Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ cáo buộc của Pháp cho rằng Nga có liên quan đến các vụ đốt phá cơ sở hạ tầng đường sắt tại nước này vài giờ trước lễ khai mạc Thế vận hội. Phía Nga gọi đây là “cáo buộc vô căn cứ” “giả mạo”.

Dmitry Peskov1
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. (Ảnh cộng tác viên/Getty Images)

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải của Pháp, mạng lưới tàu cao tốc của nước này được cho là mục tiêu vào sáng sớm ngày thứ Sáu tuần trước bởi một số vụ tấn công đốt phá “có tổ chức”. Vụ phá hoại đã làm tê liệt hoạt động đường sắt cao tốc trước lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Paris 2024.

Theo Văn phòng Công tố Paris, một người đàn ông Nga 40 tuổi đã bị bắt giữ 3 ngày trước khi Thế vận hội khai mạc. Văn phòng này đã nói với NBC News của Mỹ rằng vụ việc làm dấy lên lo ngại về “ý định tổ chức các vụ việc có khả năng gây mất ổn định trong Thế vận hội Olympic” của người này.

“Các hãng truyền thông ‘lá cải’, thậm chí cả những hãng được kính trọng, gần đây đã không từ thủ đoạn nào để đổ lỗi cho Nga về mọi thứ đang diễn ra”, ông Peskov nói hôm thứ Hai, cho rằng những cáo buộc nhắm vào Moscow là “tin giả vô căn cứ”.

Ông nói thêm rằng các báo cáo mà không có bằng chứng, được cho là “nguồn thông tin đáng tin cậy” đó, không có tác dụng gì đối với danh tiếng của các kênh truyền thông.

Tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Pháp sắp mãn nhiệm Gerald Darmanin cho biết các quan chức đã ngăn chặn 4 vụ tấn công có kế hoạch đáng tin cậy vào Thế vận hội, bao gồm một vụ được cho là có liên quan đến một công dân Nga.

Hồ sơ của những người bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công đường sắt “giống với quy trình hoạt động của phe cực tả”, nhưng “câu hỏi đặt ra là liệu những người này có bị người khác thao túng hay tự mình hành động”, ông nói thêm.

Các nhà chức trách Pháp cũng báo cáo vào thứ Hai rằng một số mạng cáp quang đã bị phá hoại trên khắp cả nước.

Trong khi đó, các kênh truyền hình và dịch vụ phát trực tuyến của Nga không phát sóng Thế vận hội năm nay do phán quyết của Ủy ban Olympic quốc tế về sự tham gia của các vận động viên Nga và Belarus. Mặc dù ban đầu họ bị cấm tham gia, nhưng sau đó cơ quan quốc tế này đã phán quyết rằng một số lượng hạn chế các cá nhân từ hai quốc gia này có thể tham gia Thế vận hội dưới lá cờ trung lập. Chỉ có 36 vận động viên Nga được cho là đã được chấp thuận, nhưng 20 người đã từ chối tham gia vì cho rằng các điều kiện được đưa ra là một sự sỉ nhục.

Thế vận hội Mùa hè Paris là sự kiện đầu tiên sau 40 năm bị Nga tẩy chay. Trước đó, Liên Xô đã phớt lờ Thế vận hội Mùa hè năm 1984 tại Los Angeles, với lý do “mối quan ngại về an ninh và cảm tình Xô Vanh và sự cuồng loạn chống Liên Xô đang bùng phát ở Hoa Kỳ”.

Tuyết Mai, theo RT