Người dân Myanmar tự vệ chống lại quân đội, làm dấy lên lo ngại về chiến tranh
Người dân Myanmar đang chuyển sang tự bảo vệ trước chính quyền quân sự, làm dấy lên lo ngại về nội chiến, đặc phái viên Myanmar của Liên Hợp Quốc cảnh báo hôm thứ Hai.
Bà Christine Schraner Burgener nói rằng người dân thất vọng và lo sợ sau khi quân đội lên nắm chính quyền vào tháng Hai thông qua một cuộc chính biến. Bà cho biết một cuộc nội chiến “có thể xảy ra”, khi những người biểu tình chống lại quân đội đang chuyển sang tấn công nhiều hơn và đang được các nhóm vũ trang người dân tộc thiểu số huấn luyện sử dụng vũ khí tự chế.
Bà Schraner Burgener muốn tổ chức đối thoại toàn diện với các nhóm vũ trang quân sự người thiểu số, quân đội – còn được gọi là Tatmadaw, các nhóm xã hội dân sự và những lực lượng khác. Tuy vậy, bà cho biết, “sẽ không thực sự dễ dàng thuyết phục cả hai bên đến bàn đàm phán, nhưng tôi vẫn đề nghị họ … để tránh đổ máu nhiều hơn và tránh một cuộc nội chiến, bởi nếu nó xảy ra, nó rất có thể sẽ kéo dài.”
Người dân các địa phương đã thành lập một lực lượng được gọi là Lực lượng Phòng vệ Nhân dân cùng với Chính phủ Thống nhất Quốc gia. Lực lượng này “phải cố gắng được đặt dưới một cơ cấu chỉ huy duy nhất”, bà Schraner Burgener nói, trong bối cảnh những người biểu tình đang chuyển sang các hành động tấn công. Bà nói thêm, hàng ngày, “các vụ nổ” xảy ra ở bất cứ đâu, làm người dân sợ hãi”.
Bà Schraner Burgener cho biết các nhóm vũ trang người dân tộc thiểu số đã nói với bà trong các cuộc họp rằng họ ủng hộ nhân dân. Hiện cũng khó để biết vũ khí chủ yếu là tự chế của họ có thể chống lại quân đội với ” lực lượng rất mạnh và nhiều vũ khí sát thương” hay không.
Quân đội đã thực hiện một cuộc chính biến vào ngày 1 tháng Hai chống lại chính phủ được bầu cử dân chủ và đang sử dụng “bạo lực trên quy mô lớn.”
Khả năng xảy ra một cuộc nội chiến là lý do tại sao trong ba tuần qua bà Schraner Burgener đã thảo luận với các bên chủ chốt về ý tưởng bắt đầu một cuộc đối thoại nhiều bên bao gồm cả các đảng chính trị và ủy ban đình công cũng như một nhóm nhỏ các nhân chứng từ cộng đồng quốc tế.
“Chúng tôi lo lắng về tình hình hiện nay và chúng tôi thực sự muốn mọi người hãy tỉnh táo …để quyết định xem họ muốn thấy đất nước mình trở lại bình thường như thế nào”, bà nói.
Bà gọi tình hình ở Myanmar là “rất tồi tệ”, khi chỉ ra con số hơn 800 người thiệt mạng, hơn 5.300 người bị bắt, và hơn 1.800 lệnh bắt giữ của quân đội.
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc cũng trích dẫn các báo cáo về số người chết, bị thương và thiệt hại chưa được xác nhận về nhà cửa và tài sản dân sự ở thị trấn Mindat, phía tây bang Chin, nơi quân đội tuyên bố thiết quân luật. Bà cũng chỉ ra những báo cáo mới về tình trạng bạo lực gia tăng ở bang Kayah – còn được gọi là bang Karenni – ở miền đông Myanmar và bang miền nam Shan.
Myanmar trong 5 thập kỷ đã mòn mỏi dưới sự cai trị khắt khe của quân đội, khiến đất nước bị cô lập và bị trừng phạt quốc tế. Khi các tướng lĩnh nới lỏng sự kìm kẹp, với cột mốc là việc bà Aung San Suu Kyi trở thành lãnh đạo trong cuộc bầu cử năm 2015, cộng đồng quốc tế đã phản ứng bằng cách dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt và bắt đầu đầu tư vào đất nước này. Cuộc chính biến diễn ra sau cuộc bầu cử tháng 11 khi đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo và quân đội nói rằng kết quả là gian lận.
Bà Suu Kyi đã trực tiếp ra hầu tòa lần đầu tiên kể từ cuộc đảo chính hôm thứ Hai với nhiều cáo buộc khác nhau, trong bối cảnh quân đội đe dọa giải tán đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà – đảng đã giành được 82% phiếu bầu trong cuộc bầu cử vào tháng 11. Luật sư của bà, Min Min Soe, cho biết bà Suu Kyi muốn nói với người dân Myanmar rằng đảng được thành lập vì họ, và “NLD sẽ tồn tại chừng nào người dân còn tồn tại.”
Bà Schraner Burgener gọi nỗ lực của quân đội để cấm NLD là “không thể chấp nhận được” và nói, “Tôi cũng hy vọng NLD sẽ tồn tại vì đây là ý nguyện của người dân.”
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc đã có cuộc gặp kéo dài một giờ với tư lệnh quân đội, Thống tướng Min Aung Hlaing, bên lề cuộc họp tháng trước của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. ASEAN đã ban hành một kế hoạch hành động gồm 5 điểm trong đó kêu gọi ngừng bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN làm trung gian hòa giải, viện trợ nhân đạo và tổ chức chuyến thăm cho đặc phái viên đó tới Myanmar.
Nhưng bà Schraner Burgener cho biết một ngày sau đó, tướng Hlaing nói ông sẽ xem xét năm điểm khi tình hình Myanmar ổn định. Và hôm Chủ nhật, ông đã nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Trung Quốc rằng ông thấy “5 điểm đó không thể thực hiện được.”
“Vì vậy, rõ ràng là tùy vào việc ASEAN phản ứng như thế nào”, bà nói. “Rõ ràng, chúng ta nên biết rằng thời gian đang trôi qua và chúng ta không còn nhiều thời gian để xem các hành động trên thực địa, bởi vì thời gian sẽ chỉ nằm trong tay của quân đội.”
Bà Schraner Burgener cho biết Tatmadaw tuyên bố hôm Chủ nhật rằng họ đã thay đổi quy định về tuổi nghỉ hưu của tổng tư lệnh, có nghĩa là ông Hlaing “có thể ở lại ở vị trí này suốt đời.”
Sau cuộc gặp của bà với tướng Hlaing, đặc phái viên Liên Hợp Quốc đã yêu cầu đến Myanmar để tiếp tục thảo luận, nhưng bà nhận được câu trả lời là “vẫn chưa phải lúc.” Bà nói rằng bà sẽ không từ bỏ nỗ lực của mình vì tin rằng mọi người có thể sẽ được khuyến khích bởi sự hiện diện của bà. Bà vẫn có văn phòng tại thủ đô Naypyitaw và cho biết hàng ngày bà vẫn nhận được báo cáo từ nhiều người trong nước.
Bà Schraner Burgener đã hội đàm với các nhà lãnh đạo khu vực, các nhân vật và các nhóm ở Myanmar. Bà hiện đang bay đến Nhật Bản để gặp ngoại trưởng nước này. Bà cho biết bà cũng sẵn sàng nói chuyện với các quan chức Trung Quốc.
Bà Schraner Burgener nhấn mạnh rằng Liên Hợp Quốc đang cố gắng ngăn chặn bạo lực, bùng phát bởi cuộc đảo chính quân sự. “Rõ ràng là rất buồn khi thấy người dân phải sử dụng vũ khí,” bà than thở.
Tiến Minh (theo Newsweek)
Xem thêm:
Từ khóa nội chiến ở Myanmar khủng hoảng Myanmar