Mới đây, Cơ quan chống doping Đức (NADA) đã mạnh mẽ kêu gọi các vận động viên chuẩn bị tới Bắc Kinh tham dự Olympic Mùa đông hãy tránh ăn thịt ở Trung Quốc để không vô tình hấp thụ vào cơ thể chất clenbuterol khiến vi phạm quy định cấm doping. Thông tin liên quan này làm dấy lên quan tâm về việc làm thế nào mà clenbuterol bất hợp pháp có thể tồn tại một cách “hợp pháp” ở Trung Quốc?

id13427163
Kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022 (Nguồn: Li Yi / Đại Kỷ Nguyên)

AFP đưa tin, tổ chức chống doping của Đức ngày 10/1 đã kêu gọi các vận động viên sắp tới Bắc Kinh tham dự Olympic Mùa đông không nên ăn thịt ở Trung Quốc, để tránh nhiễm chất clenbuterol. Đây là loại steroid được sử dụng để tăng thịt nạc và giảm mỡ trong gia súc trước khi giết mổ.

Thông tin cũng chỉ ra rằng tổ chức chống doping từ lâu đã đề cập đến nguy cơ thịt do Trung Quốc sản xuất bị nhiễm chất clenbuterol, nhưng đã không thu hút được sự chú ý của công luận.

Trước đây cũng đã có nhiều trường hợp vận động viên xét nghiệm dương tính với clenbuterol. Ví dụ vào năm 2010, tay đua xe đạp Alberto Contador nổi tiếng người Tây Ban Nha vì ăn bò bít tết có chứa clenbuterol dẫn đến khi kiểm tra phát hiện vi phạm quy định dùng doping và bị tước ngôi vô địch Tour de France năm 2010 và 2011 cùng nhiều danh hiệu như Giro d’Italia, khi đó đã khiến giới thể thao quốc tế xôn xao.

Vấn đề an toàn thực phẩm ở Trung Quốc là một trong những vấn đề khá nghiêm trọng, trong số tất cả các vụ clenbuterol bất hợp pháp tại Trung Quốc thì “clenbuterol thịt cừu” ở tỉnh Hà Bắc là điển hình nhất.

Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) từng có lần đưa tin ở huyện Thanh thuộc Thương Châu tỉnh Hà Bắc có sản lượng hàng năm lên tới 700.000 con cừu, là trung tâm cung cấp thịt cừu tương đối quan trọng ở miền Bắc Trung Quốc, có lợi thế nhất định trong việc cung cấp thịt cho Bắc Kinh.

Nhưng trong khu vực đó có hoạt động bất hợp pháp liên quan đến cừu: nhiều thương lái và xe tải mua bán “thịt cừu giết mổ tư nhân không rõ ràng về nguồn gốc”.

Có những người chăn cừu địa phương, công ty kinh doanh thức ăn chăn nuôi và công ty môi giới thịt cừu từng tiết lộ rằng “những con cừu được nuôi ở đây không tốt, đều có clenbuterol”. Các nguồn tin cũng cho hay giới chăn nuôi địa phương không chỉ sử dụng clenbuterol với số lượng lớn, còn bao gồm cả ractopamine và salbutamol độc hại gấp hàng ngàn lần.

Chất được gọi là ractopamine thuộc về chất kích thích thần kinh giao cảm, vốn dùng để điều trị bệnh hen suyễn ở người, sau đó người ta phát hiện ra rằng thêm chất này vào thức ăn để cho động vật ăn có thể thúc đẩy quá trình tổng hợp protein, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa và phân hủy chất béo, làm cho động vật khỏe mạnh hơn.

Điều khó tin nhất là trong 20 năm qua tại Trung Quốc liên tục xảy ra vấn đề tương tự. Ví dụ, năm 2006 xảy ra vụ “thịt heo clenbuterol” nguồn gốc ở Chiết Giang làm hơn 300 người bị ngộ độc và nhập viện ở Thượng Hải; năm 2009 xảy ra vụ “thịt heo clenbuterol” nguồn gốc ở Quảng Châu làm hơn 70 người ăn phải đến bệnh viện cấp cứu…

Các nguồn tin từ giới chăn nuôi chỉ ra, “Thông thường thuốc sẽ được trộn vào thức ăn một tháng trước khi giết mổ”. Khi sắp giao sản phẩm sẽ áp dụng hai phương pháp để tránh bị phát hiện: một là đưa một vài “cừu xanh” (không có thuốc cấm) lên phương tiện vận chuyển cừu để đối phó với việc kiểm tra định kỳ; hai là bán cừu trực tiếp cho cơ sở giết mổ tư nhân tại địa phương, sau đó thịt được chuyển đến các nơi khác để giao dịch trong tình trạng không có hồ sơ và giám sát.

Còn việc tại sao người ta lại dùng thuốc cấm để nuôi cừu? Những người chăn cừu thẳng thắn cho biết họ muốn kiếm nhiều tiền hơn.

Cần lưu ý trường hợp clenbuterol bất hợp pháp ở Trung Quốc này mới chỉ là một phần nổi rất nhỏ vấn đề, vì vậy khó tránh cộng đồng quốc tế đặt vấn đề lo ngại về an toàn thực phẩm của Trung Quốc.

Tiểu Quỳ, Vision Times

Xem thêm: