Mỹ thông báo rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
- Yên Sơn
- •
Hôm thứ Ba (19/6), Mỹ đã thông báo rút khỏi Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vì cáo buộc đây là tổ chức định kiến, có nhiều thành viên vi phạm nhân quyền lại là ủy viên hội đồng.
Đại sứ Nikki Haley và Ngoại trưởng Mike Pompeo họp báo tại Washington D.C hôm thứ Ba (19/6) thông báo Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley hôm thứ Ba (19/6) cho biết Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) là “đạo đức giả và chỉ vì lợi ích của mình” và “gây tổn hại cho vấn đề nhân quyền”.
Trước đó, vào năm ngoái bà Haley cũng đã cáo buộc UNHRC “trường kỳ định kiến chống Israel” và cho biết Mỹ đang xem xét lại tư cách thành viên của mình.
UNHRC được thành lập vào năm 2006, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ đã từng bị chỉ trích vì cho phép nhiều nước với hồ sơ nhân quyền có vấn đề làm ủy viên hội đồng.
Sau khi bà Haley thông báo Mỹ rút lui, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã phát đi tuyên bố nói rằng ông “rất mong muốn” Mỹ sẽ duy trì tư cách thành viên hội đồng.
Ủy viên nhân quyền LHQ Zeid Ra’ad Al Hussein đã gọi sự rút lui của Mỹ là “đáng thất vọng, [nhưng] không phải là tin tức thực sự ngạc nhiên”.
Động thái của Mỹ đến trong thời điểm Washington đang bị UNHRC chỉ trích gay gắt về chính sách nhập cư, chia tách trẻ em với bố mẹ của chúng tại khu vực biên giới Mỹ – Mexico.
Ông Al Hussein đã gọi chính sách nêu trên của Mỹ là “vô cảm”.
Nhóm Quan sát Nhân quyền, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York, đã lên án quyết định rút khỏi UNHRC của chính phủ Mỹ và gọi chính sách nhân quyền của Tổng thống Trump là “một chiều”.
Theo BBC, bà Haley đã thông báo ý định rút lui của Mỹ khỏi UNHRC trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm thứ Ba (19/6).
Bà Haley đã gọi UNHRC là “nơi ô uế của định kiến chính trị”, nhưng nhấn mạnh: “Tôi muốn làm rõ ràng rằng bước đi này không đồng nghĩa với việc chúng tôi rút lại những cam kết nhân quyền của mình”.
Năm ngoái, bà Haley đã nói trước toàn thể thành viên UNHRC rằng việc cơ quan này thông qua các nghị quyết chống lại Israel, trong khi lại không có bất kỳ động thái nào xem xét đến Venezuela nơi có hàng chục người biểu tình bị giết hại trong cuộc khủng hoảng chính trị, là điều “rất khó chấp nhận”.
Trong khi đó, phát biểu trong buổi họp báo chung với bà Haley, Ngoại trưởng Pompeo đã gọi UNHRC là “người bảo vệ nhân quyền kém cỏi”.
“Tồi tệ hơn thế, UNHRC đã trở thành nơi thực hành đạo đức giả không biết xấu hổ với nhiều vụ lạm dụng nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới đang bị lờ đi và một số tội phạm nghiêm trọng nhất về nhân quyền lại đang là ủy viên của hội đồng này”, ông Pompeo nói thêm.
Hội đồng Nhân quyền LHQ được thành lập vào năm 2006 để thay thế cho Ủy ban Nhân quyền LHQ. Ủy ban Nhân quyền không có uy tín rộng rãi vì bầu chọn các quốc gia với hồ sơ nhân quyền có vấn đề làm thành viên ủy ban. Sau đó, Hội đồng Nhân quyền cũng gặp vấn đề tương tự. Hội đồng Nhân quyền có tổng cộng 47 thành viên được lựa chọn thông qua bỏ phiếu, nhiệm kỳ thành viên hội đồng là 3 năm. Hội đồng nhằm mục đích làm sáng tỏ sự lạm dụng nhân quyền trên thế giới bằng cách thông qua các nghị quyết lên án nhưng đã phải đối mặt với những lời chỉ trích tương tự như đối với Ủy ban Nhân quyền trước đây. Năm 2013, nhiều nhóm nhân quyền trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích UNHRC khi cả Trung Quốc, Nga, Ả Rập Saudi, Algeria và Việt Nam được bầu làm ủy viên hội đồng. Mỹ chỉ mới tham gia vào Hội đồng Nhân quyền LHQ từ năm 2009 dưới thời Tổng thống Barack Obama. |
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Nhân quyền Hội đồng Nhân quyền LHQ Mỹ rút khỏi hội đồng nhân quyền