Mỹ xem xét đặt căn cứ quân sự lâu dài tại Ba Lan
- Yên Sơn
- •
Trong cuộc gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại Washington D.C hôm 18/9, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói rằng ông đang xem xét đề nghị của Vắc-sa-va về việc đặt căn cứ quân sự Mỹ tại Ba Lan vì quốc gia Đông Âu này lo ngại về sự bành trướng của Nga trong khu vực.
Theo ông Trump, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã đề nghị sẽ chi trả hơn 2 tỷ USD để Mỹ đặt căn cứ quân sự lâu dài tại Ba Lan. Ông Trump gọi đây là mô hình tiềm năng cho các nước “giàu có” khác đã yêu cầu Mỹ hiện diện quân sự tại nước mình.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với ông Duda tại Nhà Trắng hôm 18/9, ông Trump cho hay: “Tổng thống [Ba Lan] đã đề nghị trả cho chúng tôi hơn 2 tỷ USD để làm điều này và vì vậy chúng tôi đang tính toán. Chúng tôi đầu tiên đang tính đến việc bảo vệ quân đội của cả hai nước và sau đó cũng là tính đến chi phí”.
Trước cuộc gặp với người đồng cấp Ba Lan tại Nhà Trắng, ông Trump đã nói với báo giới rằng vấn đề an ninh tại Ba Lan là điều “cực kỳ” quan trọng đối với ông.
Theo The Epoch Times, năm 1997, Mỹ và các nước đồng minh NATO đã ký một hiệp định với Nga về việc NATO không đồn trú vĩnh viễn lực lượng chiến đấu “đáng kể” tại các nước Trung và Đông Âu, trong đó có các căn cứ quân sự lâu dài. Nhưng hiệp định này cũng để mở khả năng cho việc “tăng cường” quân sự trong trường hợp cần phòng thủ chống lại mối đe dọa xâm lược. Tổng thống Duda lấy lý do này để đề nghị Mỹ đặt căn cứ vĩnh viễn tại Ba Lan.
Ông Duda dẫn chứng về việc Nga xâm lược Georgia năm 2008, sáp nhập Crimea của Ukraine vào Nga năm 2014 và gần đây hơn là các vi phạm về thỏa thuận ngừng bắn tại các tỉnh Donetsk và Luhansk tại Ukraine, là “mối đe dọa xâm lược” rõ ràng.
“Tôi tin rằng không có cách thức ngăn chặn chiến tranh nào hiệu quả hơn việc thể hiện một lập trường quyết định rằng chúng tôi trong bất kỳ thời khắc nào đều sẵn sàng đẩy lùi một cuộc tấn công tiềm tàng”, The Epoch Times dẫn lời ông Duda.
Tổng thống Ba Lan đã đề nghị gọi căn cứ quân sự Mỹ tại nước mình là “Fort Trump’’, có lẽ học theo cách thức ông Trump thường lấy tên gia đình ông gắn với các công trình ông xây dựng như Trump Tower tại New York và Trump International tại Washington D.C.
Theo The Epoch Times, hai nhà lãnh đạo Mỹ – Ba Lan trong cuộc gặp hôm 18/9 cũng đã đồng ý hợp tác về năng lượng, mặc dù hai bên chưa thông báo bất kỳ thỏa thuận đặc biệt nào về sự hợp tác này.
Ba Lan đang cố gắng giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung khí tự nhiên từ Nga, đồng thời xây dựng các chuỗi cung ứng từ Mỹ và NaUy để thay thế. Ông Duda dẫn chứng rằng trong quá khứ Nga đã từng đóng nguồn cung khí đốt tới các nước trong thời gian các cuộc xung đột xảy ra và đó là lý do điều này trở thành vấn đề an ninh quốc gia của Ba Lan. Hiện tại, Vắc-sa-va đang nhập khẩu 2/3 lượng khí tự nhiên từ công ty Gazprom PJSC do Điện Kremlin kiểm soát.
Tháng Sáu năm ngoái, một tàu biển chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ đã tới Ba Lan sau khi công ty dầu khí nhà nước của nước Đông Âu này đã ký hợp đồng 5 năm mua khí đốt của một công ty năng lượng có trụ sở chính tại Anh Quốc và một chi nhánh ở Mỹ, theo The Epoch Times.
“Tôi tin chắc rằng… chúng tôi sẽ không chỉ hiện thực hóa và bảo vệ nhu cầu năng lượng của chính chúng tôi, mà tôi còn hy vọng chúng tôi sẽ có thể chuyển khí đốt thêm cho các nước láng giềng thông qua sự phát triển của Sáng kiến Ba Biển về việc xây dựng các liên kết khu vực”, ông Duda nói về khí tự nhiên Mỹ.
Được biết, Sáng kiến Ba Biển là một diễn đàn của các nước thành viên Liên minh Châu Âu tại Trung và Đông Âu để thảo luận về các vấn đề liên quan tới 12 nước.
Dù chưa đưa ra thời gian biểu cụ thể, ông Trump đã nói Mỹ và Ba Lan đã có kế hoạch để triển khai “trao đổi ngoại giao cấp cao” về an ninh năng lượng.
“Mỹ và Ba Lan cam kết sâu sắc về đa dạng năng lượng trên toàn Châu Âu. Không nước nào phải phụ thuộc vào duy nhất một nguồn cung cấp năng lượng”, ông Trump nói.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Ba Lan Căn cứ quân sự Andrzej Duda quan hệ Mỹ - Ba Lan