Ba Lan và NATO: Tên lửa rơi trúng Ba Lan do Ukraine phóng khi đánh chặn tên lửa Nga
- Bình Minh
- •
Theo Reuters, phía Ba Lan và NATO nói rằng tên lửa rơi trúng biên giới Ba Lan ngày 15/11 khiến 2 người thiệt mạng thực chất là do quân đội Ukraine phóng, với mục đích bắn hạ tên lửa của Nga.
Hôm thứ Tư ngày 16/11, Reuters đưa tin Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thông báo: “Từ thông tin mà chúng tôi và các đồng minh có được, đó là một tên lửa S-300 do Liên Xô sản xuất, một tên lửa cũ, và không có bằng chứng nào cho thấy nó được phóng bởi phía Nga. Rất có khả năng nó đã được bắn bởi lực lượng phòng không Ukraine.”
Cả Nga và Ukraine đều sử dụng hệ thống tên lửa S-300 do Liên Xô thiết kế.
Tuy nhiên, người đứng đầu NATO nói rằng chính Nga, chứ không phải Ukraine, là bên khởi động cuộc xâm lược vào tháng Hai và phóng nhiều tên lửa vào ngày 15/11 dẫn đến việc kích hoạt hệ thống phòng thủ của Ukraine. “Đây không phải là lỗi của Ukraine. Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng khi tiếp tục cuộc chiến bất hợp pháp chống lại Ukraine”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên tại Brussels.
Financial Times cũng đưa tin rằng tên lửa có thể do Ukraine phóng vào một tên lửa đang lao tới của Nga, theo thông tin tình báo được chia sẻ tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7 và NATO hôm thứ Tư (16/11).
Theo Financial Times, các nguồn tin quen thuộc cho biết, những phát hiện ban đầu cho thấy vũ khí này có thể do lực lượng phòng không của Ukraine bắn vào một tên lửa của Nga, sau đó tên lửa mới hạ cánh xuống Ba Lan. Nguồn tin cũng cho biết, cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục và chưa đưa ra kết luận.
Trước đó vào hôm 15/11, hãng thông tấn AP đưa tin quan chức tình báo cấp cao của Mỹ cho biết một tên lửa của Nga đã tấn công lãnh thổ Ba Lan. Các báo cáo của truyền thông nước ngoài khác như CNN và Wall Street Journal cũng đề cập rằng tên lửa có thể đến từ Nga.
Bộ Ngoại giao và truyền thông Ba Lan nói rằng tên lửa do Nga sản xuất đã rơi trúng một cơ sở sản xuất ngũ cốc trong làng. Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận vụ tấn công có liên quan đến Nga.
Trong một bài phát biểu vào tối ngày 15/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tên lửa của Nga đã tấn công Ukraine, và ngụ ý rằng “các hoạt động khủng bố không chỉ giới hạn ở biên giới của chúng tôi.”
Tuy nhiên vào thời điểm đó, NATO không xác nhận tên lửa được phóng từ Nga. Các quan chức tại thủ đô Warsaw (Ba Lan) kêu gọi truyền thông đừng vội đăng các báo cáo chưa được xác nhận.
Lúc đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã nói với phóng viên rằng: “Hiện không có bằng chứng thuyết phục về việc ai đã phóng tên lửa… rất có thể đó là tên lửa do Nga sản xuất, nhưng mọi việc vẫn đang được điều tra.”
Nga phủ nhận liên quan đến vụ đánh bom Ba Lan
Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ thông tin cho rằng đó là tên lửa của Nga. Theo Bộ Ngoại giao Nga, đây là hành động khiêu khích có chủ ý của giới truyền thông và quan chức Ba Lan, rằng “tên lửa của Nga” ảnh hưởng đến Przewodow, nhằm khiến tình hình leo thang.
Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh nước này không tiến hành các cuộc không kích ở khu vực giáp ranh giữa Ukraine và Ba Lan. Mảnh vỡ của tên lửa được tìm thấy tại làng Przewodow không liên quan đến Nga.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hiện đang ở Bali cho biết, không có khả năng Nga đã phóng tên lửa rơi xuống Ba Lan. Ông nói: “Tôi không muốn nói như vậy cho đến khi vụ việc được điều tra đầy đủ. Nếu phán đoán theo quỹ đạo, không có khả năng tên lửa được phóng từ Nga, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra.”
Ba Lan, nơi xảy ra vụ nổ, là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hiện lãnh đạo các nước đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia, thời điểm này rất nhạy cảm, nên vụ nổ đã lập tức thu hút sự chú ý trên toàn cầu.
Được biết, các nhà lãnh đạo 7 nước công nghiệp lớn của G7, gồm cả Liên minh châu Âu, đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại Bali.
Ngoài ra, Chính phủ Ba Lan cũng tổ chức một cuộc họp an ninh khẩn cấp và thảo luận về việc có nên kích hoạt Điều 4 trong hiệp ước NATO hay không. Điều khoản này quy định rằng khi toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, độc lập hoặc an ninh của bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào bị đe dọa, các quốc gia thành viên khác sẽ tham khảo ý kiến của nhau.
Hiện tại, Tổng thống Biden và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã liên lạc với Tổng thống Ba Lan Duda. Các nước Âu Mỹ như Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, Canada, Litva, Estonia và Latvia cũng đang hết sức chú ý.
Từ khóa Ba Lan Dòng sự kiện Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine