Hai tàu chiến Mỹ thực hiện hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông
- Xuân Thành
- •
Quân đội Mỹ hôm thứ Năm (21/11) nói với Reuters rằng trong ít ngày qua họ đã điều động hai tàu chiến đi qua gần các đảo do Trung Quốc chiếm đóng trên Biển Đông. Động thái này của Washington diễn ra vào thời điểm căng thẳng với Bắc Kinh ngày càng gia tăng về hàng loạt các vấn đề như thương chiến, Hồng Kông và Đài Loan.
Phát ngôn viên của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ, Chỉ huy Reann Mommsen nói với Reuters rằng tàu chiến Gabrielle Giffords hôm thứ Tư (20/11) đã đi vào vùng biển 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn, Quần đảo Trường Sa. Trung Quốc chiếm đóng Đá Vành Khăn từ năm 1995.
Bà Mommsen cũng cho biết hôm thứ Năm (21/11), tàu khu trục USS Wayne E. Meyer đã thực hiện hành trình đi qua vô hại tại Quần đảo Hoàng Sa, đang do Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974.
“Những nhiệm vụ này dựa trên luật pháp và thể hiện cam kết của chúng tôi về việc duy trì các quyền, quyền tự do và sử dụng vùng biển và vùng trời đúng luật được đảm bảo cho tất cả các quốc gia,” bà Mommsen nói thêm.
Trung Quốc yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông – vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên và cũng là tuyến hàng hải thương mại quốc tế quan trọng. Chế độ Bắc Kinh vài năm qua đã gia tăng xây đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo này thành càng tiền đồn quân sự ngoài khơi xa.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, cũng như cố gắng đe dọa các nước láng giềng Châu Á đang muốn khai thác trữ lượng dầu khí lớn tại vùng biển này.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa trong các cuộc đàm phán kín bên lề một hội nghị các bộ trưởng quốc phòng Châu Á mở rộng ở Bangkok, Thái Lan.
Trong cuộc họp với ông Esper, ông Ngụy đã kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ “chấm dứt phô trương quân sự trên Biển Đông và không khiêu khích và leo thang căng thẳng ở vùng biển này”.
Trong khi đó, ông Esper đã cáo buộc Bắc Kinh “đang tăng cường lựa chọn cưỡng bức và đe dọa để thúc đẩy những mục tiêu chiến lược của họ” trong khu vực.
Thời gian qua Hải quân Mỹ thường xuyên khiến Trung Quốc tức giận bằng cách thực hiện cái họ gọi là các hoạt động “tự do hàng hải”, đi thuyền gần một số đảo Trung Quốc chiếm đóng nhằm khẳng định quyền tự do tiếp cận các tuyến đường biển quốc tế.
Biển Đông chỉ là một trong nhiều vấn đề căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, các mâu thuẫn khác gồm thương chiến, Hồng Kông và Đài Loan.
Trong cuộc gặp ông Esper tại Thái Lan vừa qua, ông Ngụy cũng đã dấy lên “những sự không chắc chắn mới” tại Đài Loan – hòn đảo dân chủ tự trị mà Bắc Kinh luôn coi là tỉnh ngoài khơi xa của họ.
Quân đội Trung Quốc hôm Chủ Nhật (17/11) đã điều đội tàu chiến đấu, dẫn đầu là hàng không mẫu hạm tự chế, đi qua Eo biển Đài Loan.
Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm Chủ Nhật (17/11) thông báo rằng đội tàu tấn công của Trung Quốc đã đi qua Eo biển Đài Loan chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Thái Anh Văn chỉ định ông Lại Thanh Đức làm ứng viên Phó Tổng thống, đồng hành cùng bà Thái trong cuộc bầu cử năm 2020 và một tuần sau khi Mỹ điều tàu khu trục tới khu vực này.
Về thương chiến Mỹ – Trung, mặc dù hai bên thông báo sẽ sớm hoàn thành thỏa thuận “giai đoạn một”, nhưng thời gian và địa điểm ký kết vẫn là chưa rõ ràng. Vướng mắc các bên đang gặp phải là việc Trung Quốc yêu cầu Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn thuế quan, trong khi Washington ép Bắc Kinh phải cam kết số lượng và lộ trình mua nông sản Mỹ.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình tại Hồng Kông đã bước sang tháng thứ Sáu với căng thẳng ngày càng leo thang khi lực lượng chấp pháp Hồng Kông tăng cường trấn áp biểu tình bằng bạo lực. Tính đến sáng 22/11 (giờ Hồng Kông), hàng chục người biểu tình vẫn đang bị bao vây, phong tỏa trong khuôn viên Trường Đại học Bách Khoa Hồng Kông (PolyU). Xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình tại PolyU đã bước sang ngày thứ sáu liên tiếp.
Trước tình hình bất ổn tại Hồng Kông ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng, Quốc hội Mỹ hôm 20/11 đã hoàn tất việc thông qua hai dự luật gồm Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông và Đạo luật Bảo vệ Hồng Kông để thể hiện tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ người biểu tình dân chủ. Hai dự luật này đã được chuyển cho Tổng thống Donald Trump và ông chủ Tòa Bạch Ốc có 10 ngày để ký các dự luật thành luật hoặc phủ quyết.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa biển Đông Quan hệ Mỹ - Trung tàu chiến Mỹ tự do hàng hải Dòng sự kiện