Một nghiên cứu mới đã liên kết giữa việc sử dụng chất thức thần, phòng cấp cứu (ER) với nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt tăng cao.

nam ao giac
Nấm ảo giác. (Ảnh: Shutterstock)

Mặc dù chất thức thần có thể có tiềm năng trong điều trị một số bệnh, nhưng việc sử dụng chúng cũng gây ra nhiều nguy cơ, đặc biệt là đối với những người dễ bị loạn thần.

Nghiên cứu được công bố vào ngày 13/11/2024 trên JAMA Psychiatry (Tập san Bệnh học Tâm thần JAMA), phát hiện ra rằng những người đến phòng cấp cứu vì các vấn đề liên quan đến chất gây ảo giác có khả năng được chẩn đoán mắc các rối loạn phổ tâm thần phân liệt (SSD) cao hơn 21 lần trong vòng 3 năm so với dân số nói chung.

Nghiên cứu đã theo dõi hơn 9 triệu người.

Những phát hiện này xuất hiện khi chất thức thần – chẳng hạn như psilocybin (nấm ma thuật), LSD (axit), DMT (ayahuasca) và MDMA (thuốc lắc) – đang trở nên phổ biến hơn, cả trong các hoạt động giải trí và trong các cơ sở điều trị để điều trị một số tình trạng sức khỏe tâm thần.

Chất thức thần hay chất gây ảo giác, là những chất làm thay đổi cách nhìn, cảm nhận và trải nghiệm thế giới, thường gây ra ảo giác và làm thay đổi nhận thức của người sử dụng loại thuốc này.

“Nghiên cứu của chúng tôi xem xét về những rủi ro liên quan đến việc nhập viện cấp cứu của những người có sử dụng chất gây ảo giác, chứ không phải bản thân việc sử dụng chất gây ảo giác”, Tiến sĩ Daniel Myran, Chủ tịch Hội Nghiên cứu về Trách nhiệm Xã hội tại Đại học Ottawa, nói với The Epoch Times trong một email, đồng thời lưu ý rằng, những phát hiện này không thiết lập mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa việc sử dụng chất gây ảo giác và bệnh tâm thần phân liệt.

“Đối với tôi, những phát hiện này làm nổi bật việc chúng ta biết rất ít về những rủi ro sức khỏe tâm thần lâu dài do sử dụng chất gây ảo giác”, ông tuyên bố.

Trong khi chất thức thần đang được khám phá như một phương pháp điều trị các tình trạng như trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau sang chấn thì chúng lại có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loạn thần hoặc tâm thần phân liệt, đặc biệt là ở những người có tiền sử gia đình mắc các chứng rối loạn như vậy, Tiến sĩ Myran cho biết.

Chất gây ảo giác có liên quan đến nguy cơ loạn thần

Nghiên cứu phát hiện ra rằng, số lần đến phòng cấp cứu vì sử dụng chất gây ảo giác đã tăng lên trong những năm gần đây – với số lần đến khám tăng 86,4% trong giai đoạn 2013-2021, sau khi duy trì ổn định từ năm 2008 đến năm 2012.

“Xu hướng này phản ánh sự gia tăng sử dụng chất gây ảo giác ở Hoa Kỳ và đã tăng gấp đôi ở những người từ 19 đến 30 tuổi trong 8 năm qua”, Tiến sĩ Myran viết.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, việc sử dụng chất gây ảo giác – đặc biệt là khi dẫn đến loạn thần – có liên quan chặt chẽ đến việc tăng nguy cơ mắc SSD, bao gồm tâm thần phân liệt, rối loạn ảo giác và rối loạn loạn thần ngắn hạn.

Trong số những người bị loạn thần sau khi sử dụng chất gây ảo giác thì nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt hoặc các rối loạn liên quan chỉ trong vòng 3 năm đã cao hơn gần 15 lần so với dân số nói chung.

Nghiên cứu đã theo dõi hơn 9,2 triệu người và tiến hành phân tích các lần đến phòng cấp cứu liên quan đến việc sử dụng chất gây ảo giác từ năm 2008 đến năm 2021. Trong số những người này, có hơn 5.200 người đã đến phòng cấp cứu để điều trị các vấn đề như tác động có hại đến sức khỏe, say xỉn, phụ thuộc và loạn thần do chất gây ảo giác.

Trong vòng 3 năm sau khi đến phòng cấp cứu để điều trị loạn thần do chất gây ảo giác, 4% những người này được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt, so với chỉ 0,15% trong dân số nói chung – gấp 21 lần nguy cơ thông thường. Ngay cả sau khi điều chỉnh các tình trạng sức khỏe tâm thần khác và việc sử dụng chất gây nghiện thì nguy cơ vẫn cao hơn gấp 3 lần.

Chất gây ảo giác so với rượu và cần sa

Nghiên cứu cũng xem xét đến mối quan hệ giữa việc sử dụng rượu, cần sa và chẩn đoán SSD. Nghiên cứu phát hiện ra rằng, các lần đến phòng cấp cứu liên quan đến việc sử dụng chất gây ảo giác có liên quan đến nguy cơ SSD cao gấp 5 lần so với nguy cơ SSD đối với các lần đến phòng cấp cứu liên quan đến rượu và cao hơn 1,5 lần so với nguy cơ của nhóm đến phòng cấp cứu liên quan đến cần sa.

Mặc dù nghiên cứu này không thiết lập mối quan hệ nhân quả giữa việc sử dụng chất gây ảo giác và bệnh tâm thần phân liệt, nhưng các tác giả vẫn nhấn mạnh rằng, những phát hiện này đã làm rõ những nguy cơ nghiêm trọng – đặc biệt là đối với những người có khuynh hướng mắc bệnh liên quan đến loạn thần hoặc bệnh tâm thần phân liệt.

Tiến sĩ Myran viết, “Dựa trên những phát hiện của nghiên cứu, chúng tôi nhấn mạnh đến sự thận trọng khi sử dụng chất gây ảo giác ở những cá nhân có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh liên quan đến loạn thần hoặc bệnh tâm thần phân liệt”.

Vai trò của chất gây ảo giác trong bệnh tâm thần phân liệt

Một cơn loạn thần không có nghĩa là ai đó sẽ mắc bệnh tâm thần phân liệt, nhưng nó báo hiệu nguy cơ gia tăng, Tiến sĩ Jacob Ballon, Phó giáo sư khoa Tâm thần học và Khoa học Hành vi tại Stanford Medicine, người không tham gia vào nghiên cứu, nói với The Epoch Times.

Mặc dù cả chất gây ảo giác và bệnh tâm thần phân liệt đều liên quan đến ảo giác và nhận thức thay đổi về thực tế, nhưng theo ông Ballon, người chuyên điều trị cho những người mắc chứng rối loạn tâm thần, bao gồm cả bệnh tâm thần phân liệt, thì 2 trải nghiệm này không giống hệt nhau.

Ảo giác do thuốc thức thần, chẳng hạn như LSD hoặc nấm psilocybin, thường chỉ là tạm thời và ít dữ dội hơn so với những ảo giác gặp phải ở bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, đối với những người có khuynh hướng mắc bệnh loạn thần, thì việc sử dụng chất gây ảo giác có thể gây ra các triệu chứng tiềm ẩn.

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh tâm thần phân liệt – những người có dấu hiệu ban đầu của bệnh tâm thần nhưng chưa được chẩn đoán – có thể sử dụng chất gây ảo giác như một cách để đối phó với lo lắng hoặc trầm cảm, ông Ballon nói thêm. Ông cho biết, chất gây ảo giác có thể đóng vai trò kích hoạt những người ở trạng thái nguy cơ cao này. Chúng có thể thúc đẩy chứng loạn thần tiềm ẩn, dẫn đến khởi phát bệnh tâm thần phân liệt.

Ông Ballon tuyên bố rằng, chất gây ảo giác ảnh hưởng đến các hệ thống não khác nhau so với các chất kích thích như amphetamine – thường được sử dụng để điều trị các tình trạng như rối loạn thiếu chú ý/tăng động (ADHD), có liên quan chặt chẽ đến bệnh tâm thần phân liệt.

Trong khi amphetamine thường “làm lộ chứng loạn thần” – vì chúng tác động vào con đường liên quan đến dopamine –  thường liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt thì chất gây ảo giác lại không như vậy.

Ông Ballon cho biết, chất gây ảo giác chủ yếu ảnh hưởng đến mức serotonin, đại diện cho một “cơ chế khác với những gì chúng ta thường liên kết với bệnh tâm thần phân liệt”.

Ý nghĩa đối với mục đích sử dụng trị liệu

Đã có sự quan tâm ngày càng tăng trong học thuật và lâm sàng về việc sử dụng chất thức thần để điều trị sức khỏe tâm thần.

Ông Ballon đã đưa ra sự tương đồng với cần sa và lưu ý đến việc các chủng mạnh hơn hiện có khác với các chủng nhẹ hơn trong quá khứ như thế nào. Ông cho rằng, xu hướng sử dụng và hiệu lực của chất gây ảo giác ngày càng tăng có thể khiến chúng trở nên nguy hiểm hơn, đặc biệt là đối với những người dễ bị loạn thần.

Tiến sĩ Myran đã viết rằng “Mặc dù có sự quan tâm ngày càng tăng đối với tiềm năng điều trị của liệu pháp trợ giúp bằng chất thức thần, nhưng có rất ít dữ liệu về các rủi ro liên quan đến việc sử dụng, đặc biệt là bên ngoài các bối cảnh thử nghiệm lâm sàng”. Cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu thêm về các rủi ro liên quan đến các loại và mô hình sử dụng chất gây ảo giác khác nhau.

Can thiệp sớm

Việc nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh loạn thần và can thiệp kịp thời là điều cần thiết, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt.

Theo ông Ballon, sự khởi phát của bệnh tâm thần phân liệt thường được báo trước bằng các triệu chứng tinh tế, “nhẹ nhàng” như nghe thấy tiếng nói hoặc có niềm tin bất thường, nhưng vẫn có thể hiểu được phần nào về sự bất thường của chúng. Ông lưu ý rằng, các thành viên trong gia đình cần thực sự quan tâm nếu ai đó bắt đầu thu mình lại hoặc có những thay đổi đáng kể về hành vi.

Đối với những người trải qua cơn loạn thần sau khi sử dụng chất gây ảo giác, ông Ballon khuyến cáo nên theo dõi các dấu hiệu sức khỏe tâm thần xấu đi, chẳng hạn như tăng thu mình lại, rối loạn giấc ngủ hoặc suy giảm chức năng hàng ngày.

Ông cũng đề xuất nên tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp sớm. Các nguồn lực điều trị dành cho những người có nguy cơ có sẵn thông qua các phòng khám trên khắp Hoa Kỳ. Cơ sở dữ liệu Hệ thống Chương trình Dự báo sớm và Chứng Loạn thần (PEPPNET) của Stanford cung cấp danh mục cập nhật về các chương trình này.

Ông Ballon cho biết, những người có nguy cơ nên tìm kiếm sự trợ giúp càng sớm thì cơ hội giảm thiểu các thách thức về sức khỏe tâm thần lâu dài của họ càng cao.

Khánh Ngọc biên dịch
Theo
The Epoch Times

Xem thêm: