Báo cáo: Trung Quốc là một trong những quốc gia ít tự do nhất trên thế giới
- Gia Huy
- •
Theo báo cáo thường niên “Tự do trên Thế giới” của tổ chức Freedom House được công bố hôm 24/2, Trung Quốc ngày này được xếp hạng là một trong những quốc gia có mức độ tự do chính trị và tự do ngôn luận thấp nhất trên thế giới.
Trong danh sách 210 quốc gia và lãnh thổ được xếp hạng theo mức độ tự do ngôn luận, quyền tham gia chính trị, và quyền bình đẳng trước pháp luật, Trung Quốc chỉ đạt 9 điểm trên 100, và được xếp vào nhóm “không tự do.”
Điểm của Trung Quốc thấp hơn cả Sudan (10) và Iran (14) và chỉ tương tự các quốc gia: như Libya, Myanmar và Azerbaijan. Xếp hạng của Trung Quốc chỉ cao hơn khoảng chục quốc gia độc tài đứng cuối bảng như Syria (1), Turkmenistan (2), Triều Tiên (3), Eritrea (3), Guinea Xích đạo (5), Cộng hòa Trung Phi (7), và Ả Rập Xê-Út (7).
GIải thích lý do cho mức xếp hạng tệ hại của Trung Quốc, Freedom House nhận định, sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ngày càng trở nên hà khắc trong vài năm qua.
Báo cáo lên án: “ĐCSTQ tiếp tục thắt chặt kiểm soát tất cả các khía cạnh của cuộc sống và quản lý, bao gồm bộ máy hành chính nhà nước, truyền thông, ngôn luận trên mạng, thực hành tôn giáo, các trường đại học, doanh nghiệp và các hiệp hội xã hội dân sự, đồng thời họ đã phá hoại một loạt các cải cách luật pháp trước đó.”
Báo cáo đã chỉ trích cụ thể hành vi của nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tâp Cận Bình: “Nhà lãnh đạo ĐCSTQ kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực cá nhân ở mức độ chưa từng thấy tại Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Các luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền tiếp tục lên tiếng, mặc dù [họ] phải trả một cái giá rất đắt.”
Thực tế chính trị
Báo cáo chỉ trích, người dân Trung Quốc không thể tranh cử hoặc bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử trực tiếp bầu các vị trí lãnh đạo quốc gia. Đại hội toàn quốc của ĐCSTQ bầu ra người lãnh đạo Đảng trong nhiệm kỳ 5 năm. Tất cả các chính sách và hoạt động thực tế của chính phủ Trung Quốc đều phải tuân theo mệnh lệnh của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, người đứng đầu Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 thành viên. Không có gì ngạc nhiên khi ông Tập tiếp tục nhiệm kỳ 5 năm thứ hai với tư cách Tổng bí thư ĐCSTQ tại đại hội 19 của ĐCSTQ vào tháng 10/2019. Có vẽ như ông sẽ tiếp tục nắm giữ vị trí này với nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tại Đại hội toàn quốc tiếp theo của ĐCSTQ sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2022.
ĐCSTQ đã tận dụng tối đa cơ cấu chuyên quyền từ trên xuống dưới này để “độc quyền hóa” tất cả các hoạt động chính trị và để triệt tiêu bất kỳ cạnh tranh thực tế nào. Tám đảng nhỏ không cộng sản có mặt trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), một cơ quan cố vấn chính trị cho ĐCSTQ, phải cúi đầu trước các mệnh lệnh của ĐCSTQ nếu họ muốn tiếp tục tồn tại.
Báo cáo tiếp tục: “Những công dân [Trung Quốc] tìm cách thành lập các đảng chính trị độc lập thực sự hoặc ủng hộ dân chủ hầu như đều phải ngồi tù, bị quản thúc tại gia, hoặc lưu vong.” Năm 2021, các quan chức ĐCSTQ đã giam giữ nhiều luật sư và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ.
Chẳng hạn, ông Xu Zhiyong, nhà sáng lập Phong trào Công dân Mới, đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt giam kể từ tháng 2/2020, theo một cáo trạng chính thức về tội “lật đổ”.
Theo phân tích của báo cáo, việc không có bất kỳ loại cơ chế nào dành cho phe đối lập chính trị ở Trung Quốc đã cho phép ĐCSTQ cai trị đất nước này mà không bị gián đoạn kể từ khi đánh bại Quốc Dân Đảng trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc vào năm 1949.
Báo cáo nhận định, quyền lực chuyên quyền của ĐCSTQ đã cho phép họ thực hiện các chính sách ở Tân Cương, vùng viễn tây Trung Quốc với mục tiêu rõ ràng là làm giảm dân số của các dân tộc thiểu số. Các ví dụ bao gồm giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác trong các trại giam giữ và cưỡng bức lao động. Báo cáo cũng trích dẫn nhiều bài báo nói về việc tra tấn, lạm dụng tình dục, cưỡng bức triệt sản mà ĐCSTQ thực hiện đối với người Duy Ngô Nhĩ cả bên trong và bên ngoài các trại này.
Tự do ngôn luận
Báo cáo nhận xét, phù hợp đặc tính chuyên quyền và đàn áp được đề cập ở trên, ĐCSTQ là một trong những quốc gia có lĩnh vực truyền thông bị hạn chế nhất trên hành tinh này.
ĐCSTQ cũng vận hành một hệ thống rất tinh vi để kiểm duyệt và đàn áp việc đưa tin. Các công cụ của ĐCSTQ trong việc duy trì hệ thống này bao gồm giám sát việc công nhận tư cách nhà báo, sở hữu trực tiếp các tổ chức truyền thông, đồng thời áp đặt các hình phạt hà khắc đối với bất kỳ ai dám chỉ trích ĐCSTQ hoặc các quan chức của đảng này. ĐCSTQ cũng ban hành các chỉ đạo cho các ấn phẩm và trang web liên quan đến việc đưa tin nóng như thế nào.
Ngoài ra, cách quản lý cơ sở hạ tầng viễn thông của ĐCSTQ tạo điều kiện cho chính quyền độc tài trong việc ngăn chặn các trang web, loại bỏ các ứng dụng điện thoại thông minh ra khỏi thị trường, cũng như xóa bỏ các bài đăng trên mạnh xã hội và tài khoản người dùng. Nạn nhân của việc bị chặn trên mạng trong những năm gần đây gồm có YouTube, Twitter, Facebook. New York Times, và hãng thông tấn BBC của Anh.
Gia Huy (Theo The Epoch Times)
Từ khóa tự do Freedom House Báo cáo tự do Dòng sự kiện ĐCSTQ Đàn áp nhân quyền