Những điểm đáng lưu ý sau cuộc tranh luận Trump – Clinton cuối cùng
Một cuộc tranh luận giữa những tư tưởng xung khắc điển hình: cánh tả so với cánh hữu, giữa Dân chủ và Cộng hoà, nhưng đầy những công kích cá nhân và việc thiếu kiềm chế đáng tiếc từ ứng viên Đảng Cộng hoà.
Dưới đây là một số điểm đáng lưu ý:
Pháp viện Tối cao Hoa Kỳ
Thẩm phán tối cao tại Hoa Kỳ là vị trí suốt đời, tức là những người giữ vị trí này sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới ngành Tư pháp của đất nước trong ít nhất 1/4 thập kỷ tới. Đây là một trong những lý do Đảng cộng hoà không thể buông Trump và rất e ngại vị Thẩm phán tiếp theo là người đại diện cho những đường lối trái ngược với những người bảo thủ.
Tổng thống tân cử Hoa Kỳ lần này có thể chỉ định từ 1 đến 3 vị trí thẩm phán trong Pháp viện Tối cao.
Từ chủ đề đâu tiên cho thấy chiến thuật mà bà Clinton sử dụng chống lại tỷ phú Donald Trump. Đó là mô tả bản thân như một người đại diện cho tầng lớp người Mỹ trung lưu, đẩy đối thủ về phe của những “tập đoàn trọc phú” hưởng đặc quyền đặc lợi. Ngay từ đầu cuộc tranh luận, bà Clinton đã làm rõ thông điệp này gửi tới các cử tri Hoa Kỳ mà tầng lớp trung lưu chiếm phần lớn. Đặc biệt, bà nhấn mạnh lợi thế của mình với lời kêu gọi tới các cử tri nữ, những người ông Trump đang chật vật để giành được sự ủng hộ sau scandal video.
“Tôi cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng Pháp viện Tối cao cần phải đứng về phía người dân Hoa Kỳ, không phải đứng cùng những tập đoàn quyền thế và người giàu. Đối với tôi, điều này nghĩa là chúng ta cần Pháp viện sẽ đại diện cho quyền phụ nữ, cho cộng đồng LGBT…”, bà Clinton nói.
“Những người mà tôi đề cử làm thẩm phán sẽ phải có truyền thống đứng lên chống lại những tổ chức quyền thế, và bảo vệ quyền của người dân Mỹ”.
Đây là đường lối xuyên suốt của bà Clinton trong cuộc tranh luận cuối cùng. Ứng viên Đảng Dân chủ đã khôn khéo dùng cơ hội này để chiếm lấy sự đồng cảm của phân khúc cử tri đông đảo nhất nước Mỹ.
Donald Trump thì ngược lại, với kinh nghiệm chính trường ít ỏi, ông không lồng ghép được một thông điệp rõ ràng nào trong suốt 90 phút tranh luận trực tuyến để thu hút hàng triệu cử tri về phía mình. Về Pháp viện Tối cao Hoa Kỳ, ông nói ông lựa chọn những người sẽ bảo vệ Tu chính án 2 – Quyền sở hữu súng, và chống phá thai – một chính sách tương phản với đối thủ Clinton. Đây là sự khác biệt đặc trưng giữa cánh tả và cánh hữu, giữa hai chính đảng Dân chủ và Cộng hoà.
Vấn đề nhập cư
Nhập cư là vấn đề khác biệt giữa 2 ứng viên nhiều nhất. Bức trường thành phía nam của Trump lại một lần nữa được nhắc tới, còn bà Clinton bị lưu ý là bà không có một chính sách rõ ràng để củng cố biên giới với Mexico.
Trump lặp lại chính sách mạnh mẽ bảo vệ đường biên giới, chống nhập cư trái phép của mình. Đồng thời ông công kích Clinton về quyết sách sẽ nhận “hàng vạn người nhập cư mà không biết họ là ai”, đồng thời ân xá cho hàng ngàn người cư trú trái phép khác đang sống ở Mỹ.
Bà Clinton đưa ra những phản hồi chung chung rằng bà có biện pháp bảo vệ biên giới nhưng những đứa trẻ và nạn nhân chiến tranh ở Syria và Trung Đông cần phải được chăm sóc. Chủ đề này là một trong những thế mạnh của ông Trump và rõ ràng là ông đã trình bày tốt hơn.
Tiếp theo, người điều phối Chris Wallce dồn ép Clinton về bài phát biểu được trả khoản tiền 225.000 USD với một ngân hàng Brazil – tài liệu vừa bị rò rỉ trên Wikileaks, trong đó bà nói về giấc mơ cho thương mại tự do và biên giới mở – điều trái ngược với tuyên bố của bà hôm nay.
Bà nói khi đó bà đề cập chính sách năng lượng, và điều bất ngờ là bà Clinton đã lách khỏi cáo buộc Wikileaks mà chuyển sang chuyện lãnh đạo Nga đang âm mưu gây ảnh hưởng đến bầu cử Mỹ, mà trong đó Trump là đối tượng ưa thích của ông Putin. Điều này sau đã khiến ông Trump mất bình tĩnh.
Điểm nóng đối ngoại
Trump chỉ trích Hillary và Obama về chính sách đối ngoại tại Syria mà Clinton đã có phần đóng góp trong khi làm Ngoại trưởng, ông cho rằng Aleppo là một “thảm hoạ” và một “cơn ác mộng về vấn đề nhân đạo”.
Ông Trump tố cáo ngoại trưởng Clinton và Tổng thống Obama, bằng việc rút quân khỏi Iraq năm 2011 đã tạo ra lỗ hổng khiến Nhà nước Hồi giáo hình thành, và hiện tại nó có mặt ở 32 quốc gia.
Người điều hành tranh luận đặt ra một câu hỏi khó cho bà Clinton về chính sách lập vùng cấm bay để bảo vệ cho người dân thành phố Aleppo, Syria, nếu thế thì có nhiều khả năng sẽ kéo Mỹ và một cuộc chiến. Và khi có vùng cấm bay, nếu máy bay của Nga xâm phạm thì bà có dám bắn rớt hay không? Bà Clinton không trả lời được câu hỏi trên, ngoài việc nhấn mạnh chính quyền của bà sẽ cố gắng đạt một thoả thuận với Nga về vấn đề này.
Ông Trump tiếp tục tấn công và áp đảo đối thủ, ông lập luận rằng hiện chúng ta đang bị thua thiệt so với Nga. Hiệp định ngừng bắn với Nga đã bị Nga đơn phương lật đổ mà Mỹ không thể làm được gì.
Nợ công và phúc lợi xã hội
Tranh luận về chủ đề này thể hiện rõ sự khác biệt cố hữu giữa phe tả và phe hữu.
Đại diện Đảng Cộng hoà với đường lối thiên hữu giữ lập trường về một nhà nước hạn chế, thuế thấp và mở rộng tư do kinh doanh tư nhân. Bà Clinton thì đại diện cho ý tưởng ngược lại về việc tăng thuế, tăng sự ảnh hưởng của nhà nước lên đời sống của người dân, yêu cầu người giàu nộp nhiều thuế hơn, và tăng phúc lợi xã hội.
Bà Clinton nói: “Khi giới trung lưu phát triển, Hoa Kỳ phát triển.” Bà nói bà muốn có chương trình việc làm lớn nhất từ Thế chiến Hai dành cho hạ tầng, năng lượng sạch, giúp doanh nghiệp nhỏ. Bà nói bà muốn phụ nữ có lương bằng nam giới và sinh viên đại học không phải gánh núi nợ nần.
Ông Trump công kích thỏa thuận thương mại tự do Nafta, do Bill Clinton ký. Ông nói sẽ tái thương lượng Nafta, và nếu không được, ông sẽ bác bỏ nó và tìm thỏa thuận mới. Ông cho biết dự định cắt giảm thuế và thuế doanh nghiệp.
Cả hai người đều bị người dẫn chương trình Chris đặt nghi vấn rằng kế hoạch kinh tế, thuế má mà đều bị đánh giá là không đạt được mục tiêu về việc làm, tăng trưởng và ngân sách như tuyên bố.
Nhận định: Thiếu kiềm chế là nguyên nhân lớn nhất khiến Trump thua cuộc
Trong nửa đầu cuộc tranh luận, Donald Trump giữ được cái đầu lạnh một cách đáng ngạc nhiên, ông gần như không ngắt lời đối thủ hay có biểu hiện quá tiêu cực. Tuy nhiên sức chịu đựng của nhà tỷ phú đến giới hạn khi bà Clinton gọi ông này là “con rối của Putin”.
“Không phải con rối”, ông Trump ngắt lời.
“Bà mới là con rối”, ông tiếp tục ngắt lời.
Đối đáp kiểu trẻ con này còn biến thành xấu tệ hơn khi ông Trump gọi đối thủ là “nasty woman (một phụ nữ bẩn thỉu)”, trong khi bà Clinton đang trả lời câu hỏi về Phúc lợi xã hội.
Anthony Zurcher, phóng viên BBC tại Bắc Mỹ, nhận định: “Donald Trump đã cố gắng kiềm chế”, nhưng bà Clinton đã khéo léo chuyển cuộc tranh luận sang chủ đề dễ khiến ông nổi khùng. Phần cuối cuộc tranh luận, Trump có vẻ yếu thế. Bà Clinton né tránh được những đòn tấn công nguy hiểm nhất của ông và còn khích ông bộc lộ hành vi khiến ông bị nhìn nhận tiêu cực.
Trong lúc nói về chủ đề nhập cư, bà Clinton chuyển hướng với câu hỏi về Wikileaks và tấn công mối quan hệ của Trump với Nga và ông Vladimir Putin.
Vậy là ông Trump cắt lời. Ông mô tả bà Clinton là kẻ nói dối và ví bà là con rối Nga chứ không phải ông.
Ông Trump tuyên bố những phụ nữ cáo buộc ông quấy rối tình dục là muốn có danh tiếng và làm tay sai cho chiến dịch của bà Clinton.
Kết thúc tranh luận, ông Trump còn khiến truyền thông và độc giả sốc khi từ chối cam kết chấp nhận kết quả bầu cử vào tháng sau nếu thua cuộc. Thay vào đó, Trump cáo buộc các phương tiện truyền thông đầu độc tâm trí người dân Mỹ và cuộc bầu cử đang bị sắp đặt. Ông nói lẽ ra bà Clinton không được phép tranh cử tổng thống vì đã phạm những tội vô cùng nghiêm trọng.
Bà Clinton khéo léo phản hồi rằng Trump là một người suốt ngày ca cẩm về “gian lận” mỗi khi ông phải đối mặt với một tình huống mà ông không thích – dù đó là quyết định của FBI không truy tố bà trong vụ máy chủ email, hay vụ ông thua bầu cử sơ bộ tại Iowa, hoặc thậm chí việc show truyền hình thực tế của ông hụt giải Emmy.
Anthony Zurcher kết luận: ông Trump cần một chiến thắng nhưng kết quả cuộc tranh luận lại là một trận hòa.