Mỹ gây áp lực lên sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc
- Xuân Lan
- •
Tham vọng của Trung Quốc kết nối các quốc gia và châu lục thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã vấp trở ngại ở Rumani khi Bucharest huỷ bỏ kế hoạch về một dự án kết nối năng lượng hạt nhân. Sự gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu có thể khiến các nước đồng minh nhỏ của Washington cân nhắc lại việc làm ăn với Trung Quốc.
Tuần trước, Rumani đã đình chỉ việc hợp tác với đối tác Trung Quốc trong dự án xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân của công ty Nuclearelectrica. Đây là một phần nằm trong sáng kiến “Vành đai và con đường” đầy tham vọng của Bắc Kinh, với Rumani đóng vai trò như bàn đạp để thâm nhập vào Đông Âu.
Chỉ vài ngày trước đó, Israel, đồng minh lớn khác của Mỹ, quyết định trao dự án khử mặn trị giá 1,5 tỷ đôla cho một công ty Israel sau khi Mỹ cảnh báo sự hiện diện ngày càng nhiều của đầu tư có liên quan tới Trung Quốc tại đất nước này.
Theo các nhà quan sát trong khu vực, hai trường hợp trên đã nêu bật sự đối đầu ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trở lại với dự án hạt nhân của Nuclearelectrica, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tán dương vai trò “không thể thiếu” của Rumani trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Đông Âu cũng như toàn bộ khối EU. Ông Lý cũng tham gia việc ký một số thỏa thuận song phương, gồm một bản ghi nhớ về việc sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hoà bình, mở đường cho thoả thuận với Nuclearelectrica.
Tuy nhiên, khi Tổng thống Rumani và Mỹ ký một tuyên bố chung vào năm ngoái, kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước về năng lượng hạt nhân, thì triển vọng hợp tác với Bắc Kinh đã trở nên không còn chắc chắn.
Ngay đầu tháng Một, Thủ tướng Rumani Ludovic Orban đã cảnh báo chính phủ của ông sẽ rút khỏi thỏa thuận với Trung Quốc vì “quan hệ đối tác với công ty Trung Quốc sẽ không tiến triển,” theo trang tin Hotnews của Rumani.
Andrea Brinza, phó Chủ tịch Viện nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương của Rumani, suy đoán rằng “những khuyến cáo nghiêm khắc” từ Mỹ và EU có thể đóng vai trò quyết định.
Bà cho hay những quan ngại của Rumani, như một khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng; việc Rumani tiếp nhận binh sĩ Mỹ và hệ thống tên lửa phòng thủ tối tân; hay những vấn đề về tài trợ nhà nước, đã khiến chính phủ Rumani quyết dịnh tốt nhất là không tiếp tục dự án với phía Trung Quốc.
> Rumani chấm dứt dự án “Vành đai và con đường” với Trung Quốc
Ông Jakub Jakobowski tại Trung tâm nghiên cứu phương đông ở Warsaw, nói rằng Bắc Kinh đã hy vọng thỏa thuận với Rumani sẽ là một trường hợp thành công của dự án hạt nhân Trung Quốc tại EU.
“Họ hy vọng rằng nó sẽ thúc đẩy Rumani đẩy mạnh đối thoại năng lượng trong nhóm 17+1,” ông Jakobowski nói, đề cập tới một diễn đàn hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu.
Ông cũng nhận định trường hợp Rumani là một ví dụ điển hình về đối đầu Mỹ – Trung tại Trung và Đông Âu. Theo đó, áp lực ngày càng gia tăng từ Mỹ, cộng với việc mất kiên nhẫn về những lợi ích kinh tế mà Bắc Kinh hứa hẹn, đã buộc các nước Trung và Đông Âu xem xét lại chiến lược của họ.
“Sức ép của Mỹ lên khu vực bắt đầu tương đối muộn, vào năm 2018, sau nhiều năm các nước ở khu vực Trung và Đông Âu ngày càng vỡ mộng về những điều khoản hợp tác kinh tế mà Trung Quốc đưa ra, đặc biệt trong nhóm 17+1.”
“Nhiều chính phủ hiện quyết định hy sinh một phần các quan hệ với Trung Quốc – đằng nào nó cũng không còn quá hứa hẹn – để ghi thêm điểm với Washington và Brussels.”
Ông Jakobowski cho biết không có một dấu hiệu nào cho thấy các nước Trung và Đông Âu sẽ từ bỏ quan hệ an ninh của họ với Mỹ, mà hầu hết đều mong được củng cố mối quan hệ với Washington trong hợp tác về mạng 5G hay các dự án hạ tầng quan trọng.
Sự đổ vỡ của những dự án lớn như thỏa thuận hạt nhân Rumani là một thất bại trong sáng kiến “Vành đai và con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy các kết nối hạ tầng khắp châu Á, châu Phi và châu Âu.
Sáng kiến được kỳ vọng sẽ bao gồm các dự án ước tính một nghìn tỷ đôla Mỹ, với nhiều dự án là các tuyến đường bộ và đường sắt, tại hơn 125 quốc gia trên thế giới.
Mặc cho khủng hoảng kinh tế từ đại dịch virus corona, Bắc Kinh dự định tiếp tục rót tiền cho các nước nằm trong “Vành đai và con đường.” Trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã chi 5,23 tỷ đôla vốn đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực phi kinh tế tại 53 quốc gia dọc theo “Vành đai và con đường,” tăng 13,4% mỗi năm, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.
> Vành đai và Con đường của TQ: Kẻ hủy diệt môi trường?
Đã có nhiều ý kiến quan ngại rằng những nước nghèo khi hưởng các khoản đầu tư từ Trung Quốc sẽ phải gánh những khoản nợ không thể trả; hay Bắc Kinh sử dụng nó để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị.
Các quan chức Mỹ đã cảnh báo công khai về các dự án hạ tầng do Trung Quốc tài trợ ở châu Phi, châu Mỹ Latin và châu Á. Trong chuyến thăm tới Warsaw tháng 2 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Trung Quốc, cùng với Nga, đã đặt ra hai mối đe dọa sóng đôi đối với những thành tựu về dân chủ và thị trường tự do kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.
Ông Pompeo nói Mỹ sẵn sàng đẩy mạnh các cam kết đối với khu vực thông qua thoả thuận hợp tác quốc phòng và các chương trình trao đổi.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo về “ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc” ở Israel hồi tháng trước.
Mười ngày sau chuyến thăm của ông Pompeo, Israel thông báo rằng họ đã trao hợp đồng khử mặn cho công ty địa phương IDE Technologies.
Đặc biệt, kể từ sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông, áp lực lên những nước đồng minh của Mỹ nhưng đồng thời có mối quan hệ làm ăn với Trung Quốc, đã trở nên ngày càng lớn.
Carice Witte, giám đốc điều hành của Mạng lưới toàn cầu Trung Quốc – Israel, nhận định bước đi của Bắc Kinh đối với Hồng Kông có thể sẽ khiến nhiều người phương Tây khẳng định quan điểm rằng không thể tin tưởng là Trung Quốc sẽ giữ lời hứa mà họ đã thỏa thuận.
Xuân Lan (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa đối đầu Mỹ Trung Rumani sáng kiến 'Vành đai và Con đường' Dòng sự kiện