Mỹ cung cấp thông tin tình báo giúp Ukraine giết nhiều tướng Nga
- Xuân Lan
- •
Hoa Kỳ đã cung cấp thông tin tình báo để giúp các lực lượng Ukraine nhắm mục tiêu và giết chết nhiều tướng lĩnh Nga, New York Times đưa tin hôm thứ Tư (4/5), dẫn lời các quan chức cấp cao của Mỹ với điều kiện giấu tên.
Tờ báo cho biết, việc hỗ trợ “nhắm mục tiêu” này là một phần trong nỗ lực tuyệt mật của chính quyền Biden nhằm cung cấp thông tin tình báo chiến trường theo thời gian thực cho Ukraine.
Theo báo cáo, Washington đã cung cấp cho Ukraine thông tin chi tiết về các đợt chuyển quân dự kiến của Nga và vị trí cũng như các thông tin chi tiết khác về trụ sở quân sự cơ động của Nga và Ukraine đã kết hợp điều đó với thông tin tình báo của riêng mình để tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo cũng như các cuộc tấn công khác khiến các sĩ quan cao cấp Nga thiệt mạng.
Các quan chức cho biết thông tin tình báo cũng bao gồm các đợt chuyển quân dự kiến của Nga được thu thập từ các đánh giá gần đây của Mỹ về kế hoạch chiến đấu bí mật của Moscow cho cuộc giao tranh ở khu vực Donbass, miền đông Ukraine.
Việc chia sẻ thông tin tình báo là một phần trong quy trình tăng cường hỗ trợ của Hoa Kỳ bao gồm vũ khí hạng nặng hơn và hàng chục tỷ USD viện trợ.
Sự hỗ trợ của tình báo Mỹ đối với người Ukraine đã có tác động quyết định trên chiến trường, xác nhận các mục tiêu mà quân đội Ukraine xác định và chỉ điểm cho các mục tiêu mới.
Các quan chức Ukraine cho biết họ đã giết khoảng 12 tướng Nga trên chiến trường – một con số khiến các nhà phân tích quân sự phải kinh ngạc, theo New York Times. Tuy vậy, các quan chức từ chối nói rõ có bao nhiêu tướng lĩnh đã thiệt mạng do sự hỗ trợ của Mỹ.
Kể từ khi thất bại trong việc tấn công thủ đô Kyiv trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, Nga đã cố gắng tập hợp lại quân và tập trung vào chiến trường miền đông Ukraine.
Theo New York Times, chính quyền Biden đã cố gắng giữ bí mật phần lớn thông tin tình báo vì lo ngại rằng đây sẽ là hành động leo thang và kích động Tổng thống Nga Putin tham gia vào một cuộc chiến rộng lớn hơn.
Các quan chức Mỹ không mô tả cách họ có được thông tin về trụ sở quân đội Nga, vì sợ sẽ gây nguy hiểm cho các phương pháp thu thập tin của họ. Nhưng trong suốt cuộc chiến, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã sử dụng nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các vệ tinh thương mại và bí mật, để theo dõi các hoạt động di chuyển của quân đội Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III đã nói vào tháng trước rằng “chúng tôi muốn thấy [quân đội] Nga suy yếu đến mức không thể làm những điều mà họ đã làm như xâm lược Ukraine.”
Khi được hỏi về thông tin tình báo được cung cấp cho người Ukraine, John F. Kirby, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói rằng “chúng tôi sẽ không nói chi tiết về thông tin đó”. Nhưng ông thừa nhận rằng Hoa Kỳ “cung cấp cho Ukraine thông tin và tình báo mà họ có thể sử dụng để tự vệ.”
Không phải tất cả các cuộc tấn công đều được thực hiện với sự trợ giúp của tình báo Mỹ. Theo nhiều quan chức Mỹ, cuộc tấn công vào cuối tuần qua tại một địa điểm ở miền đông Ukraine nơi Tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, đã đến thăm không có sự hỗ trợ của tình báo Mỹ.
Các quan chức cho biết Mỹ không cung cấp thông tin tình báo về các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Nga. Nhưng tình báo Mỹ đã có vai trò chủ chốt trong cái chết của các tướng lĩnh khác, các quan chức thừa nhận.
Các quan chức Mỹ cũng đã công khai thừa nhận rằng Mỹ đã bắt đầu cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24/2. Chẳng hạn, trước cuộc xâm lược, các cơ quan tình báo Mỹ đã cảnh báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra vào sân bay Hostomel ở phía bắc Kyiv. Điều đó cho phép Ukraine tăng cường khả năng phòng thủ. Lực lượng đổ bộ đường không của Nga cuối cùng đã không thể chiếm được sân bay.
Các quan chức quân đội Mỹ đương nhiệm và cựu quan chức quân đội Mỹ cho biết, các tướng lĩnh Nga thường bị nghe trộm khi nói chuyện qua các đường dây điện thoại và radio không an toàn.
Frederick B. Hodges, cựu chỉ huy quân đội hàng đầu của Mỹ ở châu Âu, hiện đang làm việc tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, cho biết: “Nó cho thấy kỷ luật kém, thiếu kinh nghiệm, kiêu ngạo và không đánh giá cao năng lực của Ukraine. “Không khó để xác định vị trí địa lý một người nào đó đang nói chuyện trên điện thoại”.
Các chiến thuật quân sự của Nga cũng khiến các tướng lĩnh cấp cao dễ bị tiêu diệt. Hệ thống phân cấp chỉ huy tập trung từ trên xuống chỉ trao quyền ra quyết định cho các cấp cao nhất đã buộc các tướng Nga phải mạo hiểm ra tiền tuyến để giải quyết các vấn đề hậu cần và chỉ đạo các hoạt động. Để so sánh, quân đội Mỹ có cấu trúc phi tập trung hơn, vốn cho phép các nhân viên cấp cao và sĩ quan cấp dưới ra quyết định trên chiến trường.
Xuân Lan (theo NYT)
Từ khóa Dòng sự kiện chiến tranh Ukraine tướng Nga tử trận thông tin tình báo Mỹ