Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1/2025, và đến thứ Ba tuần này (29/4) đã tròn 100 ngày tại nhiệm. Trong thời gian này, ông đã tiến hành nhiều cuộc cải cách mạnh mẽ và nỗ lực chứng minh với người dân Mỹ rằng ông đang thực hiện các cam kết tranh cử. Vậy trong 100 ngày đầu tiên, ông đã thực hiện được những cam kết nào, và những cam kết nào còn đang tiếp tục?

Donald Trump 2 1
Ngày 28/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại bãi cỏ phía Nam Nhà Trắng. (Ảnh: Madalina Vasiliu / The Epoch Times)

Mạnh tay trấn áp nhập cư bất hợp pháp

Dữ liệu biên giới cho thấy ông Trump đã đạt được tiến bộ lớn trong việc kiểm soát biên giới. Trong vài tháng qua, số người nhập cư không giấy tờ từ Mexico vào Mỹ đã giảm mạnh, từ 47.324 người vào tháng 12/2024 xuống còn 8.346 người vào tháng Hai năm nay, và tiếp tục giảm xuống còn 7.181 người trong tháng Ba.

Ngoài việc kiểm soát biên giới, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) cũng đang tiến hành các chiến dịch bắt giữ và trục xuất quy mô lớn trên toàn quốc, dù điều này cũng gây ra nhiều tranh cãi.

Cam kết hạ giá tiêu dùng

Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã liên tục giảm sau khi đạt đỉnh 9,1% vào năm 2022. Khi ông Trump nhậm chức tháng Một, lạm phát ở mức 3%, và đã giảm xuống còn 2,4% vào tháng Ba.

Dù ông Trump tuyên bố rằng “chúng tôi đã giải quyết được vấn đề lạm phát”, nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cảnh báo rằng kế hoạch áp thuế của ông có thể khiến giá cả tăng trở lại.

Hiện tại, chính quyền Trump đang dùng thuế quan làm đòn bẩy để đàm phán song phương với nhiều quốc gia, và tác động của các thuế quan này đến giá cả vẫn cần theo dõi thêm.

Cam kết giảm chi phí năng lượng

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết rằng người dân có thể tự kiểm chứng mức giảm chi phí năng lượng qua hóa đơn tiền điện, tiền nước. Ông hứa sẽ giảm một nửa đến 3/4 chi phí năng lượng trong vòng 12 đến 18 tháng sau khi nhậm chức. Tuy nhiên ông cho biết, ngay cả khi không đạt được mục tiêu này thì giá năng lượng cũng sẽ giảm đáng kể.

Theo báo cáo lạm phát mới nhất của Cục Thống kê Lao động Mỹ, giá năng lượng trong tháng Ba đã giảm mạnh: giá xăng giảm 6,3% so với tháng Hai và giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước; giá nhiên liệu giảm 4,2% so với tháng Hai và giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chấm dứt chiến tranh

Ông Trump nhiều lần cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến Nga – Ukraine. Dù đội ngũ của ông đã nhiều lần hội đàm với cả Nga và Ukraine, nhưng chiến cuộc tranh đáng sợ này vẫn chưa kết thúc.

Gần đây, ông Trump cảnh báo rằng nếu bất kỳ bên nào gây khó khăn, Mỹ sẽ từ bỏ nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine.

Ngoài chiến tranh Nga – Ukraine, ông Trump cũng cam kết sẽ giải quyết cuộc xung đột tại Gaza, nhưng xung đột giữa Israel và Hamas hiện vẫn chưa được giải quyết.

Thuế quan toàn cầu

Ông Trump cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng sau khi nhậm chức sẽ thực hiện các chính sách thuế quan để sửa chữa những hành vi thương mại bất công từ các nước khác đối với Mỹ.

Ông tuyên bố: “Tôi sẽ áp thuế toàn diện đối với phần lớn các sản phẩm sản xuất ở nước ngoài.”

Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã công bố áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu và các sản phẩm thép, nhôm.

Ngày 2/4, ông cũng tuyên bố chính sách thuế toàn cầu, áp thuế đối ứng với hàng chục quốc gia; ngày 9/4, ông tuyên bố tạm hoãn áp thuế đối ứng với các nước ngoài Trung Quốc trong vòng 90 ngày để có thời gian đàm phán, tuy nhiên thuế cơ bản 10% vẫn được giữ nguyên.

Trong khi đó, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang. Ông Trump liên tiếp nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc để đáp trả các biện pháp trả đũa của Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ). Hiện Mỹ áp thuế 145% đối với hàng Trung Quốc, còn ĐCSTQ áp thuế trả đũa 125% đối với hàng Mỹ.

Để tìm kiếm việc ông Trump bãi bỏ thuế quan, các nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Liên minh châu Âu đã chủ động đàm phán với Mỹ, hy vọng đạt được các thỏa thuận thương mại. Các nhượng bộ tiềm năng từ các nước này bao gồm: hạ thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ, mua năng lượng Mỹ, đầu tư vào các dự án năng lượng tại Mỹ, và giảm bớt các rào cản phi thuế quan đối với Mỹ.

Đội ngũ của ông Trump cho biết, đàm phán với một số quốc gia đã đạt được tiến triển lớn.

Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, ông Kevin Hassett, cho biết: mặc dù các biện pháp thuế quan của ông Trump khiến nhiều nước không hài lòng, nhưng cũng đã buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán.

Cam kết giảm thuế

Ông Trump cam kết sẽ gia hạn chính sách giảm thuế năm 2017 mà ông đã thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính sách này dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Đồng thời, ông cũng muốn thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử năm 2024, đó là miễn thuế đối với thu nhập từ tiền boa, tiền làm thêm giờ và các khoản phúc lợi an sinh xã hội.

Mặc dù ông đã nỗ lực thực hiện các cam kết này sau khi nhậm chức, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Hiện ông đang thúc đẩy các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội ủng hộ kế hoạch giảm thuế của ông.

Bộ Hiệu quả Chính phủ

Năm ngoái, tỷ phú Mỹ Elon Musk đã đề xuất với ông Trump việc thành lập một “Bộ Hiệu quả Chính phủ” (DOGE). Bộ này sẽ có nhiệm vụ cắt giảm bộ máy quan liêu liên bang và ngăn chặn tình trạng lãng phí ngân sách.

Ông Trump khi đó trả lời: “Tôi rất sẵn lòng.”

Sau khi nhậm chức, ông Trump đã thành lập DOGE và giao trực tiếp cho ông Musk lãnh đạo. Nhiệm vụ của bộ này là cắt giảm chi tiêu liên bang. Tính đến ngày 24/3, DOGE ước tính đã tiết kiệm cho người nộp thuế Mỹ khoảng 115 tỷ USD thông qua các biện pháp như sa thải hàng loạt nhân sự, bán tài sản, hủy bỏ hợp đồng,…

Tuy nhiên, bộ này cũng gây ra không ít tranh cãi, và ông Musk với những biện pháp cắt giảm mạnh chi phí vận hành chính phủ đã trở thành cái gai trong mắt một số người, khiến cả Tesla do ông điều hành cũng bị công kích.

Cải cách giáo dục

Ngày 20/3, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp, bắt đầu quy trình giải thể Bộ Giáo dục, thực hiện cam kết lâu dài với cử tri bảo thủ trong chiến dịch tranh cử.

Tuy nhiên, việc giải thể hoàn toàn Bộ Giáo dục cần sự chấp thuận của Quốc hội. Dù Đảng Cộng hòa kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện, nhưng để dự luật được thông qua tại Thượng viện, vẫn cần sự ủng hộ của Đảng Dân chủ nhằm đạt đủ 60 phiếu tán thành.

Ngoài thách thức từ Quốc hội, việc đóng cửa Bộ Giáo dục còn đối mặt với các vụ kiện pháp lý từ các công đoàn giáo viên.

Ông Trump cũng cam kết trong chiến dịch tranh cử sẽ đấu tranh chống lại chủ nghĩa bài Do Thái trong trường học Mỹ, chính sách DEI (Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập), và trục xuất các du học sinh nước ngoài có thái độ thù địch với giá trị Mỹ ra khỏi các trường học.

Trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, chính quyền của ông đã bắt đầu thực hiện cam kết này. Tính đến nay, hơn 1.000 thị thực sinh viên quốc tế đã bị hủy, gây ra nhiều tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ.

Hỗ trợ ngành năng lượng

Ông Trump trong chiến dịch tranh cử cam kết ủng hộ sản xuất dầu mỏ, khí đốt và than đá. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã ký sắc lệnh để thực hiện mục tiêu này.

Khi nhậm chức vào tháng Một, ông tuyên bố chấm dứt “Thỏa thuận Xanh mới” (Green New Deal) và hủy bỏ chính sách trợ cấp cho xe điện. Đồng thời, ông công bố “Tình trạng Khẩn cấp Năng lượng Quốc gia”, nhằm thúc đẩy khai thác quy mô lớn dầu mỏ và khí đốt để giải quyết vấn đề lạm phát.

Chấm dứt DEI tại chính phủ liên bang

Ông Trump phản đối văn hóa “thức tỉnh” (Woke) trong chiến dịch tranh cử. Sau khi nhậm chức, ông nhanh chóng ký một sắc lệnh hành pháp yêu cầu loại bỏ các chương trình DEI trong các cơ quan liên bang, khôi phục chính sách tuyển dụng dựa trên thành tích (merit-based). Ông cho rằng DEI và “hành động bình quyền” (affirmative action) đều là những hình thức “phân biệt đối xử bất hợp pháp”.

DEI là chính sách nhằm thúc đẩy sự đa dạng, công bằng và hòa nhập tại nơi làm việc bằng cách ưu tiên đại diện cho phụ nữ, người thiểu số và cộng đồng LGBTQ+.

Ông Trump cũng ký một sắc lệnh mang tên “Khôi phục sự thật và lý trí về lịch sử nước Mỹ”, cấm sử dụng quỹ liên bang cho các chương trình tuyên truyền những hệ tư tưởng sai lệch, như chương trình của Smithsonian.

Cấm vận động viên chuyển giới tham gia thi đấu nữ

Ông Trump đã thực hiện lời hứa tranh cử bằng cách ký sắc lệnh hành pháp cấm vận động viên nam giới sinh học (bao gồm cả người chuyển giới) tham gia các môn thể thao nữ.

Ngoài ra, ông cũng yêu cầu Tòa án Tối cao bác bỏ một phán quyết từ tòa án cấp dưới, phán quyết này từng ngăn cản ông loại bỏ binh sĩ chuyển giới ra khỏi quân đội.