Liên minh châu Âu (EU) sẽ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga chừng nào chiến tranh ở Ukraine còn tiếp diễn, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố.

250304Ursula
Ursula von der Leyens, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, 4/3/2025 (nguồn ảnh: EU)

Theo điện Kremlin, trong các cuộc đàm phán tại Ả Rập Saudi vào thứ Hai (24/3), Nga và Hoa Kỳ đã nhất trí tiến tới khôi phục Sáng kiến ​​Ngũ cốc Biển Đen, trong đó sẽ bao gồm việc dỡ bỏ các hạn chế của phương Tây đối với Ngân hàng Nông nghiệp và các tổ chức tài chính khác của Nga tham gia vào hoạt động bán thực phẩm và phân bón quốc tế.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Pháp LCI vào thứ Sáu (28/3), bà von der Leyen đã nói rõ rằng Brussels sẽ không ủng hộ ý tưởng về một lệnh ngừng bắn trên biển giữa Moskva và Kiev do chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra.

Các lệnh trừng phạt rất đáng kể; chúng gây thiệt hại, chúng tác động đến nền kinh tế Nga và là một đòn bẩy mạnh mẽ“, bà Leyen tuyên bố khi được hỏi về khả năng EU thực hiện các yêu cầu của Nga về việc dỡ bỏ một số hạn chế.

Theo người đứng đầu Ủy ban châu Âu, các hạn chế “sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi một nền hòa bình công bằng và lâu dài được thiết lập ở Ukraine“.

Tuy nhiên, bà Leyen lưu ý rằng “khi chiến tranh kết thúc, các lệnh trừng phạt có thể được gỡ bỏ“.

Bà Von der Leyen cũng cho biết để chấm dứt xung đột, cần có “bảo đảm an ninh cho Ukraine” cũng như “một cơ sở công nghiệp quốc phòng vững chắc và một lực lượng răn đe” trong EU.

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, ban đầu được Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7 năm 2022, nhằm đảm bảo việc vận chuyển an toàn các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine để đổi lại việc phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. 

Moskva đã rút khỏi thỏa thuận một năm sau đó, với lý do phương Tây không thực hiện các nghĩa vụ của mình. Mỹ và Nga hiện coi sự hồi sinh của thỏa thuận này là một bước tiến tới giải quyết hoàn toàn cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Đầu tuần này, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định rằng nền kinh tế Nga đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới xét theo sức mua tương đương, xếp sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Ấn Độ, mặc dù Washington, Brussels và các đồng minh của họ đã áp đặt kỷ lục 28.595 lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế này. Theo số liệu của chính phủ Nga, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 4,1% trong năm 2024, vượt qua dự báo chính thức là 3,9%. 

Ông Putin trước đó đã thúc giục giới doanh nghiệp Nga không nên kỳ vọng các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn, mô tả chúng là một cơ chế gây sức ép có hệ thống và mang tính chiến lược đối với Moskva mà phương Tây có ý định tiếp tục sử dụng.

Phạm Duy, theo RT