Mike Pompeo: ASEAN không nên chấp nhận hành vi “bắt nạt” của TQ tại Biển Đông
- Gia Huy
- •
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ 5 (10/9) đã kêu gọi ASEAN xem xét lại các thỏa thuận với những công ty Trung Quốc bị Washington đưa vào danh sách đen vì tham gia xây dựng tiền đồn trên các đảo tại Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang “bắt nạt” các quốc gia có tranh chấp tại khu vực này.
Trong hội nghị thường niên ASEAN được tổ chức trực tuyến hôm 10/9, ông Pompeo đã thảo luận với những người đồng cấp tại các nước ASEAN có tranh chấp trên biển với Trung Quốc. Bốn thành viên của ASEAN gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei đang bị mắc kẹt trong cuộc xung đột lãnh thổ kéo dài với Trung Quốc trên tuyến đường hàng hải đông đúc mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ.
Mặc dù Hoa Kỳ không có tranh chấp tại Biển Đông, nhưng chính quyền TT Trump gần đây đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở quân sự của Bắc Kinh tại khu vực này. Các công trình xây dựng trái phép bao gồm sân bay, trạm radar và tên lửa trên các đảo rạn san hô.
“Tôi nghĩ chúng ta nên tiếp tục, đừng chỉ lên tiếng mà hãy hành động,” ông Pompeo nói với các nhà ngoại giao hàng đầu của khối ASEAN.
Ông Pompeo cho biết Trung Quốc không tôn trọng các giá trị dân chủ và các nguyên tắc về chủ quyền, đặc trưng và toàn vẹn lãnh thổ được quy định trong hiến chương ASEAN. Ông đề cập đến việc Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen khoảng hai chục công ty Trung Quốc do liên quan tới việc xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp, xâm phạm yêu sách chủ quyền của các quốc gia khác.
Ông nói: “Hãy xem xét lại việc làm ăn với các công ty nhà nước Trung Quốc đang tìm cách bắt nạt các quốc gia ASEAN ở Biển Đông. Đừng để ĐCSTQ chèn ép đất nước và người dân chúng ta. Các bạn nên tự tin và Hoa Kỳ luôn ở đây để giúp các bạn.”
Tờ SCMP cho biết hiện không rõ có bao nhiêu quốc gia thành viên ASEAN đang làm ăn với các công ty xây dựng Trung Quốc bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen. Tuy nhiên, tuần trước chính quyền Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte cho biết họ sẽ không thuận theo động thái của Hoa Kỳ và sẽ tiếp tục cho phép một trong những công ty nằm trong danh sách đen hoặc công ty con của họ hợp tác với công ty địa phương để thực hiện dự án xây dựng sân bay tại tỉnh Cavite, phía nam của Manila.
Trong một tuyên bố chung được công bố vào cuối ngày thứ 5 (10/9), các quốc gia thành viên ASEAN cho biết đã đạt được tiến bộ trong đàm phán để soạn thảo bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.
Tuyên bố cho biết: “Một số bộ trưởng bày tỏ sự lo ngại về việc cải tạo đảo cùng với các hoạt động và sự cố nghiêm trọng tại vùng biển này đang làm xói mòn lòng tin và sự tin tưởng, khiến căng thẳng gia tăng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.”
Hoa Kỳ đã thách thức các yêu sách chủ quyền lãnh thổ sâu rộng của Trung Quốc bằng cách triển khai tàu chiến và máy bay chiến đấu hoạt động trong các vùng biển tranh chấp.
Trung Quốc luôn khẳng định họ có quyền bảo vệ lợi ích quốc gia của mình và cáo buộc Washington đang can thiệp vào các vấn đề trong khu vực, nhưng các quốc gia láng giềng và Hoa Kỳ cho rằng yêu sách đó không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc là một thành viên.
Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, nước chủ trì các cuộc họp ASEAN trong năm nay, đã hoan nghênh nhận xét của ông Pompeo, nói rằng “mối quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ đã mang lại lợi ích chung cho cả hai bên”.
Từ khi xung đột Mỹ – Trung nổ ra, ASEAN đã luôn cố gắng giữ vai trò “trung lập” giữa hai cường quốc.
Theo Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein nói hôm 8/9, tùy thuộc vào cách ASEAN giải quyết vấn đề mà “có thể dẫn đến thảm họa hoặc một bình minh mới của hòa bình và ổn định cho khu vực chúng ta.”
Ông hỏi: “Thách thức ở đây là khả năng lãnh đạo. Chúng ta thực hiện vai trò lãnh đạo hay chúng ta chỉ làm theo người khác? Không có gì phải nghi ngờ, Đông Nam Á dự định vẫn sẽ làm chủ vận mệnh của mình.”
Gia Huy (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện hành vi bắt nạt của Trung Quốc tại biển đông tranh chấp biển Đông Mike Pompeo