Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ chỉ thẳng Nga, Trung Quốc là các địch thủ hàng đầu
- Xuân Thành
- •
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis hôm thứ Sáu (19/1) đã công bố Chiến lược Quốc phòng (NDS) trong 10 năm tới của Mỹ, trong đó nêu rõ không phải chủ nghĩa khủng bố, mà Nga và Trung Quốc mới là các mối đe dọa hàng đầu.
This is our nation’s first #NationalDefenseStrategy in 10 years.
Today, America’s military reclaims an era of strategic purpose. Great power competition – not terrorism – is now the primary focus of U.S. National security. pic.twitter.com/PU2XcRVplu— U.S. Dept of Defense (@DeptofDefense) January 19, 2018
Bản chiến lược quốc phòng 11 trang do Tướng James Mattis ký cho thấy chính quyền Trump đang áp dụng một đường lối cứng rắn đối với Nga và Trung Quốc, ngay cả khi Tổng thống Donald Trump đã và đang kêu gọi xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn với hai cường quốc này.
Trong bài phát biểu công bố chiến lược mới, Bộ trưởng James Mattis cho hay: “Chúng ta đang đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng từ các cường quốc xét lại khác như Trung Quốc và Nga…các quốc gia mưu cầu tạo ra một thế giới phù hợp với mô hình độc tài của họ”.
>>Tướng Mỹ gọi Trung Quốc là lực lượng gây rối, khuyên Việt Nam mạnh mẽ hơn
Bản chiến lược cũng nhấn mạnh nước Mỹ phải thúc đẩy yêu cầu chi tiêu quốc phòng tương lai, đưa ra chiến lược của Bộ Quốc phòng “để cạnh tranh, ngăn chặn và giành chiến thắng” trong môi trường an ninh phức tạp.
Nội dung của NDS lưu ý rằng: “Trung Quốc là địch thủ chiến lược đang sử dụng kinh tế ăn cướp để dọa nạt các nước láng giềng, đồng thời quân sự hóa các hòn đảo [chiến lược] trên biển Đông”.
Tài liệu của Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng chỉ ra rằng: “Nga đã xâm phạm biên giới của các nước lân cận và theo đuổi quyền phủ quyết đối với các quyết định về kinh tế, ngoại giao và an ninh của các nước láng giềng”.
Trong những năm qua Nga luôn gia tăng sức ép lên các nước lân cận, đỉnh điểm là việc Moscow năm 2014 đã xâm lược và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào Nga. Kremlin cũng ủng hộ quân sự cho chính quyền Bashar Assad trong cuộc nội chiến tại Syria.
Trong khi đó, Trung Quốc đã gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới và quân đội của họ tiếp tục hướng ra bên ngoài, tăng cường bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Thái Bình Dương. Các báo cáo mới còn cho thấy chế độ Bắc Kinh sẽ sớm xây dựng một căn cứ quân sự ở Afghanistan.
Ngoài việc chỉ rõ Nga và Trung Quốc là các địch thủ hàng đầu, chiến lược quốc phòng mới của Mỹ cũng nhấn mạnh Bắc Hàn và Iran là các mối đe dọa khác, trong đó lưu ý “các hành động ngoài vòng pháp luật và hùng biện liều lĩnh của Bình Nhưỡng” sẽ đòi hỏi Washington phải tập trung hơn vào hệ thống phòng thủ tên lửa.
Đề cập về các mối đe dọa này, Tướng Mattis cho biết: “Các chế độ lưu manh như Bắc Hàn và Iran vẫn kiên trì thực hiện các hành động ngoài vòng pháp luật, đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu. [Không những] đàn áp chính nhân dân mình, xóa bỏ phẩm giá và nhân quyền của người dân trong nước, họ còn thúc đẩy các quan điểm bại hoại đó ra ngoài biên giới”.
Trong NDS lần này, Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ rõ Nhà nước Tự xưng (IS) tại Iraq và Syria không còn là mối đe dọa an ninh hàng đầu nữa do đã bị đánh bại hồi cuối năm 2017, nhưng đây vẫn duy trì là một trở ngại an ninh mà Washington cần lưu tâm.
>>98% lãnh thổ do IS kiểm soát được giải phóng dưới thời ông Trump
Tướng Mattis nói rằng: “Các tổ chức cực đoan bạo lực như IS hay Hezbollah ở Li Băng hay al-Qaeda tiếp tục gây hận thù, phá hoại hoà bình và giết người vô tội trên toàn cầu”.
Vị Tướng 4 sao về hưu cũng cảnh báo rằng lợi thế cạnh tranh của quân đội Mỹ “đã xói mòn trên mọi bình diện chiến sự như trên không, mặt đất, biển, không gian vũ trụ, không gian mạng và nó vẫn đang tiếp tục xói mòn”.
Tướng Mattis cho rằng sự xói mòn lợi thế cạnh tranh quân sự của Mỹ thời gian qua một phần là do giới hạn chi tiêu quốc phòng trong suốt 9 năm qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: “Tôi phải nói rõ rằng, với sự cứng rắn của quân đội chúng ta trong 16 năm qua, không kẻ thù nào đã làm được gì nhiều để gây tổn hại cho sự sẵn sàng của quân đội Mỹ hơn là do chính tác động kép của việc cắt giảm chi tiêu và thiếu ngân quỹ quốc phòng dài hạn”.
Tướng Mattis cũng nói rõ rằng Bộ Quốc phòng sẽ “hiện đại hóa các khả năng quan trọng, thừa nhận rằng chúng ta không thể hy vọng thành công trong các cuộc xung đột ngày mai với vũ khí và thiết bị của ngày hôm qua”.
Liên minh quốc tế do Mỹ dẫn dắt cũng là một phần quan trọng trong chiến lược quốc phòng mới, nhưng Tướng Mattis lưu ý việc các đồng minh của Mỹ phải cùng chia sẽ gánh nặng phòng vệ là cần thiết.
“Chúng ta mang theo một phần không cân xứng của gánh nặng phòng vệ sau Thế chiến II. Sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của các nền dân chủ và đối tác ngày nay đòi hỏi họ phải bước lên và làm nhiều hơn”, Tướng Mattis nêu rõ.
Sau khi bản Chiến lược Quốc phòng mới được Bộ trưởng James Mattis công bố, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện John McCain đã nói rằng chiến lược này “có được những quyết định đúng đắn, ưu tiên những mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt và đưa ra những định hướng rõ ràng để thực hiện những lựa chọn khó khăn”.
Tuy nhiên, ông McCain cũng cảnh báo rằng Quốc hội Mỹ phải “ngay lập tức đạt được thỏa thuận ngân sách lưỡng đảng để cung cấp ngân sách cần thiết cho việc thực hiện chiến lược này”.
Đây là Chiến lược Quốc phòng đầu tiên mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố cho 10 năm tới. Trước văn bản này, Bộ Quốc phòng đã từng phát hành Đánh giá Quốc phòng Bốn năm vào năm 2014, phân tích về các mục tiêu và mối đe dọa an ninh tiềm ẩn.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa James Mattis chính trị Mỹ Chiến lược Quốc phòng Quan hệ Mỹ - Trung Quan hệ Mỹ - Nga