Chính phủ Tây Ban Nha sẽ đình chỉ quyền tự trị của Catalonia
- Yên Sơn
- •
Khủng hoảng tại Catalonia đang leo thang đến mức cực kỳ nguy hiểm khi các bên không tìm được lối thoát cho vấn đề độc lập. Hôm thứ Năm (19/10), chính quyền Tây Ban Nha đã tuyên bố sẽ đình chỉ quyền tự trị của xứ Catalonia.
Người dân Catalonia biểu tình đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha
Thứ Năm (19/10) là thời điểm hết hạn 5 ngày cho việc chính quyền Catalonia phải hủy bỏ kết quả trưng cầu dân ý độc lập theo tối hậu thư của chính quyền trung ương Tây Ban Nha. Tuy nhiên lãnh đạo khu tự trị vẫn tuyên bố có thể sẽ để nghị viện Catalonia bỏ phiếu chính thức về tuyên bố độc lập nếu chính quyền trung ương tiếp tục “đàn áp”. Ngay lập tức, Thủ thướng Mariano Rajoy tuyên bố sẽ kích hoạt điều 155 của Hiến pháp quốc gia để đình chỉ quyền tự trị của Catalonia, theo BBC.
>>Khủng hoảng Catalonia: Thủ tướng Tây Ban Nha ra tối hậu thư cho các lãnh đạo ly khai
Ngoại giới quan ngại rằng động thái cứng rắn của cả chính quyền trung ương và khu tự trị nêu trên có thể thổi bùng lên những bất ổn hơn nữa sau khi đã có những cuộc biểu tình quy mô lớn từ trước và sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10.
Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố sẽ kích hoạt điều 155 của Hiến pháp là điều chưa có tiền lệ. Điều khoản này được thiết lập vào năm 1978, tức 3 năm sau khi nhà độc tài quân đội Francisco Franco qua đời. Điều 155 cho phép chính quyền Madrid đình chỉ quyền tự trị của xứ Catalonia và trực tiếp điều hành khu vực này.
Trong tuyên bố phát đi hôm 19/10, chính phủ cho hay: “Không ai nghi ngờ rằng chính phủ Tây Ban Nha sẽ làm tất cả những gì có thể để khôi phục lại trật tự hiến pháp”.
Điều gì sẽ xảy ra tại Catalonia?
Thủ tướng Mariano Rajoy cho biết vào thứ Bảy (21/10) tới, chính phủ Tây Ban Nha quyết định danh sách các biện pháp cụ thể để chuyển quyền điều hành từ chính quyền Catalonia sang Madrid.
Theo BBC, mức độ của các biện pháp này vẫn chưa được thông tin rõ ràng, nhưng có thể bao gồm việc kiểm soát cảnh sát khu vực, hoặc thậm chí kêu gọi một cuộc bầu cử nhanh.
Ông Xavier Arbós, chuyên gia về hiến pháp thuộc Đại học Barcelona, nói với BBC rằng: “Chúng tôi không biết chính xác những gì mà chính phủ Tây Ban Nha có thể ban hành”.
“Chúng tôi không biết quyền hạn của chính quyền Catalonia có thể bị ảnh hưởng như thế nào”.
Thượng viện Tây Ban Nha, cơ quan lập pháp đang do đảng Popular Party của Thủ tướng Rajoy và các đảng liên minh kiểm soát, sẽ phải phê duyệt danh sách các biện pháp áp đặt lên xứ Catalonia.
Các nhà phân tích nói rằng Điều 155 không cho phép chính phủ có quyền đình chỉ hoàn toàn quyền tự chủ của khu tự trị, và chính quyền cũng sẽ không thể đi chệch khỏi danh sách các biện pháp mà Thượng viện thông qua.
Trong khi đó, lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont vẫn kiên định với lập trường ly khai khỏi Tây Ban Nha. Ông Puigdemont cho hay: “Nghị viện Catalonia có thể tiến hành bỏ phiếu về tuyên bố độc lập chính thức trong trường hợp được cho là cần thiết”.
Tuy nhiên, chủ trương của ông Puigdemont và những người ủng hộ Catalonia độc lập sẽ gặp nhiều khó khăn khi chính phủ Tây Ban Nha sắp tới sẽ lấy lại quyền kiểm soát tài chính, lực lượng cảnh sát và giải tán nghị viện Catalonia.
Lãnh đạo EU tuyên bố không can dự vào Tây Ban Nha
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã bác bỏ hoàn toàn bất kỳ hành động nào của Liên minh Châu Âu (EU) đối với Catalonia, mặc dù cũng bày tỏ “quan ngại” về tình huống hiện nay.
Ông Tusk cho hay: “Không có chỗ trống, không có không gian cho bất kỳ loại hình trung gian hòa giải hoặc sáng kiến hay hành động quốc tế nào”.
Những phát ngôn trên của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu được đưa ra trong một cuộc họp báo chung cùng Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker sau một Hội nghị của Hội đồng Châu Âu và chỉ vài giờ sau khi chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố họ sẽ bắt đầu kích hoạt tiến trình áp đặt quyền điều hành trực tiếp lên khu tự trị Catalonia.
“Tôi đương nhiên vì nhiều lý do vẫn sẽ liên lạc thường xuyên với Thủ tướng (Tây Ban Nha) Mariano Rajoy. Không có gì phải che giấu rằng tình hình ở Tây Ban Nha đang rất đáng quan ngại, nhưng vị trí của chúng tôi [EU] …là rõ ràng”, ông Tusk nói thêm.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu cũng khẳng định vấn đề Catalonia “không nằm trong nghị trình làm việc” của Hội nghị Hội đồng Châu Âu.
Các lãnh đạo khác của EU, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền trung ương Tây Ban Nha.
Tổng thống Nga Putin “mượn gió bẻ măng”
Trong khi đó, BBC cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng Catalonia hiện nay đã bộc lộc rõ thói đạo đức giả của phương Tây – ủng hộ một số phong trào ly khai, nhưng lại phản đối một số khác.
Ông Putin lập luận rằng các quốc gia phương Tây đã từng ủng hộ Kosovo ly khai khỏi Serbia – một đồng minh của Nga, nhưng lại phản đối quyền được độc lập của xứ Catalonia và người Kurd ở Iraq.
Tổng thống Nga nhân đây cũng nói lại vấn đề nhiều quốc gia phản đối Moscow sáp nhập lãnh thổ Crimea vào Nga năm 2014 và cho tới nay vẫn đang duy trì các chế tài kinh tế chống lại Điện Kremlin.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Catalonia độc lập Tây Ban Nha