Chính quyền Biden mềm mỏng sẽ là hiểm họa xung đột quân sự Mỹ – Trung 2021
- Thẩm Đan
- •
Gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cho thấy giảm số lượng máy bay quân sự quấy rối eo biển Đài Loan, nhưng động thái khác thường ngày 23/1 có thể nhằm cố ý thử phản ứng của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Đây cũng có thể xem là tín hiệu cho thấy ĐCSTQ đang chuẩn bị cho một cuộc phản công quân sự, nếu Mỹ có thể kịp thời tiếp tục răn đe mạnh mẽ thì nên sớm hành động; nếu Mỹ do dự hoặc thậm chí rút lui, ĐCSTQ có khả năng ngày càng lấn tới thì nguy cơ xung đột quân sự Mỹ – Trung vào năm 2021 sẽ tăng lên đáng kể.
Mức độ bất thường trong ngày 23/1
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Đài Loan về diễn tiến những hành động quấy rối của ĐCSTQ đối với Đài Loan trong thời gian khoảng một tuần trước ngày nhậm chức Tổng thống Mỹ: từ ngày 15/1 – 17/1 mỗi ngày điều động 1 đợt máy bay quân sự Yun-8, ngày 18/1 điều động 3 đợt máy bay quân sự Yun-8, ngày 19/1 điều động 1 đợt máy bay quân sự Yun-8, ngày 20/1 điều một máy bay trinh sát Yun-8, ngày 21/1 (tức là ngày 20/1 theo giờ Mỹ, ông Biden nhậm chức Tổng thống) thì ĐCSTQ có động thái lạ khi không cử máy bay quân sự quấy rối Đài Loan, ngày 22/1 Trung Quốc chỉ xuất động một đợt máy bay đối phó điện tử Yun-9…
Như vậy trong hoạt động răn đe Đài Loan này khoảng một tuần qua, Trung Quốc chưa từng điều động máy bay ném bom hay máy bay chiến đấu, còn ngày 21/1 (20/1, giờ Mỹ), dường như “nể mặt” ông Biden nên không huy động máy bay quân sự nào gây rối. Tuy nhiên, động thái ngày 23/1 rõ ràng là rất bất thường, ngay sau ngày 21/1 khi ĐCSTQ tuyên bố lệnh trừng phạt 28 quan chức Mỹ (bao gồm cựu Ngoại trưởng Pompeo) dưới chính quyền thời TT. Trump, đến ngày 23/1 cuối cùng đã có hành động quân sự đầy manh động.
Các động thái chính của ĐCSTQ có thể cố tình chọn thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ nhậm chức để dò phản ứng của Mỹ như thế nào. Dĩ nhiên hành động như vậy không chỉ nhằm thử Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mà còn thử Biden và chính quyền của ông, không khác gì hành động khiêu khích quân sự, mức độ khá nguy hiểm.
Giới chóp bu ĐCSTQ đang đưa ra đánh giá sai lầm
Ông Biden nhậm chức, ông Trump giải nhiệm, vẫn chưa thể xác định được hướng đi của quan hệ Mỹ – Trung sẽ như thế nào. Theo logic thông thường, rõ ràng ĐCSTQ hy vọng rằng sau khi ông Biden nhậm chức có thể đảo ngược lại chính sách chia tách với Trung Quốc dưới thời ông Trump, cho nên ĐCSTQ cố gắng xoa dịu và tránh xung đột, đặc biệt là xung đột quân sự. Nhưng đây không phải là logic của thế lực muốn bành trướng quyền lực.
Trong 4 năm cầm quyền thời TT. Trump đã phát động một cuộc phản công chiến lược toàn diện chống lại chế độ ĐCSTQ đang thúc đẩy xâm nhập và mở rộng trên mọi phương diện, đạt đến đỉnh điểm vào năm 2020, đặc biệt đã áp dụng chiến lược răn đe quân sự mạnh mẽ buộc ĐCSTQ phải chuyển hướng từ bành trướng quân sự thành phòng thủ chiến lược. Sau khi ông Trump giải nhiệm, nếu giới chóp bu ĐCSTQ nhận thấy Mỹ không duy trì chiến lược phản công thì sẽ nhanh chóng quay trở lại cuộc tấn công chiến lược, và việc tiếp tục mở rộng quân sự là điều gần như không thể tránh khỏi, trường hợp này có thể trở thành nguồn gốc xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Động thái “nóng ruột” vào ngày 23/1 của ĐCSTQ nhằm dò thử tình hình là như vậy.
Trong quá khứ, chính quyền TT. Trump không những không né tránh chiến tranh mà ở một mức độ nào đó dường như tìm kiếm chiến tranh, kết quả là đã răn đe ĐCSTQ đến mức tối đa và thực sự làm giảm nguy cơ xung đột quân sự. Một chiến lược răn đe như vậy đã phát huy hiệu quả.
Nếu ông Biden không tiếp tục chiến lược răn đe quân sự như thời ông Trump, hoặc ở một mức độ nào đó thể hiện tư thế né tránh chiến tranh, thì không những khó tiếp tục răn đe ĐCSTQ mà ngược lại sẽ khích lệ tham vọng và đánh giá sai lầm của ĐCSTQ. Giới chóp bu ĐCSTQ đang dò thử điểm giới hạn của phía Mỹ, nếu quân đội Mỹ phản ứng chậm hoặc không thể phản ứng mạnh mẽ, có khả năng ĐCSTQ sẽ tiếp tục lấn tới và nguy cơ xung đột quân sự sẽ tăng lên.
Liệu chiến lược quân sự hiệu quả của Mỹ có được tiếp tục duy trì?
Những người được đề cử thành viên nội các Biden về cơ bản hiểu ĐCSTQ là thách thức lớn nhất, nhưng trong cách đối phó với chế độ ĐCSTQ, nhóm của ông Biden đã không cho thấy xu hướng tiếp tục chiến lược thời ông Trump. Ứng viên Ngoại trưởng Tony Blinken cũng tỏ rõ sự không đồng tình với nhiều biện pháp thời ông Trump. Liệu chính quyền mới của Mỹ có thể tiếp tục duy trì thế trận áp lực cao trong quân sự hay không là vấn đề dự tính sẽ sớm thấy được.
Hiện nay chính sách Trung Quốc của ông Biden vẫn còn chưa rõ ràng, bất kể có liên quan đến vụ bê bối của con trai ông hay không, nhưng quyết định quay trở lại Hiệp định Khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phản ánh rằng Tổng thống Biden đã sẵn sàng hợp tác với ĐCSTQ trong một số lĩnh vực nhất định, và như vậy có vẻ xu thế tách rời với ĐCSTQ thời Tổng thống Trump dường như sẽ không còn. Có thể xu thế chính phủ mới của Mỹ hiện nay sẽ được ĐCSTQ xem như tương đương với việc từ bỏ chiến lược phản công toàn diện, như vậy chắc chắn sẽ khiến các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đánh giá sai lầm và sớm quay trở lại con đường bành trướng mạnh mẽ.
Ngay đầu năm, Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã nhấn mạnh về công tác chuẩn bị chiến tranh, Iran và Triều Tiên cũng đang hợp tác với ĐCSTQ một cách cao độ nhằm kiềm chế sức mạnh của Mỹ, trong khi ông Biden cũng đang chuẩn bị trở lại “Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran”. Hiện nay ĐCSTQ đã trực tiếp hành động.
Nếu ông Biden cần ĐCSTQ hợp tác trong vấn đề Iran và Triều Tiên thì rất dễ quay trở lại thời con đường cũ thời ông Obama. Chính thời ông Obama, ĐCSTQ đã hoàn thành việc triển khai các đảo và bãi đá ngầm quân sự ở Biển Đông, cũng như thế trận ở Biển Hoa Đông, còn eo biển Đài Loan lại càng trở thành vùng quan trọng giúp cho tham vọng của ĐCSTQ thuận lợi trong đột phá chuỗi đảo đầu tiên. Thời điểm đó, ông Obama cũng như phó tướng Biden đã không đưa ra được các biện pháp đối phó hiệu quả, hay nói cách khác đều bị giới chóp bu ĐCSTQ coi thường. Năm 2016, trước khi ông Obama giải nhiệm đã tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Trung Quốc, lúc đó thậm chí ĐCSTQ còn không chuẩn bị thang cho ông Obama xuống máy bay.
Trong 4 năm qua, giới chóp bu ĐCSTQ rất kiêng dè Tổng thống Trump. Vào tháng 11/2017, ông Trump được Chủ tịch Tập Cận Bình mời đến Tử Cấm Thành. Trong cuộc chiến thương mại năm 2018 và 2019, ông Tập Cận Bình nhiều lần tìm kiếm hòa bình với ông Trump. Vào đầu năm 2020, ông Tập Cận Bình buộc phải ký kết giai đoạn đầu tiên của hiệp định thương mại; sau đó Mỹ và Trung Quốc đã hoàn toàn chia tách và rồi ĐCSTQ hoàn toàn về thế thủ sau một loạt các biện pháp trừng phạt và áp lực quân sự của Mỹ.
Thời chính quyền Tổng thống Trump đã mở rộng sức mạnh quân sự, đã áp dụng biện pháp răn đe quân sự công khai và rõ ràng nhằm ngăn chặn tham vọng bành trướng quân sự của ĐCSTQ. Trước khi rời nhiệm sở, ông Trump cũng giải mật 3 nguyên tắc phòng thủ chuỗi đảo đầu tiên, cho thấy một chiến lược hiệu quả để đối phó với ĐCSTQ. Hiện nay chính quyền ông Biden vẫn chưa làm rõ liệu có nên tiếp tục một chiến lược áp lực tương tự hay không, cho nên ĐCSTQ đang dò thử tình hình.
Nếu Mỹ đưa quân trở lại Trung Đông
Thời chính quyền TT. Trump đã cho rút quân khỏi Trung Đông và Afghanistan, giúp Israel hòa giải với các nước láng giềng và thành lập một liên minh tại khu vực nhằm kiềm chế Iran, chiến lược không thỏa hiệp với Iran này cũng có hiệu quả. Chính quyền thời TT. Trump cũng đang chuẩn bị tập trung lực lượng để đối phó với ĐCSTQ và đã làm ĐCSTQ hoảng sợ.
Hiện nay ông Biden sẽ quay lại “Thỏa thuận hạt nhân Iran” và “Thỏa thuận khí hậu Paris”, đồng thời hủy bỏ ngay dự án đường ống dẫn dầu từ Canada đến Mỹ, còn triển vọng về dầu đá phiến của Mỹ cũng đáng lo ngại, cho thấy khả năng Mỹ sẽ lại phải nhập một lượng lớn dầu từ Trung Đông. Nếu quyết định chiến lược như vậy thì có thể Mỹ sẽ một lần nữa phân chia lực lượng sang Trung Đông.
Trong ngày đầu tiên nhậm chức (22/1), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc điện đàm ngắn với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ đề cập đến sự hợp tác giữa hai bên và cũng nói về hành động ở Iraq và Afghanistan.
Trải nghiệm nổi tiếng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin là từng hai lần chỉ huy quân đội Mỹ ở Iraq. Nếu quân đội Mỹ sẵn sàng quay trở lại Trung Đông, ĐCSTQ và Iran sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết, và tổ chức khủng bố mà ĐCSTQ bí mật hỗ trợ cũng sẽ lợi dụng tình hình này để gây rối loạn quân đội Mỹ ở mức tối đa. Liệu có thể tập trung lực lượng để đối phó với ĐCSTQ hay không sẽ là bài kiểm tra nhận thức và năng lực của chính quyền mới thời Tổng thống Biden và tân Bộ trưởng Quốc phòng.
Bài học từ cuộc chiến Mỹ-Trung vừa qua
Năm 1945, Mỹ giúp Trung Quốc đánh bại Nhật Bản, giúp Trung Quốc kháng chiến thắng lợi, sau đó ĐCSTQ lập tức phát động nội chiến và giành chính quyền vào năm 1949. Mỹ không muốn can thiệp vào cuộc nội chiến Trung Quốc, không muốn giúp đỡ chính phủ Quốc dân đảng, và không muốn bảo vệ Đài Loan; Mỹ cũng không muốn nổ ra chiến tranh với Liên Xô cũ, và cũng đã rút khỏi Bán đảo Triều Tiên. Khi quân đội Mỹ buộc phải quay trở lại bán đảo Triều Tiên vào năm 1950, đã không ngờ rằng đối thủ chính là quân đội ĐCSTQ.
Bài học của chiến tranh Triều Tiên rất thấm thía, Mỹ đã cố gắng hết sức để tránh chiến tranh nhưng cuối cùng vẫn phải lao vào cuộc chiến. Quân đội Mỹ không muốn bị cuốn vào tranh chấp trên bán đảo Triều Tiên, nhưng ngày nay lại buộc phải thường trực đóng quân ở Hàn Quốc. Quân đội Mỹ không muốn vượt vĩ tuyến 38, nhưng hiện nay không thể bỏ qua vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Quân đội Mỹ không muốn bảo vệ Đài Loan, nhưng sau đó buộc phải vạch ra chuỗi đảo đầu tiên, lại phải cho Hạm đội 7 tiến vào eo biển Đài Loan. Sau khi Mỹ công nhận chế độ Cộng sản Trung Quốc, rồi lại chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh và bắt đầu các cuộc tiếp xúc quy mô lớn với ĐCSTQ để đưa Trung Quốc vào hệ thống toàn cầu. Ngày nay ĐCSTQ đã thâm nhập toàn cầu và trở thành thách thức nghiêm trọng đối với Mỹ, buộc Mỹ phải trở lại chuỗi đảo đầu tiên.
Tháng 12/1952, tướng MacArthur phụ trách chiến tranh Triều Tiên bị Tổng thống Truman cách chức, và tướng MacArthur đã cảnh báo, “Thất bại của Mỹ trong chiến lược đối với Trung Quốc rồi sẽ kéo theo hàng loạt thảm họa, sẽ là thất bại lớn nhất của Mỹ trong một thế kỷ qua. Nhiều thế hệ sẽ phải trả giá đắt cho điều này, có lẽ là cả trăm năm.”
Thật không may, phân tích cặn kẽ của tướng MacArthur đã đúng, cho đến ngày nay Mỹ vẫn đang phải trả giá đắt. Chính quyền thời TT. Trump đã thực hiện một chiến lược hiệu quả để kiềm chế ĐCSTQ, nếu chính phủ mới của Mỹ cố gắng tránh chiến tranh thì cuối cùng sẽ lặp lại những sai lầm tương tự và lại bị buộc phải lao vào cuộc chiến một cách bị động.
Nếu quân đội Mỹ quay trở lại vị trí phòng thủ chiến lược trên chuỗi đảo đầu tiên, hệ quả sẽ dẫn đến đánh giá sai lầm của giới chóp bu ĐCSTQ và quay trở lại chính sách bành trướng sức mạnh, sau đó là có thể là không thể tránh khỏi xung đột quân sự, như lịch sử đã chứng minh.
Bài học của Mỹ trong chiến tranh Thái Bình Dương
Cách đây 80 năm, ngày 7/12/1941, Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng gây thiệt hại nặng nề cho Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Thời điểm đó hầu hết người Mỹ không muốn tham gia cuộc chiến tranh, nhưng cuối cùng không thể không ứng chiến một cách toàn diện. Nhật Bản biết rõ thực lực không mạnh bằng Mỹ nhưng vẫn chủ động gây chiến, chính quyền quân phiệt Nhật Bản khi đó đã xác định chủ trương thôn tính châu Á, không chỉ xâm lược Trung Quốc một cách toàn diện mà còn thúc đẩy kế hoạch nam tiến.
Nhật Bản cho rằng mối đe dọa lớn nhất đối với kế hoạch nam tiến là Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, vì vậy đã theo gợi ý của đô đốc hải quân Nhật Bản Yamamoto Isoroku để chủ động tấn công Trân Châu Cảng, đi cùng là phát động kế hoạch xâm lược phía nam, đã nhanh chóng chiếm đóng Malaysia, Singapore, Hồng Kông, Philippines và một số khu vực của Việt Nam, cũng chiếm đảo Guam, đảo Wake, quần đảo Aleut, sau đó tấn công Indonesia, Myanmar, Papua New Guinea và quần đảo Solomon, bành trướng lực lượng mở rộng ra Trung và Nam Thái Bình Dương, và thực hiện các cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào Australia.
Quân đội Mỹ thực sự đã đoán trước được kế hoạch bành trướng của Nhật Bản, và chứng kiến quân đội Nhật Bản xâm lược Trung Quốc một cách toàn diện, nhưng việc né tránh hoặc xoa dịu của Mỹ đã không mang lại hòa bình. Châu Âu cũng theo logic tương tự, việc các nước xoa dịu Đức Quốc xã đã dung túng cho tham vọng của Hitler, cuối cùng, phe Trục (Rome–Berlin–Tokyo) phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng và Thế chiến thứ hai bùng nổ.
Cục diện quân sự Ấn Độ – Thái Bình Dương ngày nay một lần nữa lại bước vào thời khắc nguy hiểm. Nếu chính quyền Biden không sớm thể hiện quyết tâm tiếp tục chiến lược phản công tích cực của chính quyền thời TT. Trump nhằm ngăn chặn nguy cơ ĐCSTQ, không duy trì thế công chiến lược quân sự thì nghĩa là dung túng cho tham vọng của ĐCSTQ. Nhà cầm quyền Bắc Kinh vừa công bố cái gọi là “Luật Cảnh sát Biển”, cảnh sát biển của ĐCSTQ nằm dưới lãnh đạo của Quân ủy, thực sự là một phần của hải quân ĐCSTQ. “Luật Cảnh sát Biển” cho phép ĐCSTQ mở rộng hàng hải rất mạo hiểm, chắc chắn sẽ làm gia tăng xung đột vũ trang trên biển. Khi giới chóp bu ĐCSTQ gặp khó khăn trong và ngoài nước, họ cần gấp rút tìm lối thoát, rất có thể họ đã đánh giá sai, thậm chí sẵn sàng chấp nhận rủi ro, một khi họ chạm vào điểm giới hạn cho phép của quân đội Mỹ thì xung đột quân sự Mỹ – Trung vào năm 2021 có thể là viễn cảnh khó tránh.
Theo Thẩm Đan, Epoch Times
Xem thêm: ĐCSTQ thông qua Luật Hải cảnh, cho phép được nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài
Từ khóa eo biển Đài Loan Dòng sự kiện mối quan hệ Mỹ - Trung xung đột quân sự Mỹ - Trung