstock)

Sức khỏe xương

Vitamin D hỗ trợ hấp thụ canxi và phốt pho – 2 khoáng chất quan trọng cho sự phát triển của xương.

Tiến sĩ Vishal Sarwahi, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình nhi khoa tại Trung tâm Y tế Nhi Cohen ở New York, chia sẻ với tờ The Epoch Times rằng vitamin D rất quan trọng trong việc thúc đẩy sức khỏe xương ở trẻ em vì giúp xương chắc khỏe và ngăn ngừa gãy xương.

Ông giải thích rằng, tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng thiết yếu này có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Do đó, cha mẹ phải bảo đảm việc con mình nhận được đủ lượng vitamin D thông qua khẩu phần ăn uống và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Nghiên cứu cho thấy, trẻ em có đủ lượng vitamin D ít có khả năng gặp các vấn đề liên quan đến xương, chẳng hạn như còi xương. Còi xương được đặc trưng bởi xương mềm và yếu, có thể dẫn đến dị tật và gãy xương. Theo Tiến sĩ Sarwahi, người không tham gia nghiên cứu, việc bảo đảm trẻ em nhận đủ vitamin D có thể giúp thúc đẩy sức khỏe xương tổng thể khi trẻ lớn lên và ngăn ngừa nhiều tình trạng khác nhau, bao gồm cả còi xương.

Còi xương

Tiến sĩ Sarwahi giải thích: “Việc thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến còi xương, gây dị tật xương, chân, thấp bé và nguy cơ gãy xương cao hơn. Chân cong và biến dạng, dẫn đến thay đổi khả năng chịu trọng lượng, có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng sau này như viêm khớp, khó đi lại và tăng nguy cơ gãy xương”.

Còi xương phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 3 đến 18 tháng tuổi và thanh thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi. Tuy nhiên, nồng độ vitamin D thấp cũng có thể ảnh hưởng đến xương của người lớn.

Tiến sĩ Sarwahi lưu ý rằng “Người lớn bị thiếu vitamin D có thể mắc bệnh nhuyễn xương. Đây là tình trạng xương ‘mềm’ và có thể gây đau xương, biến dạng và tăng nguy cơ gãy xương”.

Các tình trạng khác

Mức vitamin D đủ cũng có thể chống lại các tình trạng sau:

  • Bệnh tim mạch: Thiếu hụt vitamin D có thể liên quan đến các bệnh tim mạch ở trẻ em như tăng huyết áp, không dung nạp tư thế đứng và bệnh Kawasaki.
  • Nhiễm trùng: Trẻ em bị thiếu hụt vitamin D có nhiều khả năng bị nhiễm trùng đường hô hấp. Mức vitamin D thấp cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp bao gồm hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
  • Đau và yếu: Vitamin D thấp có thể gây đau cơ xương và yếu cơ ở trẻ em và người lớn.
  • Dễ cáu kỉnh, trầm cảm và lo lắng: Thiếu hụt vitamin D có thể gây ra hành vi hung hăng, trầm cảm và lo lắng ở trẻ em trong độ tuổi đi học.
  • Bệnh đa xơ cứng: Thiếu hụt vitamin D ở trẻ em có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh đa xơ cứng.

Lượng vitamin D khuyến nghị hàng ngày

“Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị trẻ em từ 1 đến 18 tuổi nên bổ sung 600 IU vitamin D mỗi ngày,” Tiến sĩ Sarwahi cho biết. “Thông thường, có thể đạt được điều này thông qua sự kết hợp giữa ăn uống, thực phẩm bổ sung và ánh sáng mặt trời”.

Theo dõi nồng độ vitamin D đặc biệt quan trọng ở những vùng có ít ánh sáng mặt trời hoặc vào mùa Đông. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến ​​của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nếu thấy lo lắng về tình trạng vitamin D của con mình.

Tiến sĩ Sarwahi cho biết rằng, các tế bào da sản xuất ra vitamin D khi có ánh sáng mặt trời, vì vậy việc khuyến khích trẻ em chơi ngoài trời dưới ánh nắng mặt trời sẽ hữu ích.

“Ngoài ra, tải trọng cơ học lên xương xảy ra trong quá trình hoạt động thể chất như chơi đùa sẽ giúp xương chắc khỏe,” ông nói tiếp. “Tuy nhiên, việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thường là không đủ.”

Tiến sĩ Sarwahi cho biết, cơ thể cần ít nhất 1.000 IU vitamin D mỗi ngày để có sức khỏe xương tốt bắt đầu từ 5 tuổi, nhưng việc hấp thụ đủ lượng vitamin D từ những gì chúng ta ăn là rất khó, với một ly sữa chỉ chứa khoảng 100 IU. “Do đó, AAP khuyến nghị tất cả trẻ em nên bổ sung vitamin D để đáp ứng nhu cầu hàng ngày,” ông nói.

5 loại thực phẩm giàu vitamin D

thuc pham giai doc gan ca hoi image
Cá hồi là nguồn cung cấp dồi dào vitamin D. (Ảnh: Shutterstock)

5 nguồn vitamin D trong khẩu phần ăn uống có thể giúp trẻ em đáp ứng được nhu cầu hàng ngày. Thực phẩm giàu vitamin D bao gồm:

  • Cá béo: Cá hồi và cá thu là nguồn cung cấp vitamin D tuyệt vời. Một khẩu phần ăn có thể cung cấp một phần đáng kể lượng khuyến nghị hàng ngày.
  • Thực phẩm bổ sung vitamin D: Nhiều sản phẩm, bao gồm sữa, nước cam và một số loại ngũ cốc ăn sáng, được bổ sung vitamin D. Kiểm tra nhãn có thể giúp cha mẹ có được những lựa chọn tốt nhất cho con mình. Tuy nhiên, nên ưu tiên thực phẩm nguyên chất hơn thực phẩm chế biến như ngũ cốc khi có thể.
  • Các sản phẩm từ sữa: Sữa, pho mát và sữa chua là nguồn canxi tốt và thường được bổ sung vitamin D.
  • Trứng: Lòng đỏ trứng chứa một lượng nhỏ vitamin D, khiến trứng trở thành nguồn cung cấp vitamin D ngon miệng cho trẻ em.
  • Nấm: Một số loại nấm, đặc biệt là những loại nấm có tiếp xúc với tia cực tím, có thể cung cấp nguồn vitamin D có nguồn gốc thực vật.

George Citroner, The Epoch Times
Khánh Ngọc biên dịch

Xem thêm: