Myanmar: Thêm 5 người bị giết hôm thứ Bảy; quân đội trừng phạt các nhà phê bình trên mạng
- Lê Xuân
- •
Lực lượng an ninh Myanmar đã nổ súng vào cuộc biểu tình hôm thứ Bảy (3/4), giết chết 5 người, theo lời nhân chứng là người biểu tình và các phương tiện truyền thông địa phương. Các vụ bắn chết người vẫn tiếp diễn khi quân đội tăng cường nỗ lực chấm dứt bất đồng chính kiến bằng lệnh bắt giữ những người chỉ trích trên các nền tảng trực tuyến và chặn Internet.
Bất chấp việc lực lượng an ninh giết hại hơn 550 người kể từ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2, những người biểu tình vẫn ra đường hàng ngày, họ thường hình thành các nhóm nhỏ ở các thị trấn nhỏ hơn để lên tiếng phản đối việc tái lập chế độ quân sự.
Các lực lượng an ninh ở thị trấn trung tâm Monywa đã nổ súng vào một đám đông, giết chết 3 người, theo dịch vụ tin tức Myanmar Now; trong khi một người đàn ông bị bắn chết ở thị trấn Bago, và một người bị giết ở Thaton, theo cổng thông tin trực tuyến Bago Weekly Journal đưa tin.
“Họ bắt đầu bắn không ngừng bằng cả lựu đạn gây choáng và đạn thật”, một người biểu tình giấu tên ở Monywa nói với Reuters qua ứng dụng nhắn tin. “Mọi người lùi lại và nhanh chóng dựng rào chắn, nhưng một viên đạn đã găm vào đầu một người phía trước tôi. Anh ấy chết ngay tại chỗ.”
Cảnh sát và phát ngôn viên của quân đội đã không trả lời yêu cầu bình luận từ truyền thông.
Hôm thứ Bảy, nhóm hoạt động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết lực lượng an ninh đã giết hại tổng cộng hơn 550 người, trong đó có 46 trẻ em, kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.
Các cuộc biểu tình thu hút hàng chục nghìn người trong những ngày đầu phản kháng ở các thành phố lớn phần lớn đã dừng lại, hiện giờ người biểu tình phản đối cuộc đảo chính phần lớn thông qua “các cuộc biểu tình du kích”, tức những cuộc biểu tình nhỏ và diễn ra nhanh chóng trước khi lực lượng an ninh kịp phản ứng.
Mọi người cũng tụ tập vào ban đêm để thắp nến cầu nguyện.
Các nhà chức trách hiện đang tiến hành một chiến dịch nhằm kiểm soát thông tin. Dữ liệu di động đã bị cắt, trong khi chính quyền hạ lệnh cho các nhà cung cấp Internet cắt băng thông rộng không dây, tước quyền truy cập của hầu hết khách hàng, mặc dù một số thông điệp và hình ảnh vẫn được đăng và chia sẻ trên mạng xã hội.
Các nhà chức trách cũng đã ban hành lệnh truy nã đối với 18 nhân vật nổi tiếng trong giới kinh doanh, bao gồm cả những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và hai nhà báo theo một điều luật bất thường, theo đó những ai đăng tải các nội dung có thể khiến quân đội lơ là nhiệm vụ hoặc nổi loạn thì sẽ bị kết án lên tới 3 năm tù giam.
Đài truyền hình MRTV của bang đã công bố lệnh truy nã đối với 18 người, kèm theo ảnh chụp màn hình và liên kết đến hồ sơ Facebook của họ.
Mặc dù quân đội đã cấm các nền tảng như Facebook, nhưng họ vẫn tiếp tục sử dụng mạng xã hội để theo dõi các nhà phê bình và tuyên truyền các thông điệp của mình.
MRTV duy trì một kênh YouTube và chia sẻ liên kết đến các chương trình phát sóng của mình trên Twitter, trong khi cả hai kênh này đều đã chính thức bị cấm.
Hoa Kỳ đã lên án việc cắt mạng Internet tại Myanmar.
“Chúng tôi hy vọng điều này sẽ không làm câm lặng tiếng nói của người dân”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jalina Porter nói trong một cuộc họp.
Cuộc đảo chính đã khiến nguy cơ nội chiến xảy ra khi xô xát bùng nổ giữa quân đội với các lực lượng dân tộc thiểu số đòi quyền tự trị ở miền bắc và miền đông.
Nhóm nổi dậy lâu đời nhất của Myanmar, Liên minh Quốc gia Karen (KNU), đã bị quân đội chính phủ không kích lần đầu tiên sau hơn 20 năm, sau khi họ tuyên bố ủng hộ phong trào dân chủ.
KNU cho biết hơn 12.000 dân làng đã phải rời bỏ nhà cửa vì các cuộc không kích. Tổ chức này đã kêu gọi một lệnh cấm vận quốc tế đối với việc bán vũ khí cho quân đội.
“Những hành động vô nhân đạo của họ đối với thường dân không có vũ khí đã gây ra cái chết của nhiều người bao gồm cả trẻ em và học sinh”, nhóm này cho biết trong một tuyên bố.
Truyền thông đưa tin khoảng 20 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích trên lãnh thổ KNU trong những ngày gần đây, trong đó có gần chục người tại một mỏ vàng do nhóm này điều hành.
Giao tranh cũng bùng phát ở phía bắc giữa quân đội và quân nổi dậy người Kachin. Tình trạng hỗn loạn đã khiến hàng nghìn người tị nạn phải chạy sang Thái Lan và Ấn Độ.
Lê Xuân (theo CNA)
Xem thêm:
Từ khóa cắt Internet ở Myanmar quân đội Myanmar Dòng sự kiện