Đại học Texas ở Austin cấm sinh viên sử dụng TikTok trên mạng của trường
- Gia Huy
- •
Đại học Texas ở Austin đã cấm sinh viên sử dụng ứng dụng TikTok của Trung Quốc trên mạng Wifi của trường. Động thái này nhằm tuân thủ chỉ thị của Thống đốc Greg Abbott ban hành vào tháng 12/2022, trong đó yêu cầu tất cả các cơ quan tiểu bang loại bỏ những rủi ro an ninh mạng do ứng dụng chia sẻ video này gây ra.
Trong một email gửi cho sinh viên hôm 17/1, ông Jeff Neyland, cố vấn của chủ tịch trường đại học Texas về chiến lược công nghệ, giải thích, nhà trường đang thực hiện các bước để tuân thủ lệnh của Thống đốc Abbott.
Email cho biết: “Chính phủ liên bang công nhận ứng dụng di động chia sẻ video này là mối đe dọa an ninh quốc gia. Một số cơ quan liên bang và một số tiểu bang đã cấm sử dụng ứng dụng này trên các mạng của chính phủ và các thiết bị do chính phủ cấp.”
Ông Neyland nhấn mạnh: “Gần đây, Đại học Texas Austin đã bắt đầu quá trình loại bỏ TikTok khỏi các thiết bị do chính phủ cấp, bao gồm cả điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính bảng, và máy tính để bàn do trường đại học cấp. Hôm nay, trường đại học đã chặn quyền truy cập TikTok trên mạng của chúng ta. Bạn không còn có thể truy cập TikTok trên bất kỳ thiết bị nào nếu bạn kết nối với trường đại học qua mạng có dây hoặc WIFI của trường.”
Theo ông Neyland, nhà trường đang thực hiện các bước , chẳng hạn như cấm sinh viên sử dụng ứng dụng TikTok, trong nỗ lực nhằm “loại bỏ các rủi ro đối với thông tin có trong mạng của trường đại học và đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta.” TikTok thuộc quyền sở hữu của ByteDance, một công ty Trung Quốc đặt tại Bắc Kinh.
Các quan chức Mỹ: TikTok gây ra mối đe dọa ngày càng tăng
Email sau đó đã đề cập đến chỉ thị ngày 7/12 của Thống đốc Abbott, trong đó cáo buộc mối đe dọa ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi cố gắng xâm nhập Hoa Kỳ trên nhiều mặt trận.
Sắc lệnh của thống đốc bang Texas lưu ý: “Mặc dù chính phủ liên quan chịu trách nhiệm cuối cùng đối với các vấn đề chính sách đối ngoại, những Tiểu bang [Texas] cũng có trách nhiệm và cơ hội để tự bảo vệ mình.”
Chỉ thị của Thống đốc Abbott cũng yêu cầu tất cả các cơ quan tiểu bang cấm nhân viên tải xuống hoặc sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính quyền tiểu bang cấp, bao gồm điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính để bàn, và các thiết bị khác có khả năng kết nối internet. Tuy nhiên có một số ngoại lệ dành cho các cơ quan thực thi pháp luật.
Thống đốc bang Texas, một thành viên của Đảng Cộng hòa, cũng chỉ đạo Bộ An toàn Công cộng Texas và Bộ Tài nguyên Thông tin Texas xây dựng một kế hoạch mà các cơ quan tiểu bang khác có thể triển khai để giải quyết “các lỗ hổng do việc sử dụng TikTok trên các thiết bị cá nhân.”
TikTok có hơn 85 triệu người dùng ở Hoa Kỳ.
Theo Thống đốc Abbott và nhiều quan chức khác, ứng dụng TikTok thu thập một số lượng lớn dữ liệu từ thiết bị của người dùng, bao gồm “khi nào, ở đâu, và cách họ tiến hành hoạt động trên Internet,” và có thể cung cấp một kho thông tin nhạy cảm tiềm ẩn cho ĐCSTQ.
Hồi tháng 12/2022, Giám đốc FBI Chris Wray cảnh báo, cơ quan này có mối quan ngại về an ninh đối với TikTok, bao gồm cả việc ĐCSTQ có thể sử dụng ứng dụng này để thu thập dữ liệu của người dùng Mỹ , vốn có khả năng được chính quyền Trung Quốc sử dụng để tiến hành các hoạt động gián điệp.
TikTok thất vọng trước quyết định của Đại học Texas
TikTok khẳng định, họ lưu trữ dữ liệu của người dùng Hoa Kỳ trên các máy chủ bên ngoài Trung Quốc.
Trong một thông báo gửi cho tờ The Hill, phát ngôn viên của ứng dụng này chỉ trích, TikTok “thất vọng khi rất nhiều tiểu bang đang tham gia vào phong trào chính trị này để ban hành các chính sách không giúp ích gì cho việc thúc đẩy an ninh mạng ở các bang của họ và đang dựa trên những thông tin sai lệch vô căn cứ về TikTok.”
Phát ngôn viên này nhấn mạnh: “Chúng tôi đặc biệt lấy làm tiếc khi chứng kiến những hậu quả không lường trước của những chính sách vội vàng này đang bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng của các trường đại học trong việc chia sẻ thông tin, tuyển sinh, và xây dựng các cộng đồng xung quanh các đội thể thao, các tổ chức sinh viên, các ấn phẩm của trường, v.v.”
Đại học Texas là trường đại học mới nhất cấm sử dụng ứng dụng mạng xã hội này của Trung Quốc. Trước đó Đại học Auburn ở bang Alabama, Đại học Oklahoma ở bang Oklahoma, và Đại học Bang Boise ở bang Idaho đã ban hành lệnh cấm tương tự.
Ngày càng có nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ cấm sử dụng ứng dụng chia sẻ video này trên các thiết bị của chính quyền tiểu bang, bao gồm bang Maryland, bang South Carolina, và bang South Dakota, tất cả đều viện dẫn những lo ngại về an ninh.
Trước đó hồi tháng 12/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký dự luật cấm các nhân viên liên bang sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ do lo ngại về an ninh quốc gia, tuy nhiên có những trường hợp ngoại lệ dành cho nhân viên thực thi pháp luật
Gia Huy (Theo The Epoch Times)
Từ khóa Mỹ cấm TikTok Cấm TikTok