Nhà cung cấp của Apple muốn rời Trung Quốc để tránh chiến tranh thương mại
- Thanh Vân
- •
Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ nổ ra đến nay đã được 3 tháng, ảnh hưởng của cuộc chiến này đối với kinh tế Trung Quốc đang dần dần hiện rõ. Một số doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc đã có kế hoạch di chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh cuộc chiến thuế quan. Trong đó, Công ty GoerTek – một nhà cung ứng linh kiện chính cho Apple đã xác định sẽ chuyển dây chuyền sản xuất của mình sang Việt Nam.
Tờ Nikkei Asian Review tại Nhật Bản đưa tin, GoerTek là đơn vị lắp ráp linh kiện đầu tiên của Apple xác nhận chuyển kế hoạch sản xuất ra khỏi Trung Quốc, việc này là để tránh bị cuốn vào cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đang liên tục leo thang.
GoerTek là đối tác sản xuất tai nghe không dây AirPods cho Apple, công ty này dự tính sẽ chuyển dây chuyền sản xuất tai nghe cho Apple đến Việt Nam. Cùng với đó, hai nhà cung cấp linh kiện điện thoại thông minh là Pegatron và Cheng Uei Precision Industry cũng đang xem xét mở rộng sản xuất ở bên ngoài Trung Quốc, nguyên nhân cũng là để tránh cuộc chiến thuế quan.
Doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dây chuyền sản xuất tai nghe không dây Apple sang Việt Nam
Một người làm việc trong chuỗi cung ứng cho biết, GoerTek đã yêu cầu tất cả các nhà cung ứng tham gia sản xuất tai nghe AirPods xác định xem có thể trực tiếp vận chuyển nguyên vật liệu và linh kiện cần thiết sang Việt Nam hay không. Quyết định này chưa phải là quyết định cuối cùng, bởi vì GoerTek yêu cầu được cùng Apple thảo luận thêm nữa, và Apple đã nắm được kế hoạch này rồi.
Trụ sở chính của GoerTek nằm tại thành phố Duy Phường tỉnh Sơn Đông, công ty này cho biết hy vọng tất cả các nhà cung cấp giữ nguyên giá trị hợp đồng ban đầu, và bàn giao hàng đúng theo thời gian biểu đã thương thảo.
GoerTek và Apple chưa phản hồi lại yêu cầu bình luận của Nikkei Asian Review.
Từ cuối năm 2016 đến 2017, Apple đã xuất xưởng khoảng 20 triệu cặp tai nghe AirPods, dự tính trong năm nay số lượng sản phẩm sẽ tăng lên 28 triệu cặp tai nghe. Theo một nguồn tin tiết lộ, Apple đang có kế hoạch tung ra tai nghe AirPods phiên bản mới vào cuối năm nay.
Hai nhà cung cấp linh kiện cho Apple của Đài Loan đang có kế hoạch trở lại Đài Loan xây dựng nhà máy
Ngày 24/9, chính phủ Tổng thống Trump đã tiến hành thu thuế quan 10% đối với các sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ với tổng trị giá 200 tỷ Đô la Mỹ, mới đầu AirPods, Apple Watch, HomePod cũng được đưa vào danh sách thuế quan, nhưng cuối cùng lại được miễn. Nguồn tin cho biết, nhiều nhà cung cấp lo lắng, nếu ông Trump thu thuế quan đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, tình hình thuế quan sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Cùng với đó, công ty Cheng Uei Precision Industry chuyên cung cấp sạc và thiết bị kết nối cho điện thoại thông minh iPhone và Android cũng cho biết, do căng thẳng chiến tranh thương mại, nên công ty này đang suy xét đưa một số máy móc về Đài Loan và tới khu vực Đông Nam Á để sản xuất.
Chủ tịch Hội đồng quản trị của Cheng Uei Precision Industry là ông Quách Thái Cường (T.C.Guo) nói: “Chúng tôi đang cân nhắc mở rộng sản xuất tại khu Thổ Thành, thành phố Tân Bắc, Đài Loan. Sẽ không mất quá nhiều thời gian, chúng tôi có thể hoàn thành việc này trong 1 đến 2 tháng.”
Tập đoàn này còn đang đánh giá việc xây nhà máy tại Thái Lan, Việt Nam, Philippines. “So với các thị trường mới nổi khác, chuỗi cung ứng tại các nơi này sẽ càng phát triển hơn, và giá thuê nhân công cũng rẻ hơn”, ông Quách Thái Cường nói.
Ngoài ra, một chuỗi cung ứng cao cấp của Apple, công ty Pegatron lắp ráp iPhone đứng thứ 2 sau Foxconn cũng đang đánh giá việc xây nhà máy mới tại Đài Loan, nhà máy tại Đài Loan này không sản xuất các sản phẩm của Apple. Nguyên nhân Pegatron xây dựng nhà máy tại Đài Loan là vì tránh tăng giá cả vì cuộc chiến thương mại.
Công ty này cũng sản xuất máy tính xách tay, máy tính bảng, thiết bị mạng, thiết bị điện tử tiêu dùng và thiết bị IoT cho các khách hàng như Microsoft, Sony và Google.
Chuỗi cung ứng sử dụng chủ yếu là công nghệ Mỹ
Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu có sự có sự thay đổi, còn trước đó các chuỗi cung ứng thường có lợi cho Trung Quốc. Trong 40 năm qua, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc luôn xây dựng trên vai trò là công xưởng gia công của thế giới. Còn cuộc chiến thương mại vẫn đang tiếp tục sẽ buộc các công ty nước ngoài và doanh nghiệp Trung Quốc thay đổi chuỗi cung ứng của mình, di chuyển chuỗi cung ứng của mình tới Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, v.v.
Công ty SK Hynix của Hàn Quốc, Mitsubishi, Toshiba và Komatsu của Nhật Bản đã bắt đầu kế hoạch rời khỏi Trung Quốc từ tháng 7. Các công ty khác như Công ty điện tử Nhân Bảo của Đài Loan, công ty điện tử LG của Hàn Quốc cũng đang đưa ra kế hoạch ứng phó, để đề phòng cuộc chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang dẫn đến tổn thất cho công ty.
Trước đó, Tổng thống Trump cũng một lần nữa thúc giục Apple chuyển nhà máy sản xuất về Mỹ.
Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết: “Nếu tôi quản lý một công ty, về cơ bản tôi sẽ dự tính rời xa Trung Quốc. Những hành vi không đúng đắn của họ (ĐCSTQ) là rất tệ hại.”
“Đây là nguyên nhân mà Tổng thống Trump lựa chọn lập trường cứng rắn đối với họ. Nếu họ muốn trở thành mộ bộ phận của kinh tế thế giới hiện đại này, thì cần phải thay đổi hành vi của họ.” ông Kevin Hassett nói.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng có đăng một bài phân tích của tác giả Cary Huang (một cây bút chính của tờ báo này) cho biết, trong chiến tranh thương mại, Trung Quốc sẽ chịu nhiều đau khổ hơn Mỹ, bởi sự phụ thuộc vào thương mại của Trung Quốc, và chuỗi cung ứng của Trung Quốc cũng là công nghệ của Mỹ.
Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế châu Á Thái Bình Dương của công ty IHS Markit chia sẻ với CNBC, “Khi các công ty đa quốc gia điều chỉnh chuỗi cung ứng của họ sang thị trường Mỹ, thì họ chuyển sang sản xuất ngoài Trung Quốc. Trung Quốc (doanh nghiệp vừa và nhỏ) đang đối mặt với vấn đề mất đơn đặt hàng sản xuất và cơ hội việc làm.”
Thanh Vân
Xem thêm:
Từ khóa Công ty Apple chiến tranh thương mại Mỹ Trung chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại AirPod