Bê bối liên quan đến lính Nhật ở Nam Sudan, nữ Bộ trưởng từ chức
- Xuân Thành
- •
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Tư lệnh quân đội nước này hôm Thứ Sáu (28/7) đã từ nhiệm do các cáo buộc họ đã không cung cấp thông tin đúng tới Quốc hội và công chúng về những nguy hiểm mà lính Nhật phải đối mặt trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan.
Tờ New York Times (NYT) cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada và Tư lệnh quân đội, Đại tướng Toshiya Okabe đã nộp đơn từ chức cùng với thời điểm công bố kết quả cuộc điều tra nội bộ về vấn đề lính Nhật làm nhiệm vụ tại Nam Sudan.
Bà Tomomi Inada cảm thấy bối rối trong buổi họp báo sau khi nộp đơn từ chức
Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã chấp nhận đơn từ nhiệm của bà Inada – một đồng minh chính trị thân cận của ông. Ông Abe nói: “Sự chỉ trích nghiêm khắc của người dân Nhật Bản đối với một thành viên nội các là điều tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm cá nhân. Bà ấy bày tỏ mạnh mẽ rằng bà muốn chịu trách nhiệm cá nhân về sự việc đó”.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu có hay không việc các quan chức cao cấp dân sự và quân đội trong chính phủ Abe đã cố tình giữ bí mật thông tin về sự an toàn tại một khu đồn trú của lực lượng Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Nam Sudan. Ở đó, có khoảng 330 binh lính gìn giữ hòa bình Nhật đóng quân.
Một số nhà quan sát cho rằng việc bà Inada và Tướng Okabe xin từ chức lúc này có thể là một cách để ông Abe ngăn chặn sự lan rộng thêm nữa của sự vụ Nam Sudan.
Thủ tướng Nhật cho biết ông Fumio Kishida, Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm sẽ tạm thời kiêm nhiệm thêm vị trí mà bà Inada để lại cho đến khi Nội các được tổ chức lại.
NYT nhận định ông Tetsuro Kuroe, một quan chức dân sự hàng đầu trong Bộ Quốc phòng nhiều khả năng sẽ được cân nhắc giữ chức Bộ trưởng trong buổi họp chính phủ vào tuần tới.
Giáo sư luật hiến pháp tại trường đại học Kobe Gakuin, ông Hiroshi Kamiwaki cho biết: “Thay vì chịu trách nhiệm cá nhân, ông Abe dường như muốn chấm dứt vấn đề bằng cách buộc tội cấp dưới. Vấn đề là mọi người không còn tin tưởng ông ta nữa”.
Theo NYT, Nam Sudan mới giành được độc lập từ nhà nước Sudan vào năm 2011 sau một cuộc nội chiến. Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã trải qua 5 năm cùng lính LHQ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại đây và mới trở về nhà vào tháng Năm vừa qua. Binh lính Nhật Bản chỉ phải đảm đương xử lý các công việc hậu cần và cơ sở hạ tầng có độ rủi ro tương đối thấp.
Tuy nhiên, sứ mệnh quốc tế đó vẫn là vấn đề gây tranh cãi tại Nhật Bản. Hiến Pháp Nhật khước từ chiến tranh và do đó lực lượng gìn giữ hòa bình Nhật Bản hoạt động trong các giới hạn chặt chẽ hơn so với các nước khác. Một trong những giới hạn đó là binh lính Lực lượng Phòng vệ Nhật được cho là chỉ được gửi đến các khu vực không còn hiện hữu xung đột vũ trang.
Chính phủ của ông Abe, chịu áp lực từ các phương tiện truyền thông và các đảng đối lập, đã tranh luận rằng khu vực nơi Lực lượng Phòng vệ đóng quân là hòa bình. Tuy nhiên, các hồ sơ lưu giữ bởi các binh lính ở thực địa đã vẽ một bức tranh khác biệt hoàn toàn, trong đó nêu rõ về thực trạng chiến đấu xung quanh khu đồn trú và sự hỗn loạn trong lực lượng LHQ.
Đó là một vấn đề nan giải đối với ông Abe, người đã ủng hộ mạnh mẽ sứ mệnh gìn giữ hòa bình, phù hợp với kế hoạch của ông về việc tìm kiếm một vai trò tích cực hơn cho Nhật Bản trong các vấn đề an ninh quốc tế. Chính phủ Abe đã thông qua một đạo luật vào năm 2015 cho phép Lực lượng Phòng vệ tham gia vào cuộc chiến ở bên ngoài Nhật Bản trong những tình huống giới hạn và đã đề xuất sửa đổi Hiến pháp để nới lỏng các ràng buộc.
Thay vì tiết lộ các hồ sơ nội bộ từ Nam Sudan, bà Inada ban đầu nói với Quốc hội rằng chúng đã bị hủy bỏ. Sau đó, bà đảo ngược lại lời nói của bản thân làm gia tăng các cáo buộc nữ Bộ trưởng Quốc phòng này đã cố tình che đậy sự thật.
Tuy vậy, báo cáo của Bộ Quốc phòng vừa công bố hôm thứ Sáu (28/7) đã kết luận rằng không có bằng chứng cho thấy bà Inada biết rằng các hồ sơ vẫn còn nguyên trạng, mặc dù báo cáo cũng cho biết “không thể phủ nhận khả năng” rằng bà Inada đã được thông báo bởi cấp dưới về sự tồn tại của các hồ sơ này.
Tại một cuộc họp báo sau khi từ chức, bà Inada đã phủ nhận việc mình cố tình giữ bí mật thông tin, nhưng cũng nói rằng bà cảm thấy mình phải “chịu trách nhiệm chính yếu” cho sự việc này.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Nhật Bản Shinzo Abe