Dân biểu Cộng hòa Mo Brooks (tiểu bang Alabama) nói với người dẫn chương trình Lou Dobbs của Fox Business tối thứ Hai (4/1) rằng ông mong muốn các Thượng nghị sĩ sẽ ký vào đơn phản đối để đấu tranh cho sự toàn vẹn bầu cử trong Phiên họp chung của Quốc hội sắp tới.

mobrooks
Dân biểu Cộng hòa Mo Brooks tiểu bang Alabama (Ảnh chụp màn hình Youtube)

Mo Brooks là dân biểu đầu tiên khởi xướng nỗ lực thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri khi Quốc hội tiến hành phiên họp để kiểm phiếu vào ngày 6/1.

Cũng trong ngày 4/1, ông Mo Brooks cho biết ông đã ký tên vào đơn phản đối kết quả bỏ phiếu của Đại Cử tri đoàn tại sáu tiểu bang Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania, và Wisconsin.

“Hiện tại, chúng tôi đã có hàng chục người đang tham gia vào kiến nghị này, hàng chục Thượng nghị sĩ, nhưng những gì chúng tôi thực sự cần là những Thượng nghị sĩ này sẽ ký vào văn bản và tham gia nỗ lực phản đối của chúng tôi đối với [phiếu Đại cử tri] các tiểu bang Michigan, Wisconsin, Pennsylvania, Georgia, Arizona và Nevada,” ông Brooks nói.

Theo ông Brooks, có ít nhất 30 dân biểu Hạ viện sẽ phản đối mỗi tiểu bang trong số sáu tiểu bang đó. Ở một số tiểu bang, số người phản đối có thể lên tới 40 hoặc 50.

“Về phía Hạ viện, chúng tôi rất mạnh. Tôi dự đoán rằng chúng tôi sẽ có hơn 100 dân biểu Hoa Kỳ sẽ ủng hộ nỗ lực này tại Hạ viện.”

“Tuy nhiên, về phía Thượng viện, tôi có chút không hài lòng. Có vẻ như ngay lúc này, chúng tôi chỉ có một Thượng nghị sĩ, ông Josh Hawley, là người đã chính thức đồng ý đồng bảo trợ cho việc phản đối tại một tiểu bang – Pennsylvania,” ông Brooks tiếp tục.

Hôm thứ Hai (4/1), Thượng nghị sĩ Cộng hòa Kelly Loeffler (tiểu bang Georgia) cũng tuyên bố rằng bà sẽ phản đối các phiếu bầu của Cử tri đoàn.

Trong khi đó, ông David Perdue, người vừa hết nhiệm kỳ tại Thượng viện vào ngày 3/1, nói với Fox News rằng ông có thể không có mặt tại Thượng viện vào ngày 6/1 vì còn chờ đợi kết quả bầu cử tại Georgia ngày 5/1. Nếu không, ông cũng sẽ tham gia phản đối.

Dân biểu Brooks cũng tỏ ra nghi ngờ về việc kêu gọi thành lập Ủy ban Bầu cử của 11 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa mà Thượng nghị sĩ Ted Cruz (tiểu bang Texas) khởi xướng.

Ông Brooks nhận định, cho dù thành lập ủy ban đó, thì cũng “không có cách nào trên thế giới” để một ủy ban có thể thực hiện một cuộc điều tra toàn diện và kỹ lưỡng chỉ trong 10 ngày.

“Tôi rất lo ngại rằng chúng ta có quá nhiều Dân biểu và Thượng nghị sĩ vẫn chưa thực hiện nhiệm vụ của họ, những người vẫn chưa nhận thức được rằng các bằng chứng về hành vi gian lận cử tri và đánh cắp cuộc bầu cử là quá lớn và thuyết phục, những người có xu hướng tránh né và chạy trốn, thu mình trong cái kén của họ, thay vì làm điều đúng đắn cho đất nước chúng ta.”

Ông Brooks còn nói, nếu người dân Mỹ yêu cầu các thành viên Quốc hội của họ đứng lên và chiến đấu cho nước Mỹ, thì “chúng ta sẽ thắng cuộc bỏ phiếu này” vào ngày 6/1.

“Nhưng nếu chúng ta có những thành viên Đảng Cộng hòa e ngại chiến đấu, không sẵn sàng làm như vậy, những người thể hiện sự nửa vời trong các biện pháp của họ, thì dĩ nhiên, chúng ta sẽ thua, và gian lận cử tri sẽ thắng.”

“Tôi sẽ chiến đấu để bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống bầu cử của chúng ta. Tôi hy vọng những người khác sẽ tham gia cùng tôi,” ông Brooks nhấn mạnh.

Phiên họp chung của Quốc hội là bước cuối cùng trong quy trình của Cử tri đoàn chứng nhận một Tổng thống đắc cử. Diễn ra hai tuần trước Ngày nhậm chức của Tổng thống, phiên họp này do phó Tổng thống với tư cách là chủ tịch Thượng viện chủ trì cuộc họp để các thành viên Quốc hội đếm các phiếu Đại cử tri.

Việc phản đối sẽ có hiệu lực nếu được đệ trình bằng văn bản ký tên và có sự tham gia của ít nhất một Dân biểu và một Thượng nghị sĩ. Nếu các điều kiện được đáp ứng, một cuộc tranh luận kéo dài 2 giờ sẽ được tiến hành để các thành viên của hai viện thảo luận và biểu quyết đối với ý kiến phản đối. Nếu kết quả cho thấy ý kiến phản đối đạt được đa số phiếu ở cả hai viện, khi đó phiếu bầu Cử tri đoàn của tiểu bang bị thách thức sẽ bị vô hiệu.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: