Đức Đạt Lai Lạt Ma đến New York để điều trị y tế
- Thanh Tâm
- •
Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong của Phật giáo Tây Tạng, đã đến New York vào Chủ Nhật (23/6) để tiến hành điều trị y tế đầu gối; ông được hàng trăm người ủng hộ reo hò và hô vang chào đón.
Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫy tay chào từ cửa của chiếc xe limousine khi đến gần khách sạn Manhattan nơi ông ở. Ông bước chậm rãi tại lối vào và được các phụ tá hỗ trợ.
Đức Đạt Lai Lạt Ma – năm nay 88 tuổi, đã trốn sang Ấn Độ vào năm 1959 sau khi cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của Trung Quốc ở Tây Tạng bất thành. Ông đã phải vật lộn với các vấn đề sức khỏe trong nhiều năm.
Những người yêu mến đã đến trước khách sạn nơi ông ở để đảm bảo họ có thể nhìn thấy người đứng đầu Phật giáo Tây Tạng và đoạt giải Nobel hoà bình.
“Tôi biết mình phải đến đây vì cơ hội có một không hai này. Và tôi nghĩ rằng việc chờ đợi bên ngoài trong bốn hoặc năm tiếng đồng hồ chắc chắn là xứng đáng”, bà Tenzin Kunkyi nói.
“Tôi có cảm giác cộng đồng mạnh mẽ khi ở đây, mọi người đều chuyền tay nhau bánh mì … cùng với việc nhận được phước lành khi gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, chúng tôi cũng củng cố mối liên kết Tây Tạng của mình ở đây”, bà nói thêm.
Không rõ liệu Đức Đạt Lai Lạt Ma, người mà Bắc Kinh coi là một kẻ ly khai nguy hiểm, có gặp bất kỳ quan chức Hoa Kỳ nào trong chuyến đi của mình hay không. Ông nói rằng ông không tìm kiếm độc lập cho Tây Tạng.
Những người ủng hộ, nhiều người mặc áo choàng đầy màu sắc, đã nhảy múa trên đường phố bên ngoài khách sạn.
“Chúng tôi chúc Đức Đạt Lai Lạt Ma trường thọ. Và chúng tôi thực sự mong Đức Đạt Lai Lạt Ma (sẽ) đến thăm Trung Quốc để nói lời chào với cộng đồng Tây Tạng”, bà Byamba Suren, người lái xe từ Virginia lúc 3 giờ sáng để đến New York tham gia bên ngoài khách sạn cho biết.
Một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Ấn Độ vào tuần trước và cho biết họ sẽ không để Trung Quốc tác động đến việc lựa chọn người kế nhiệm của ông. Các quan chức Mỹ muốn thúc đẩy Bắc Kinh khởi động lại các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Tây Tạng, vốn đã bị đình trệ từ năm 2010.
Từ khóa Phật giáo Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma Đức Đạt Lai Lạt Ma