Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 19/6, các quốc gia thuộc khối ASEAN ghi nhận thêm khoảng 30.690 ca mắc COVID-19 mới và 534 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 4.508.446 ca, trong đó có khoảng 87.371 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh: Par Adirach Toumlamoon/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, ASEAN có 6 quốc gia ghi nhận các ca tử vong do COVID-19, trong đó Indonesia (248 ca), Philippines (153 ca), Malaysia (72 ca), Thái Lan (32 ca), Campuchia (20 ca) và Myanmar (7 ca).

Tại Indonesia, trong ngày 19/6, nước này đang dẫn đầu khối về lây nhiễm mới với 12.906 ca nhiễm. Indonesisa tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, với tổng cộng khoảng 1.976.172 ca bệnh và 54.291 ca tử vong.

Tại Philippines, quốc gia này ghi nhận 6.959 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 1.353.220, bao gồm 23.538 người tử vong.

Tại Malaysia, nước này ghi nhận 5.911 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên khoảng 691.115, trong đó có 5.911 ca tử vong.

Tại Thái Lan, trong ngày 19/6, nước này chứng kiến 3.667 ca nhiễm mới.

Tại Campuchia, quốc gia ghi nhận 471 ca nhiễm mới và 20 ca tử vong mới trong ngày 19/6. Cho đến nay, Campuchia đã ghi nhận 42.052 ca mắc COVID-19 và 414 ca tử vong. Nước này cũng phát hiện 7 ca đầu tiên mắc biến thể mới của virus corona vốn xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Đây là các ca nhập cảnh từ Thái Lan.

Ngày 19/6, trang Facebook cá nhân của Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết người đứng đầu Chính phủ Campuchia đã hủy tất cả kế hoạch các cuộc họp trực tiếp, trong đó có cuộc gặp với quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Anh, dự kiến diễn ra ngày 23/6 tới tại Cung Hòa Bình (thủ đô Phnom Penh).

Trên trang Facebook cá nhân, ông Hun Sen cho biết ông đã có tiếp xúc không trực tiếp với bệnh nhân nhiễm COVID-19. Do đó, các bác sĩ đã  yêu cầu ông phải tự cách ly trong vòng 14 ngày. Tuy nhiên, ông khẳng định mặc dù một số cuộc gặp bị hủy song ông vẫn có thể làm việc từ xa với tất cả các bên qua hội đàm trực tuyến.

Trước diễn biến phức tạp trên, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thận trọng hơn nữa và thực hiện nghiêm túc biện pháp “3 Không – 3 Bảo vệ”. Bộ Y tế yêu cầu các cá nhân trong diện bắt buộc phải tiêm chủng tuân thủ nguyên tắc tiêm chủng trong 14 ngày để phòng lây nhiễm trong cộng đồng trên diện rộng. Bộ trên cũng kêu gọi người dân không tập trung ăn uống hoặc tụ tập đông người như đám cưới, tổ chức lễ, giỗ, mừng thọ…không đến chỗ chật hẹp và sử dụng nhiều điều hòa nhiệt độ, giảm hoạt động đi lại, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết.

Campuchia đang trải qua làn sóng thứ 3 của dịch COVID-19 lây nhiễm trong công đồng kể từ ngày 20/2. Trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan, quốc gia Đông Nam Á này đã cho đóng cửa tất cả trường học, trung tâm thể dục thể thao, nhà hàng, rạp chiếu phim và các trung tâm giải trí trên toàn quốc. Bên cạnh đó, nước này cũng đang nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, vốn được khởi động từ ngày 10/2. Tới nay, đã có 5,92 triệu vắc-xin COVID-19 đã được tiêm cho người dân Campuchia, với 2,66 triệu người đã được tiêm đủ liều.

Tại Lào, trong ngày 19/6, nước này đã quyết định gia hạn chỉ thị số 15/TTg ra ngày 21/4 của Thủ tướng nước này, tiếp tục kéo dài thời hạn phong tỏa đến ngày 4/7 để ngăn làn sóng COVID-19 vốn đang có nhiều diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành.

Có hiệu lực từ ngày 20/6 và kéo dài đến ngày 4/7, chỉ thị 15 quyết định phong tỏa thủ đô Viêng Chăn do Lào vẫn ghi nhận các ca nhiễm cộng đồng ở khu vực này, trong khi đó biến chủng mới nguy hiểm đang lây lan nhanh ở các nước láng giềng. Bên cạnh đó, tình trạng chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định khiến dịch vẫn còn nguy cơ bùng phát trong cộng đồng.

Tuy nhiên, để giảm tác động kinh tế và đời sống, Chính phủ Lào đã xem xét nới lỏng thêm một số quy định để hỗ trợ phục hồi một số lĩnh vực kinh tế. Chính phủ sẽ cho phép mở cửa trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ thực phẩm tươi sống; hoạt động tập thể dục ngoài trời ở những điểm công cộng và các môn thể thao không tiếp xúc. Ở ngoài vùng đỏ, Lào cho mở cửa lại quán cắt tóc; cho phép quán ở phục vụ tại chỗ tổ chức hội họp không quá 50 người, hoạt động đánh bắt cá trên các tuyến sông dọc biên giới nhưng phải dưới sự giám sát của chính quyền; cho phép mở lại trường học ở các tỉnh không có dịch lây nhiễm cộng đồng. Ngoài ra, Lào cũng cho mở lại các điểm du lịch, khu ẩm thực, trung tâm làm đẹp ngoài vùng đỏ, nhưng yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống lây nhiễm virus.

Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh được nối lại tại các vùng không có lây nhiễm cộng đồng. Người từ Viêng Chăn muốn di chuyển ra ngoại tỉnh cần có chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vắc-xin COVID-19 để không phải cách ly 14 ngày.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh,  Bộ Y tế nước này trưa 19/6 cho biết đã ghi nhận 3 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đến nay là 2.050 trường hợp; trong đó có 2 ca cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại các tỉnh khác.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: