Châu Á tìm cách lập đồng minh chống Trung Quốc
Một số quốc gia Châu Á đang tìm cách thiết lập khối đồng minh không chính thức để tự mình chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, trong bối cảnh chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong khu vực này chưa rõ ràng, các nguồn tin ngoại giao nói với Reuters ngày 4/6.
Các quốc gia này bao gồm Úc, Nhật, Ấn Độ và Việt Nam. Reuters cho hay các nước này đang âm thầm xúc tiến các cuộc đàm phán và hoạt động hợp tác, đồng thời thận trọng không làm Bắc Kinh tức giận. Vẫn chưa có tiếng nói nào về một khối đồng minh chính thức, nguồn tin ngoại giao cho hay.
Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh Châu Á, Thủ tướng Úc Malcom Turnbull nói: “Trong một thế giới mới táo bạo, chúng ta không thể trông chờ vào các siêu cường để bảo đảm lợi ích của mình.
Chúng ta phải tự chịu trách nhiệm cho an ninh và sự thịnh vượng, trong khi đó, một điều cần nhìn nhận là ta mạnh mẽ hơn khi chia sẻ gánh nặng lãnh đạo tập thể với các đối tác và bạn hữu mà ta tin cậy“.
Thông điệp này của ông Turnbull được nhắc lại nhiều lần trong Hội nghị kéo dài 3 ngày, kết thúc vào Chủ nhật 4/6.
Reuters nhận định các quan chức khu vực ngày càng ít tin tưởng vào khả năng có thể chờ đợi từ tân chính quyền Hoa Kỳ, đặc biệt là sau khi ông Trump tuyên bố rút khỏi TPP. Tuy nhiên, Bộ trưởng an ninh Mỹ James Mattis đã tới Shangri-La và đảm bảo duy trì an ninh trong khu vực này, đồng thời phản đối Trung Quốc quân sự hoá biển Đông.
Tuy nhiên lãnh đạo các nước này nói rằng họ lo ngại về tính cách bất thường của ông Trump, nhất là sau cuộc gặp Trum – Tập hồi tháng 4, Tổng thống Mỹ đã nhiều lần khen ngợi Tập Cận Bình.
“Chúng tôi tin ông Mattis và ông Harris (Tổng tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương), nhưng còn ở tầng lãnh đạo trên cùng thì sao? Khoảng trống của sự tin tưởng là rất rộng”, một quan chức quân sự giấu tên nói.
“Sự lo ngại của chúng tôi bị tăng cường bởi thực tế là chỉ có Mỹ đủ mạnh để vạch lằn ranh đỏ với Trung Quốc“.
Trong khi đó Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nói Châu Á vẫn đang cố gắng lý giải chính sách đối ngoại của ông Trump trong khu vực này.
Bộ trưởng Quốc phóng Singapore Ng Eng Hen xác nhận các nước tham gia sẽ tăng tốc hợp tác, nhưng ông cũng hoan nghênh sự đảm bảo của tướng Mattis.
“Các nước nhìn vào bối cảnh này và điều chỉnh, đó là việc mà giới lãnh đạo phải làm… bạn phải đặt bản thân vào tình huống mà nếu có thay đổi, bạn cũng không hoàn toàn bị bất ngờ“, ông Ng nói.
Tim Huxley, chuyên gia an ninh tại Châu Á, trong một bài viết tuần trước đã cho rằng các quốc gia trong khu vực phải tăng cường khả năng trao đổi, vận hành tài nguyên quân sự với nhau trong khi cán cân quyền lực trong khu vực đang thay đổi.
“Trong bối cảnh mọi thứ không chắc chắn, hầu hết các nước trong khu vực đang tìm cách gia tăng khả năng quân sự của mình“, ông Huxley viết.
Trung Quốc cũng gửi một phái đoàn cấp thấp tới Shangri-La năm nay, nhưng việc họ làm chủ yếu là quan sát. Quan chức Trung Quốc cũng lên tiếng cảnh báo “tư duy Chiến tranh lạnh” đằng sau động thái thiết lập khối đồng minh không chính thức này.
“Lập khối đồng minh để kiềm chế Trung Quốc là tư duy của thời Chiến tranh Lạnh. Nó tạo ra một mối đe doạ nào đó, mà việc coi Trung Quốc là mối đe doạ là một sai lầm to lớn“, một đại tá quân đội Bắc Kinh nói.
Đức Trí (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc tranh chấp biển Đông châu Á